Cho đến giữa những năm 1980, trên thực tế, chủ đề chế tạo bom nguyên tử ở Nhật Bản trong Thế chiến II vẫn chưa được nghiên cứu. Hậu quả của các vụ ném bom nguyên tử vào ngày 6 và 9/8/1945 xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản đã làm lu mờ mọi thông tin không quá quan trọng trong vấn đề này.
Và nếu người ta biết ít nhiều về các chương trình nguyên tử của Mỹ và Đức, thì những gì đã xảy ra ở Nhật Bản thậm chí còn ít được biết đến, kể cả hiện nay.
Người ta tin rằng người đầu tiên kể về công trình chế tạo vũ khí nguyên tử của các nhà vật lý Nhật Bản là nhà sử học quân sự người Mỹ Robert Wilcox.
Trong cuốn sách chuyên khảo “Cuộc chiến bí mật của Nhật Bản”, xuất bản năm 1985, trên cơ sở tham khảo các tài liệu được tìm thấy trong Lưu trữ Quốc gia ở Washington, ông kết luận rằng, các nhà khoa học Nhật Bản không chỉ bỏ xa đồng minh của họ là Đức, mà cả Mỹ, trong việc phát triển chương trình hạt nhân của mình.
Từ cuốn sách của Wilcox: “Người Nhật đã chế tạo và thử nghiệm thành công một quả bom nguyên tử ngay trước khi đầu hàng. Công việc được thực hiện tại thành phố Heungnam ở phía bắc Bán đảo Triều Tiên. Chiến tranh kết thúc trước khi những vũ khí này được sử dụng trong chiến đấu”.
Sau đó, thông tin của Wilcox được xác nhận trong các bài báo của chuyên gia Mỹ trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân Charles Stone và đồng hương của ông là Theodore McNally, người vào cuối cuộc chiến đã phục vụ tại trung tâm phân tích tình báo của lực lượng Viễn Đông Mỹ ở Thái Bình Dương.
Người đi tiên phong trong nghiên cứu nguyên tử của Nhật Bản là nhà vật lý hạt nhân Yoshio Nishina. Ông tốt nghiệp Đại học Tokyo năm 1918 và sau đó làm việc tại Viện Nghiên cứu Lý-Hóa (RIKEN).
Trong những năm 1920, Nishina thực tập tại các trung tâm khoa học hàng đầu ở châu Âu, nơi ông gặp gỡ nhiều nhà vật lý nổi tiếng, trong đó có Niels Bohr và các công trình nghiên cứu của ông.
Trở về quê hương, năm 1931 tại RIKEN, nhà vật lý hạt nhân đầy nhiệt huyết Nishina đã thành lập một phòng thí nghiệm khoa học để nghiên cứu vật lý năng lượng cao.
Những nghiên cứu này, cũng tính đến kết quả tình báo (mạng lưới điệp viên Nhật Bản thu được thông tin rằng, Mỹ đang tích cực thực hiện các công việc bí mật để tạo ra vũ khí hạt nhân), được giới chức quân sự Nhật Bản quan tâm.
Năm 1941, Bộ Quốc phòng quyết định sẽ tập trung mọi công việc vào việc chế tạo một thiết bị nổ uranium tại Viện Nghiên cứu Lý-Hóa với sự tham gia của các nhà vật lý hàng đầu của đất nước Mặt Trời mọc và Giáo sư Yoshio Nishina trở thành người lãnh đạo dự án đó.
Bộ chỉ huy quân đội Nhật Bản hy vọng những vũ khí mới với sức công phá khủng khiếp mà người Mỹ chưa có, sẽ có thể giúp đạt được thành công quyết định trong cuộc chiến chống Mỹ.
Tháng 5/1943, Nishina báo cáo với giới chức quân sự chóp bu việc chế tạo bom nguyên tử hoàn toàn có thể. Trên cơ sở báo cáo của ông, một chương trình bí mật để tạo ra một loại bom hủy diệt đã được phác thảo và phê duyệt, mang mật danh "Dự án Ni" (theo các chữ cái đầu tiên của tên người đứng đầu dự án - Nishina).
Công tác nghiên cứu được thực hiện với tốc độ khẩn trương. Tất cả các nỗ lực đều hướng đến việc thu được đồng vị của uranium-235 và các hợp chất của uranium để sản xuất nhiên liệu hạt nhân, mặc dù nguyên liệu thô rất thiếu.
Thực tế ở Nhật Bản không có quặng uranium, còn ở Hàn Quốc và vùng Mãn Châu bị chiếm đóng, trữ lượng quá nghèo. Các nỗ lực bổ sung nguyên liệu bằng nguồn cung từ Đức đã không thành công.
Công việc nghiên cứu và thử nghiệm đã bị cản trở vì máy bay Mỹ ném bom. Vì vậy, cuối năm 1944, tất cả các thiết bị cần thiết cho việc chế tạo bom nguyên tử đã được chuyển đến bán đảo Triều Tiên gần thành phố Heungnam, nơi có một tổ hợp công nghiệp lớn do Nhật Bản xây dựng.
Wilcox lưu ý rằng cho đến khi kết thúc chiến tranh, vì một số lý do nào đó, tổ hợp vẫn không được tình báo Mỹ chú ý và đưa vào danh sách các mục tiêu ném bom. Nhà sử học người Mỹ trích dẫn trong cuốn sách của mình từ báo cáo của Tổng hành dinh quân đội Mỹ ở Hàn Quốc ngày 21/5/1946:
“Đặc biệt đáng quan tâm là những báo cáo mới nhất về phòng thí nghiệm nghiên cứu-khoa học bí mật do người Nhật thành lập ở Heungnam. Tất cả dữ liệu chỉ ra rằng phòng thí nghiệm này thực hiện các nghiên cứu trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử ...
Có các bằng chứng cho thấy người Nhật đã đốt tất cả tài liệu và phá hủy thiết bị thí nghiệm trước khi đầu hàng, nhưng có thể các thí nghiệm đã được thực hiện ở Nhật Bản là nhằm mục đích sử dụng năng lượng nguyên tử, còn nhà máy ở Heungnam được xây dựng để sử dụng thực tế năng lượng nguyên tử cho các mục đích quân sự, đặc biệt là để chế tạo bom. Tất cả các báo cáo nhận được độc lập với nhau đều giống nhau về nội dung".
Kết quả là Nhật Bản đã hoàn thiện và thử nghiệm một quả bom nguyên tử, mà theo các nhà nghiên cứu, sức công phá của nó không thua kém những quả bom ném xuống Hiroshima và Nagasaki. Vụ nổ được thực hiện vào rạng sáng ngày 12/8/1945 trên đảo Matua ở nhóm giữa của quần đảo Kuril.
Trong Thế chiến II, một trong những căn cứ hải quân lớn nhất của Nhật Bản được đặt tại đây, nơi có một hang động lớn có thể neo đậu tàu ngầm. Quả bom được chuyển đến hòn đảo bằng tàu ngầm.
McNally viết rằng vào sáng ngày 14/8/1945, máy bay Mỹ đã chuyển các mẫu không khí được lấy trên biển Nhật Bản gần bờ biển phía đông của Bán đảo Triều Tiên đến các sân bay của họ. Các chuyến bay thường xuyên của Không quân Mỹ đến vùng lãnh thổ này đã được thực hiện để theo dõi sự phát tán của bụi phóng xạ sau vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki.
Quá trình xử lý các mẫu thu được cho kết quả đáng kinh ngạc, chứng tỏ một thiết bị hạt nhân không xác định đã phát nổ ở khu vực này.
Kết luận, lưu ý rằng, hiện tại Nhật Bản không tiến hành nghiên cứu ứng dụng năng lượng hạt nhân trong lĩnh vực quân sự, mặc dù theo các chuyên gia, nước này sở hữu tất cả các vật liệu và công nghệ cần thiết để chế tạo bom nguyên tử./.