Trước khi “làm việc đến chết”, cô gái 26 tuổi đã định nộp đơn nghỉ việc
Câu chuyện của Anna Sebastian Perayil (26 tuổi, Ấn Độ) qua đời sau 4 tháng làm việc tại EY (một trong 4 tập đoàn Big 4 về kiểm toán hàng đầu thế giới) đã gây rúng động toàn cõi mạng.
Vào tháng 3/2024, Anna còn hào hứng khoe đã chính thức được nhận vào tập đoàn hàng đầu thế giới. Thế nhưng chỉ sau vài tháng đi làm, vào ngày 20/7, cô gái đã bị kiệt sức và qua đời. Thế nhưng, không một ai trong tập đoàn EY đi viếng đám tang của cô.
Mẹ của Anna đã viết tâm thư dài 3 trang A4 gửi đến Chủ tịch của tập đoàn EY để nói lên mặt tối đằng sau văn hoá “làm việc đến chết” mà công ty này đang áp dụng.
2 tuần trước khi Anna qua đời, bố mẹ cô đã bay một chặng đường dài từ quê nhà (thành phố Kochi) đến TP Pune – nơi Anna đang sinh sống và làm việc.
Ước mơ của Anna là kiếm đủ tiền mua vé máy bay cho cha mẹ đến dự lễ tốt nghiệp của mình. Anna đã làm được, nhưng trong 2 ngày tốt nghiệp đó, cô còn không dành được thời gian bên cha mẹ chỉ vì làm việc quá nhiều.
Khi cha mẹ đến, Anna tâm sự về những cơn đau co thắt ngực diễn ra gần đây. Cha mẹ đã vội vàng đưa con gái đi khám, nhưng bác sĩ trấn an rằng các chỉ số về sức khoẻ đều bình thường. Tuy nhiên, bác sĩ cũng dặn cô đang có tình trạng sức khoẻ bất ổn khi liên tục ăn đêm và không ngủ đủ giấc.
Nhưng những cơn đau không bình thường là dấu hiệu về cái chết đang dần đến với cô gái trẻ mới chỉ 26 tuổi.
Vào ngày Anna qua đời, sau khi trở về nhà, cô lại tiếp tục những cơn đau thắt ngực, và bạn cùng phòng đã phải gọi điện báo cho bố mẹ cô. Bà Anita Augustine (mẹ của Anna) đã vô cùng hoảng sợ.
Bà biết con gái đang trải qua những gì, từng ngày cô phải căng thẳng thế nào vì khối lượng công việc. Bà đã nhờ bạn bè đưa con gái nhanh chóng đến viện. Sau đó, Anna ngã gục xuống, được tiến hành hô hấp nhân tạo. Mặc dù đã cố gắng, nhưng trên đường đến bệnh viện, Anna đã ngừng tim và tử vong.
Ann Mary (bạn thân của Anna) tiết lộ 2 tiếng trước khi qua đời, Anna đã gọi điện thoại với mình. Họ nói chuyện suốt gần 1 giờ đồng hồ.
Mary nhớ lại những giây phút cuối được nói chuyện với bạn: “Ngay cả ngày hôm đó, cậu ấy còn kể với tôi về một cuộc họp đêm khuya. Sếp của Anna thường nói với cô ấy rằng không ai trụ được quá 3 tháng trong nhóm, và anh ta mong Anna sẽ phá vỡ được khuôn mẫu đó. Anh ta tự hào về điều này. Họ đã bình thường hoá văn hoá làm việc độc hại tại nơi đây. Anna đã trải qua những cơn lo lắng kinh hoàng, nhưng không một ai trong số đó quan tâm và giúp đỡ bạn tôi”.
Mary đau xót khi cho biết Anna đã lên kế hoạch nghỉ việc.
“Anna đã có kế hoạch nghỉ việc rồi. Bố mẹ luôn ủng hộ quyết định của cậu ấy. Cậu ấy đã chia sẻ những trải nghiệm đáng sợ của mình lên bộ phận nhân sự, nhưng chỉ nhận được sự lạnh nhạt. Cả quản lý của cậu ấy cũng không quan tâm đến vấn đề sức khoẻ của Anna. Mẹ của Anna đã cố gắng liên lạc với quản lý của con gái, nhưng họ không bao giờ trả lời”, Mary cho biết thêm.
Trong lá thư gửi Rajiv Memani (chủ tịch của EY tại Ấn Độ), bà Augustine cho biết vô cùng bàng hoàng và không thể vượt qua nỗi mất mát to lớn này. “Ngay cả trong 2 ngày cuối cùng ở bên nhau, con bé cũng không thể tận hưởng trọn vẹn vì áp lực công việc. Tôi ước mình có thể bảo vệ được con bé. Nhưng đã quá muộn với Anna của chúng tôi”.
Trong ký ức của bà Augustine, Anna là một “chiến binh” thực thự, luôn đứng đầu thành tích học tập. Cô cũng là người quá tử tế đến mức không đỗ lỗi cho bất kì ai.
Thế nhưng, Anna đã vô cùng suy sụp khi gọi điện cho những người thân của mình.
Ann Treasa Joseph (một người bạn của Anna) nhớ lại cô gái từng tâm sự vừa khóc, vừa gọi điện với mẹ mỗi ngày.
“Mẹ của Anna thường nhắc về việc con gái bị quá tải công việc tại EY, thậm chí sếp còn giao thêm vào ban đêm. Trong một lần về thăm nhà sau 4 tháng làm tại EY, Anna tâm sự rằng đang cân nhắc nghỉ việc. Cô ấy cảm thấy bị cô lập, không có người thân ở đó và đang cố gắng xin chuyển đến tập đoàn EY có chi nhánh ở quê nhà.
Mẹ Anna liên tục khuyên con gái nếu căng thẳng thì nên rời khỏi môi trường độc hại như vậy. Anna đã đấu tranh mạnh mẽ để đạt được mọi thứ trong cuộc sống. Cô vô cùng thân thiết với gia đình, và cha mẹ Anna giờ đang rất suy sụp. Họ khóc mỗi ngày, cố gắng vượt qua nỗi mất mát quá lớn này”, bạn của Anna nói.
Còn theo gia đình của Anna, cô đã nộp đơn xin nghỉ phép trong 15 ngày và sẽ dự kiến trở về nhà vào cuối tháng 7 - thời gian dự án kiểm toán mới nhất của cô kết thúc. Mặc dù cô yêu cầu được trở về nhà sớm hơn, nhưng cuộc kiểm toán chưa kết thúc, nên Anna lại phải ở lại cho đến khi dự án hoàn thành.
Trong khi đó, một người chú của Anna (ẩn danh) nhớ lại cô là một người chu đáo và tình cảm. “Con bé nên từ chức. Với tài năng của mình, con bé có thể xin việc ở bất cứ đâu. Nhưng EY là công ty đầu tiên của Anna và đó là tập đoàn hàng đầu thế giới. Anna biết điều đó sẽ ảnh hưởng đến quá trình thăng tiến nên dù có áp lực, con bé vẫn tiếp tục chiến đấu”, ông khẳng định.
Người này còn cho biết những tin đồn trên mạng về Anna sai sự thật. Anna không hề có tiền sử bệnh tật nào trước khi làm tại EY. “Con bé đã nghe theo lời của bác sĩ. Bác sĩ cho biết tình trạng căng thẳng, thiếu ngủ và chế độ ăn uống không hợp lý đang gây nên vấn đề sức khoẻ cho Anna”.
Nói về những động thái của tập đoàn EY, người chú của Anna cho biết công ty đã cử 1 người đến gặp cha mẹ Anna để biết thêm về cái chết của cô gái. Thế nhưng điều ngạc nhiên, dù công ty có một chi nhánh ở quê nhà của Anna, nhưng chỉ sau khi sự việc ầm ĩ, Chủ tịch EY mới biết về cái chết của cô gái.
“Sếp của con gái không hề thấu hiểu tí nào cho vấn đề sức khoẻ của con bé”
Ông Sibi Joseph (cha của Anna) cho biết con gái không hề có vấn đề sức khoẻ nào trước khi gia nhập tập đoàn EY.
Ông Sibi chia sẻ bất cứ khi nào cha mẹ giục con gái nghỉ việc vì môi trường làm việc căng thẳng, Anna đều khẳng định công việc đang mang lại nhiều cơ hội giá trị. Anna định ở lại thêm một thời gian nữa.
Về phản hồi của chủ tịch tập đoàn EY về cái chết của con gái, ông Sibi cho biết: “Chủ tịch EY nói sẽ thành lập một diễn đàn giải quyết những vấn đề này, đảm bảo không có sự cố đáng tiếc nào sẽ xảy ra. Chỉ sau khi chúng tôi viết tâm thư, chủ tịch mới biết về cái chết của Anna. Điều này chứng tỏ công ty đã không hề đưa ra thông báo nào về cái chết của con gái tôi trước đó”.
Bức thư dài 3 trang A4 của mẹ Anna đã tạo nên làn sóng phẫn nộ dữ dội hướng về tập đoàn EY ở Ấn Độ.
Không chỉ nỗi đau của một người mẹ mất đi con gái, đây còn là lời kêu gọi một tập đoàn lớn phải thay đổi văn hoá làm việc để không còn bậc cha mẹ nào phải trải qua cảm giác đau khổ tột cùng như gia đình Anna.
Sau cái chết đau thương của Anna, tập đoàn EY đã gửi lời chia buồn và cho biết sự ra đi của Anna là một mất mát lớn không thể bù đắp.
"Sự nghiệp đầy trông đợi của Anna đã kết thúc theo cách bi thảm, là một mất mát không thể bù đắp được với tất cả chúng tôi. Mặc dù không có biện pháp nào bù đắp cho sự mất mát to lớn của gia đình, nhưng chúng tôi đã cung cấp mọi sự hỗ trợ mà công ty vẫn đang làm trong thời điểm khó khăn này. Và chúng tôi sẽ tiếp tục làm vậy trong tương lai".
Tuy nhiên, chủ tịch EY lại bị chỉ trích dữ dội khi khẳng định: Văn hoá công ty không gây nên cái chết của Anna. "Chúng tôi có khoảng 100.000 nhân viên. Không còn gì phải nghi ngờ, mỗi người đều làm việc chăm chỉ. Anna chỉ làm việc với chúng tôi trong 4 tháng và cô ấy được phân công như bất kì nhân sự nào trong công ty".