Biện pháp này nhằm giúp quốc gia bị cô lập giảm phụ thuộc vào dầu mỏ nước ngoài, cũng như trụ vững trước những biện pháp trừng phạt vốn được đưa ra để kiềm chế chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tờ Wall Street Journal hôm 17-12 dẫn thông tin từ các chuyên gia và quan chức nước ngoài cho biết Bình Nhưỡng đang dựa vào chương trình khí hóa từ than đá để chống đỡ cho nền kinh tế trong nước trước sự kiềm chế của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đối với nhập khẩu dầu mỏ.
Theo đó, Triều Tiên đã tăng cường sử dụng công nghệ nói trên trong những năm gần đây, đưa công nghệ này vào một số nhà máy lớn nhất của nước này sản xuất phân bón, thép, xi măng – những nhà máy trước đây phụ thuộc vào dầu mỏ nhập khẩu hoặc các nhiên liệu thô để sản xuất.
Các chuyên gia cho biết khí hóa than đá có thể giải phóng nguồn cung cấp các nhiên liệu nhập khẩu cho quân đội Triều Tiên, bên cạnh nhiều hoạt động khác.
Chuyên gia nghiên cứu về kinh tế Triều Tiên tại ĐH Quốc gia Seoul, ông Peter Ward cho biết một nỗ lực mới từ năm 2016 nhằm tạo ra các sản phẩm hóa học từ than đá cũng được thiết kế để cho phép Bình Nhưỡng đối mặt với các lệnh trừng phạt – trong thời gian dài nếu cần.
Nhập khẩu của Triều Tiên với các sản phẩm dầu tinh tế, phân bón và hóa chất hữu cơ – phần nhiều trong số đó đều có thể sản xuất thông qua khí hóa than đá, đã giảm xuống thậm chí trước cả những lệnh trừng phạt gần nhất của LHQ.
Theo các công ty của Trung Quốc, nước này – vốn là đồng minh lâu năm của Triều Tiên - đã cung cấp công nghệ và chuyên gia cho nỗ lực "vắt than thành dầu" nói trên. Một công ty (Trung Quốc) nói rằng hồi tháng 7, họ đã cung cấp một bộ khí hóa than đá lớn được thiết kế để sản xuất 40.000 m3 khí đốt tổng hợp/giờ tới vùng công nghiệp phía Bắc Bình Nhưỡng.
Chỉ riêng sản lượng này đã đủ để sản xuất nhiên liệu tổng hợp tương đương với khoảng 10% lượng dầu thô và dầu tinh luyện hàng năm của Triều Tiên trong những năm gần đây, theo phân tích của ông David Von Hippel, chuyên gia về ngành năng lượng của Triều Tiên tại Viện Nautilus.
Theo Wall Street Journal, Bình Nhưỡng còn đẩy mạnh nhiều con đường để sống sót trước các lệnh trừng phạt, trong đó có chiêu chuyển dầu tàu-qua-tàu vốn bị chỉ trích nhiều tháng qua, để nhập khẩu nhiên liệu. Bên cạnh đó còn có các hoạt động tấn công mạng. Bên cạnh đó, nhiều cải cách được áp dụng đã cho phép các thị trường tư nhân mở cửa hơn, giúp nền kinh tế vững chắc hơn.
Rất khó để đánh giá tác động của công nghệ đối với Triều Tiên vì tính chất bí mật đặc thù của nước này. Bình Nhưỡng vẫn đối mặt với tình trạng thiếu thốn năng lượng và cần dầu mỏ cho nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực vận chuyển nên sẽ cần thêm nhiều nhà máy khí hóa than đá để bù đắp cho sự thiếu hụt khí đốt do trừng phạt. Hiện các lệnh trừng phạt đã cắt giảm nhập khẩu dầu thô và dầu tinh chế của Triều Tiên tới 75%.