Lỗ hổng an ninh lương thực
Giá lúa mì và ngô tại quốc gia đông dân nhất thế giới đang tăng mạnh, đặt ra những câu hỏi về việc liệu nguồn cung cấp lương thực của Trung Quốc có thực sự an toàn trong bối cảnh việc phụ thuộc vào nhập khẩu ngũ cốc ngày càng tăng, diện tích đất canh tác bị thu hẹp và gián đoạn do thiên tai gây ra.
Theo số liệu mới nhất công bố bởi Cục Dự trữ Chiến lược và Lương thực Quốc gia Trung Quốc (NFSRA), hệ thống dự trữ ngũ cốc quốc gia mua 41 triệu tấn lúa mì tươi trong giai đoạn 1/6 - 31/7, giảm 17.2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn nguồn tin trong ngành cho biết, do hậu quả của đại dịch Covid-19, nhiều nông dân quyết định tích trữ ngũ cốc thay vì bán cho chính phủ.
Nông dân Trung Quốc thu hoạch lúa mì. Ảnh: Tân Hoa Xã
Ma Xiaojuan, Phó tổng giám đốc Công ty Ngoại thương dầu và ngũ cốc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, cho biết, nông dân ước tính dự trữ thêm hơn 20%-30% sản phẩm lúa mì, các thương nhân - những người đóng vai trò là cầu nối giữa nông dân và các kho dự trữ quốc gia cũng tích trữ ngũ cốc do dự đoán giá mặt hàng này sẽ tăng.
Tỉnh Hà Nam là một trong những vựa lúa mì lớn nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, từ hôm 6/8, một hệ thống giao dịch ngũ cốc trực tuyến từ các kho nhà nước đã ngừng hoạt động, theo thông cáo của chi nhánh tại địa phương thuộc Hợp tác xã Dự trữ Ngũ cốc Trung Quốc.
Tuy không giải thích lý do đóng cửa hệ thống, SCMP nhận định nguyên nhân là bởi không có nhiều thương nhân sẵn sàng bán ngũ cốc cho các kho của nhà nước với mức giá tương đối thấp khoảng 0.16 USD/ 500g hoặc 322 USD/tấn.
Tại Sơn Đông - một tỉnh trồng lúa mì lớn khác, giá lúa mì trong tháng 7 tăng lên 2.380 NDT/ tấn, cao hơn khoảng 5% so với tháng 7 năm ngoái.
Cục Thống kê Quốc gia của Trung Quốc cho biết sản lượng ngũ cốc vụ mùa hè của nước này, bao gồm lúa mì và gạo, trong năm nay đạt mức cao nhất lịch sử là 142.81 triệu tấn - tăng 0.9% so với năm ngoái, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và lũ lụt nghiêm trọng dọc sông Dương Tử.
Tuy nhiên, rõ ràng là nguồn cung ngũ cốc trên thị trường Trung Quốc đang gặp áp lực, SCMP đánh giá.
Ngô - loại ngũ cốc chủ yếu được dùng làm thức ăn gia súc, có mức giá cao nhất trong 5 năm qua tại Trung Quốc, buộc các nhà máy và nông dân phải chuyển sang dùng lúa mì thay thế.
Nông dân quyết định dự trữ ngũ cốc. Ảnh: AP
Mối lo trước nguy cơ Mỹ phát động "cuộc chiến lương thực"
Đồng thời, mối lo ngại tăng khi Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. Đây là một phần của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung Quốc giai đoạn 1.
Trong một báo cáo công bố hôm 1/8, các nhà phân tích tại Tập đoàn Đầu tư Nông nghiệp Hắc Long Giang - một công ty nông nghiệp quốc doanh lớn, cho rằng Mỹ có thể phát động "cuộc chiến lương thực" chống lại Trung Quốc bằng cách cắt giảm nguồn cung lương thực - điều có thể "nguy hiểm hơn so với chiến tranh thương mại".
"Bởi Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu lương thực lớn nhất thế giới, [nếu] Mỹ phát động một ‘cuộc chiến lương thực’, an ninh lương thực của nước ta sẽ phải chịu áp lực rất lớn," các nhà phân tích nói với SCMP.
Nỗ lực của Trung Quốc
Với nỗ lực hạ giá lúa mì, Bắc Kinh đã bán đấu giá 6.17 triệu tấn lúa mì dự trữ trong kho tính từ đầu năm đến ngày 27/7, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu đấu giá chính thức của nước này.
Trung Quốc đang tìm nguồn cung ngũ cốc từ các nơi khác trên thế giới. Dữ liệu hải quan cho thấy, nước này nhập khẩu 910.00 tấn lúa mì trong tháng 6, tăng 197% so với năm trước.
Các nhà lãnh đạo và các quan chức Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh rằng nguồn cung lương thực trong nước vẫn đang được kiểm soát, nhưng chính điều này lại làm dấy lên những nghi ngờ về các vấn đề liên quan đến nguồn cung.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Han Changfu viết trên tờ Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) hôm 7/8 "tự tin Trung Quốc có khả năng đảm bảo về vấn đề an ninh lương thực".
Trong chuyến thăm tới Cát Lâm - tỉnh trồng ngô và đậu tương lớn - vào tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên tục thúc giục chính quyền địa phương có biện pháp đảm bảo nguồn cung ngũ cốc.
Zhang Hongyu, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý và Hệ thống Kinh tế Nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, cũng cho rằng Trung Quốc không nên lãng phí một tấc đất canh tác nào.
"Chúng ta nên đảm bảo đủ diện tích trồng trọt để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho nguồn cung các loại lương thực thiết yếu", Hongyu khẳng định.
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: