Con tàu này được đăng ký ở Gabon, một quốc gia Trung Phi. Nó có khả năng chở theo 700.000 thùng dầu thô nhưng đã dỡ hàng tại Trung Quốc nên gần như trống rỗng lúc tai nạn xảy ra. Trong số 28 thành viên thủy thủ đoàn, 25 người đã được cứu. Thiệt hại về người và môi trường có vẻ không quá tồi tệ.
Tuy nhiên, với các cơ quan quản lý hàng hải trong khu vực, vấn đề mới chỉ bắt đầu. Có rất ít thông tin về chủ sở hữu của con tàu, một công ty đăng ký tại quần đảo Marshall. Công ty này chỉ sở hữu duy nhất con tàu gặp nạn và nó cũng chẳng có bảo hiểm. Cả hai yếu tố này đều quan trọng cho quá trình khắc phục hậu quả của vụ tai nạn.
Và Pablo cũng chỉ là khởi đầu cho những quan ngại. Vấn đề xảy ra với chiếc tàu chở dầu lớp Aframax đã gióng lên một hồi chuông toàn cầu khi mà đội tàu hết đát đang được trưng dụng tối đa để vận chuyển dầu khắp thế giới, nhất là sau khi phương Tây cấm vận dầu Nga và áp giá trần lên nhiên liệu hóa thạch của Moscow. Các tàu chở dầu đáng lẽ chuẩn bị được đưa đi xẻ thịt này đã được đưa trở lại các tuyến hàng hải mà có rất ít thông tin về người sở hữu chúng.
Với lượng thông tin ít ỏi như vậy, các quốc gia sẽ gặp muôn vàn khó khăn nhằm tìm ra những người chịu trách nhiệm khi những con tàu già nua gặp sự cố.
“Vấn đề với Pablo là một bi kịch và là lời nhắc nhở chúng ta về một vấn đề đang gây nhức nhối: Hạm đội tàu ma gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng với cuộc sống con người và môi trường biển. Thật đáng quan ngại khi những chiếc tàu cũ nát này đi qua những tuyến hàng hải huyết mạch hàng ngày, tiềm ẩn rủi ro tai nạn là rất lớn”, Rolf Thore Roppestad, CEO của Gard AS – nhóm chuyên về bảo hiểm những sự cố tràn dầu, cho biết.
Hiện tại, nguyên nhân của sự cố với tàu Pablo vẫn chưa rõ ràng nhưng chắc chắn một điều là quá trình dọn dẹp đống đổ nát mà con tàu để lại sẽ khó khăn hơn. Thông thường, các công ty bảo hiểm, doanh nghiệp cứu hộ và các bên trung gian khác đã bắt tay vào xử lý tình huống khi một tàu chở dầu gặp nạn chỉ khoảng vài giờ sau khi nhận tin báo về sự cố. Tuy nhiên, Pablo vẫn nằm đó và không ai chịu trách nhiệm.
Đã một tuần trôi qua và có rất ít dấu hiệu cho thấy có công ty bảo hiểm nào đó sẽ thực hiện quy trình khắc phục hậu quả này. Người ta không tìm thấy tên con tàu trong danh sách phương tiện được bảo hiểm và cơ quan Thực thi hàng hải Malaysia thì không trả lời các câu hỏi liên quan đến vấn đề này.
Trong trường hợp không xác định được chủ tàu, chính quyền sở tại sẽ buộc thủy thủ đoàn cung cấp thông tin bởi họ nằm trong số ít người biết đơn hàng tới từ đâu. Tuy nhiên, chưa thể xác định liệu Chính quyền Malaysia có tiến hành động thái này hay không.
Tàu Pablo được đăng ký ở Gabon, nơi không nằm trong thỏa thuận Paris MoU – được ra đời để thúc đẩy vận tải biển an toàn. Con tàu này ra đời năm 1997, khi mà các tàu chở dầu cùng tuổi hầu hết đã được bán phế liệu. May mắn, con tàu gặp sự cố khi đã trả phần lớn hàng hóa. Nếu không, đây sẽ là một thảm họa tồi tệ với hệ sinh thái biển.
Hai tháng qua, con tàu này nằm trong một xưởng đóng tàu gần Thượng Hải. Chuyến đi cuối cùng của nó là vận chuyển dầu thô tới các cảng ở tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc. Tuy nhiên, nó vẫn đang nằm đó như lời nhắc cho những vấn đề nan giải từ đội tàu ma.
Tham khảo: Bloomberg