Theo National Interest, sức mạnh không quân của Trung Quốc hiện đã là điều khá rõ ràng. Chỉ trong khoảng 30 năm, những thiết bị bay của không quân Bắc Kinh đã tiến một bước từ sơ khai, lỗi thời sang tinh vi, hiện đại.
Đáng chú ý hơn nữa, không quân Trung Quốc là công cụ mà Bắc Kinh có thể sử dụng trên bầu trời không chỉ của nước này mà còn ở nhiều vùng không phận khác.
Hợp tác quân sự Nga -Trung đã làm thay đổi căn bản sự cân bằng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhiều hơn trước. Moscow đã bán cho Bắc Kinh bốn tàu khu trục khá tiên tiến và mười hai tàu ngầm diesel trang bị các vũ khí tiên tiến trong những năm 1990.
Thương vụ bán vũ khí này được triển khai nhờ mối quan hệ giữa hai nước trong những năm 1950, đó là khi hàng trăm tàu được chuyển từ Nga sang Trung Quốc. Quá trình tương tự đã cũng đưa không quân Trung Quốc đến sự tiến bộ vượt bậc.
Nga đã chuyển nhiều máy bay sang Trung Quốc kể từ năm 1990. Đó là các tàu vận tải quân sự lớn, máy bay cảnh báo sớm, máy bay tiếp nhiên liệu, máy bay phản lực và máy bay tiêm kích đánh chặn.
Đáng chú ý, danh sách đó không bao gồm máy bay ném bom hạng nặng. Nhưng hãy nhớ rằng H-6 hiện tại của Trung Quốc (và các mẫu K và N mới được tân trang lại) đều có nguồn gốc từ Tu-16 của Không quân Liên Xô những năm 1950.
Nếu còn nghi ngờ rằng máy bay Liên Xô đóng một vai trò to lớn trong sự phát triển của không quân Trung Quốc hiện đại, hãy ghé thăm bảo tàng quân sự Bắc Kinh.
Ngay cả khi Trung Quốc tự hào vì thiết kế và sản xuất được máy bay chiến đấu của riêng mình, J-20 , thì đây cũng chính là di sản khổng lồ của công nghệ hàng không Nga trao cho Trung Quốc.
Theo một bài viết gần đây của ấn phẩm Modern Ships, hai máy bay chiến đấu hiện đại đầu tiên của Nga, Su-27UBK, đã đến Trung Quốc vào ngày 30 tháng 5 năm 1992. Những chiếc máy bay này đã trở thành khúc dạo đầu cho kỷ nguyên của máy bay chiến đấu hạng nặng cho Không quân Trung Quốc.
Máy bay chiến đấu của Trung Quốc nhập khẩu từ Nga trong hai thập kỷ tiếp theo, bao gồm Su-27 và Su-30, trực tiếp góp phần đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chiến đấu của Không quân Trung Quốc.
Vào cuối năm 2014, một hợp đồng đã được ký kết để Nga chuyển giao 24 chiếc Su-35 với mức giá 2,5 tỷ USD. Theo phân tích của Trung Quốc, Bắc Kinh đánh giá rằng máy bay J-11 và J-10 là không đủ, và cả Hải quân và Không quân Trung Quốc đều kết luận rằng tốc độ chuyển đổi quân sự quá chậm.
Các chiến lược gia Trung Quốc đặc biệt thích phạm vi chiến đấu ấn tượng của các máy bay chiến đấu Nga. Do đó, người ta tin rằng Bắc Kinh đã có được sự trợ giúp lớn trong việc phát triển chiến đấu cơ từ của Nga.
Tóm lại, Trung Quốc giờ đây không chỉ có máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm của riêng mình, J-20, mà còn sử dụng J-11D tương đối mới, chưa kể máy bay tấn công J-16 được nhiều người biết đến.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc và Nga đã thực sự có mối quan hệ quân sự-công nghiệp chặt chẽ.
Sự phát triển của không quân Trung Quốc rõ ràng có sự góp sức to lớn của những chiếc máy bay Nga đã cung cấp trong ba thập kỷ qua.