TESS, chiến binh đang mang nhiệm vụ tìm kiếm các ngoại hành tinh (hành tinh ngoài hệ mặt trời) của NASA, đã xác định được thêm 3 hành tinh cùng quay quanh một ngôi sao lùn loại M mang tên L 98-59, nằm cách chúng ta chỉ 35 năm ánh sáng.
Hình ảnh so sánh 3 hành tinh mới phát hiện với Sao Hỏa (Mars) và trái đất (Earth) - ảnh: NASA
Tiết lộ trong bài công bố trên Astronomical Journal, nhóm chuyên gia vận hành TESS, đại diện bởi tiến sĩ Veselin Kostov, từ Trung tâm bay không gian Goddard của NASA và Viện SETI cho biết rất tiếc không hành tinh nào trong hệ hành tinh này thuộc "vùng sự sống" của sao mẹ L 98-59, nơi nước đủ điều kiện tồn tại ở thể lỏng.
Tuy nhiên, một đặc điểm quý giá không kém chúng đang chiếm giữ khu vực gọi là "vùng Sao Kim" của sao mẹ.
Đó là nơi các hành tinh có thể từng sở hữu bầu khí quyển như trái đất, nhưng trong quá trình tiến hóa của hệ hành tinh, chúng phải trải nghiệm siêu hiệu ứng nhà kính, thứ tước bỏ thô bạo bầu khí quyển của nó và biến nó thành một bản sao của Sao Kim – hành tinh nóng nhất hệ mặt trời.
Trong 3 hành tinh, hành tinh L 98-59b ở gần sao mẹ nhất có kích thước lớn khoảng giữa Sao Hỏa và trái đất, một năm chỉ kéo dài 2,25 ngày và nhận được năng lượng từ "mặt trời" của nó gấp 22 lần so với trái đất. Đây là hành tinh nhỏ nhất trong lịch sử tìm kiếm của TESS.
Mô tả hệ hành tinh mới phát hiện - ảnh: NASA
Hai hành tinh còn lại, L 98-59c và L 98-59d, có kích thước lần lượt tương ứng 1,4 và 1,6 lần trái đất, 1 năm lần lượt dài bằng 3,7 và 7,5 ngày trái đất.
L 98-59d khổng lồ có thể là một thế giới đá giống Sao Kim hoặc một thế giới gồm lõi đá nhỏ và bầu không khí dày đặc như Sao Hải Vương.
Phát hiện này còn đặc biệt ở chỗ các hành tinh quá gần sao mẹ như 3 hành tinh nói trên cực kỳ khó nhận biết. Từ khoảng cách xa, ánh sáng từ các ngôi sao thường che lấp các hành tinh ở gần đó, khiến đa số hành tinh được ghi nhận trước giờ là những thiên thể ở xa các sao mẹ nhất.
(Theo Sci-News, Fox News)