RIA đưa tin, ông Richard Weitz, Giám đốc Trung tâm phân tích quân sự-chính trị tại Viện Hudson của Mỹ cho biết, việc gia hạn START-3 sẽ là một ưu tiên của chính quyền ông Biden trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí.
Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START - phía Nga gọi là START-3) được ký kết vào ngày 8/4/2010 tại Prague (Cộng hòa Czech) thay thế các hiệp ước về giảm trừ vũ khí hạt nhân chiến lược đã ký kết trước đó. Hiệp ước có hiệu lực ngày 5/2/2011, dự kiến sau 10 năm (tức đến tháng 2/2021) sẽ hết hiệu lực và có thể kéo dài đến năm 2026 nếu hai bên đồng ý.
Thỏa thuận quy định mỗi bên sẽ giảm kho vũ khí hạt nhân để sau 7 năm kể từ khi ký kết hiệp ước và tiếp sau đó tổng số vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn, 800 bệ phóng đã triển khai và chưa triển khai.
“Ông Biden sẽ coi việc gia hạn START-3 trở thành ưu tiên số một trong việc kiểm soát vũ khí. Ông ấy có quyền gia hạn hiệp ước lên đến 5 năm theo sắc lệnh của tổng thống mà không cần phải có sự chấp thuận của quốc hội”, ông Weitz cho biết.
Theo ông Weitz, ông Biden đang nghiêng về việc gia hạn hiệp ước thêm vài năm, để các nhà đàm phán có thời gian thảo luận về cách thức mở rộng “khuôn khổ song phương hẹp” hiện tại của hiệp ước này, nhằm mục đích đưa thêm các hệ thống vũ khí mới và các quốc gia khác tham gia hiệp ước hoặc thỏa thuận mới trong tương lai.
Cũng theo ông Weitz, việc quay trở lại Hiệp ước Bầu trời mở sẽ khó khăn hơn. Thượng viện Mỹ sẽ phải phê chuẩn hiệp ước với đa số phiếu 2/3, mà điều này thì khó xảy ra, hoặc tất cả các nước khác sẽ phải đồng ý rằng Mỹ có thể quay trở lại mà không cần phê chuẩn. Nga có thể yêu cầu nhượng bộ để đổi lấy việc này.
Ngoài ra, ông Weitz nhớ lại rằng chính quyền hiện tại đã ra lệnh xử lý các máy bay được sử dụng cho các chuyến bay qua lãnh thổ Nga theo hiệp ước. “Do đó, Quốc hội sẽ phải mua những chiếc mới, điều này sẽ không được ưu tiên”, nguồn tin của cơ quan này cho biết.
Về thỏa thuận hạt nhân với Iran, ông Weitz nhận định, chính quyền mới hoàn toàn có thể quay trở lại một cơ chế quan trọng khác trong Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) về chương trình hạt nhân với Iran.
“Thỏa thuận JCPOA không phải là một hiệp ước, vì vậy ông Biden cũng có thể khôi phục lại việc tham gia thỏa thuận bằng một sắc lệnh của tổng thống, nhưng hiện nay một số điều kiện ban đầu hoặc liên quan đã không còn hiệu lực, chẳng hạn như lệnh cấm nhập khẩu và bán vũ khí cho Iran của Liên Hợp Quốc. Vì vậy, sẽ tốt hơn nếu như có một thỏa thuận sửa đổi”, ông Weitz nhận định.
Theo chuyên gia Weitz, trong mọi trường hợp cuộc thảo luận vẫn sẽ tập trung vào vấn đề nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran để đổi lấy việc đưa nước này trở lại khuôn khổ theo quy định của kế hoạch.
Chuyên gia từ Viện Hudson chắc chắn rằng một trong những bước đi đầu tiên của chính quyền mới nhằm khôi phục sự tham gia của Mỹ vào các thỏa thuận quốc tế mà họ đã rút khỏi dưới thời ông Trump, sẽ là quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
“Điều này được khẳng định qua việc cựu Ngoại trưởng John Kerry, một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm và là người đã từng tham gia tích cực vào việc xây dựng Hiệp định Paris được lựa chọn làm đặc phái viên về vấn đề khí hậu trong tương lai trong chính quyền ông Biden”, ông Weitz kết luận.
Trước đó, vào tháng 10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất với Mỹ gia hạn nguyên trạng Hiệp ước START-3 thêm một năm mà không kèm theo bất kỳ điều kiện bổ sung nào bởi vì hiệp ước sẽ hết thời hạn hiệu lực vào đầu năm 2021. Tuy nhiên, phía Mỹ đã từ chối lời đề nghị của Tổng thống Putin.
Mới đây, hôm 12/11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ hy vọng bất kể kết quả của cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ như thế nào, thì chính quyền Nga cũng nhận thức rõ trách nhiệm trong việc ngăn chặn sự sụp đổ của cơ chế kiểm soát vũ khí.
Moscow đã nhiều lần lưu ý tầm quan trọng của Hiệp ước START-3 đối với sự ổn định trên thế giới và kêu gọi Washington gia hạn hiệp ước để tránh xảy ra chạy đua vũ trang. Tuy nhiên, đến nay Mỹ đang đưa ra một số yêu cầu mà theo quan điểm của Moscow là không thể chấp nhận được.