Trại giam Tần Thành quá tải vì chiến dịch "đả hổ"
Tần Thành hiện là nơi giam giữ hàng loạt quan chức cấp cao Trung Quốc bị xử lý trong chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" của chủ tịch Tập Cận Bình, như cựu Thường ủy Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang, cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, cựu Chánh văn phòng trung ương Lệnh Kế Hoạch, và Quách Bá Hùng - cựu phó chủ tịch Quân ủy trung ương.
Thông thường, các phạm nhân trên 60 tuổi ở Tần Thành rất trông đợi vào dịp Tết Âm lịch, khi nhà tù có thông lệ cho phép họ dùng bữa cùng gia quyến. Nhưng một nguồn tin nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) rằng năm nay, hoạt động này đã bị hủy bỏ.
Theo nguồn tin, nhà tù hiện đã chật cứng tù nhân - hệ quả của chiến dịch chống tham nhũng do ông Tập phát động và thực thi mạnh mẽ suốt hơn 5 năm qua, khiến con số kỷ lục hơn 1.3 triệu quan chức các cấp bị "ngã ngựa". Hiện nay, Tần Thành không còn đủ không gian để tổ chức bữa tất niên cùng thân nhân thường niên.
Không chỉ thế, năm nay không có khách thăm tù nào được chấp thuận trong thời gian 2 tuần trước và sau ngày Mùng 1 Tết Mậu Tuất vào thứ Sáu tới, ngày 16/2.
"Nhà giam từng cho phép các phạm nhân trên 60 tuổi được dùng bữa trong tù cùng một số thành viên gia đình trước Tết Âm lịch. Một số được ăn lẩu, cũng có người mang sủi cảo hay bất cứ món gì họ thích," nguồn tin của SCMP cho biết.
Tần Thành là nơi giam giữ nhiều cái tên nổi tiếng trong chính trường Trung Quốc (Ảnh: SCMP)
Nằm ở phía Bắc vùng ngoại ô Bắc Kinh, trại giam bí ẩn Tần Thành vốn là nơi thụ án cho các quan chức cấp thứ trưởng trở lên. Vì vậy, việc nhà tù này quá tải do chiến dịch chống tham nhũng là điều chưa từng có tiền lệ.
Trong lịch sử Trung Quốc hiện đại, nhiều cái tên nổi tiếng đã bị giam sau các bức tường của Tần Thành, bao gồm Giang Thanh - vợ lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông, Phó thủ tướng Bạc Nhất Ba - cha của Bạc Hy Lai, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Bành Chân, Bí thư thành ủy Bắc Kinh Trần Hy Đồng...
Không giống như Club Fed - các trại giam có mức độ an ninh thấp tại Mỹ để giam giữ tội phạm trí thức và các VIP, phạm nhân ở Tần Thành bị giám sát hết sức nghiêm ngặt.
Cuộc sống của các "hổ lớn" hàng đầu
Tần Thành vẫn luôn là một bí ẩn kể từ khi nó được xây dựng với sự giúp đỡ của Liên Xô vào năm 1958, để giam giữ các tội phạm chiến tranh hay thành viên Quốc dân đảng.
Vấn đề quá tải tại nhà tù này chỉ xảy ra duy nhất trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa (1966-1976), khi hàng loạt nhân vật tinh anh trong chính trường bị thanh trừng. Tình trạng này vẫn diễn ra dù nhà tù đã được mở rộng vào thập niên 1960.
Đáng chú ý, Tần Thành được cho là đã có đợt mở rộng mới vào năm 2012, vài tháng trước khi ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo Trung Quốc. Nhưng với thêm gần 100 "hổ lớn" bị kết án vài năm gần đây, trại giam gần như đã hoạt động hết công suất.
Họ hàng một quan chức thụ án tại Tần Thành từ năm 2013 cho biết, nhà tù đang ngày càng chật chội.
"Ông ấy nói với tôi rằng có không quá 6 phạm nhân ở khu của mình khi ông mới tới đây. Nhưng hiện nay do chiến dịch chống tham nhũng, có đến hơn 20 người bị giam trong khu này," người họ hàng nói, và cho biết bà thường đến thăm tù hàng tháng.
Chu Vĩnh Khang hiện là "con hổ" lớn nhất đang bị giam ở trại Tần Thành (Ảnh: CCTV)
Theo SCMP, phần lớn phạm nhân vẫn được giam giữ trong các buồng riêng biệt tại Tần Thành, nhưng họ có cơ hội giao tiếp với nhau trong lúc tập thể dục hay các nhóm sở thích như làm vườn. Phạm nhân được cho phép rời khỏi buồng giam khoảng 1-2 tiếng mỗi ngày để ra sân chung.
"Bạc Hy Lai có tinh thần khá tốt và tham gia nhiều hoạt động," nguồn tin tiết lộ với SCMP. "Nhưng Quách Bá Hùng và Lệnh Kế Hoạch thì không bao giờ xuất hiện và chẳng tham gia hoạt động gì. Quách dường như bị ốm. Lệnh Kế Hoạch thì có vẻ xuống tinh thần, ông ta là phạm nhân duy nhất mà tôi được biết là đến nay chưa từng có một người thân hay bạn bè nào tới năm trong vài năm qua."
Nguồn tin hé lộ thêm rằng, cựu "trùm an ninh" Chu Vĩnh Khang - cựu Thường ủy Bộ chính trị Trung Quốc đầu tiên bị kết án tham nhũng - được hoạt động ở một sân riêng và bị cách ly khỏi các tù nhân khác.
Tần Thành là nhà tu duy nhất do Bộ công an Trung Quốc quản lý và vận hành, trong khi các nhà giam khác do Bộ tư pháp điều hành. Khi mới mở ra, nhà tù này được trang bị bồn cầu bệt, cơ sở y tế và hạ tầng rèn luyện sức khỏe - những trang thiết bị mà hầu hết người dân Trung Quốc không có được vào thập niên 1950.