Ngày 9/7 vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 22, Cục QLTT thành phố Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an Quận Bắc Từ Liêm tiến hành kiểm tra đột xuất 5 gian hàng kinh doanh tại khu vực đường Nguyễn Đình Tứ, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Lực lượng chức năng xác định chủ hộ kinh doanh là ông Lại Vũ Thắng, sinh năm 1988, hộ khẩu thường trú số 58 ngõ 401 đường Xuân Đỉnh phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên 50.000 sản phẩm với tổng khối lượng trên 20 tấn hàng hoá là mỹ phẩm, dầu gội, kem đánh răng trẻ em các nhãn hiệu ACLEAF Repair toner, OHBT, MAMACOS, O-ZONE...do nước ngoài sản xuất, có dấu hiệu hết hạn sử dụng.
Theo thông tin trên phóng sự của VTV24 cho biết, bên ngoài khu vực phát hiện hàng chục tấn mĩ phẩm này lại treo biển một quán cháo lòng. Nhưng thực chất bên trong lại là cả một kho xưởng rộng khoảng 500 mét vuông với 5 kho xưởng chưa khoảng trên 20 tấn mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất với đa dạng sản phẩm.
Dù đa dạng chủng loại như kem dưỡng da, dầu gội, sữa tắm, kem đánh răng, mặt nạ, kem tẩy da chết... thế nhưng tất cả đều có đặc điểm chung là đã hết hạn sử dụng rất nhiều năm, thậm chí là hư hỏng, ẩm mốc nhưng vẫn được chủ hàng tập kết về đây.
Nhiều sản phẩm đã hết hạn nhiều năm, có dấu hiệu hư hỏng do ẩm mốc vẫn được tập kết tại kho hàng này (Ảnh cắt từ clip)
Nguồn tin từ đài Phát Thanh và truyền hình Hà Nội cho biết tại kho xưởng chuyên "hô biến" mỹ phẩm "hết date" thành hàng còn hạn sử dụng có số lượng nhân công lên đến hàng chục người.
Tại thời điểm kiểm tra, máy móc của kho xưởng vẫn đang chạy hết công suất để in "hạn sử dụng" mới lên bao bì của các sản phẩm vốn dĩ đã hết hạn.
Hạn sử dụng cũ sẽ được xóa thủ công bằng nước tẩy Axeton. Với quy trình như vậy thì dù là sản phẩm đã hết hạn cả năm trời, nhưng sau khi qua quy trình "phù phép" như này, các sản phẩm cũ lại được bán ra thị trường với giá trị như sản phẩm mới.
Theo khai nhận của chủ hàng, mỗi ngày, kho xưởng sản xuất này đưa ra thị trường cả nghìn sản phẩm mỹ phẩm "hết hạn sử dụng". Nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng là thấy rõ, nhưng vì lợi nhuận chủ cơ sở vẫn bất chấp.
Tại hiện trường, khoảng 20 tấn mỹ phẩm các loại đã bị thu giữ, nhiều mặt hàng trong số đó do không được bảo quản đúng cách đã có dấu hiệu bị hư hỏng. Lực lượng chức năng cũng phát hiện nhiều tem nhãn mác, bao bì các loại phục vụ cho việc sản xuất mỹ phẩm "giả".