Mùa hè sắp tới đồng nghĩa với việc nhiều hộ gia đình đau đầu trong câu chuyện làm thế nào để tiết kiệm điện khi các thiết bị như quạt, điều hòa… chuẩn bị được hoạt động hết công suất.
Một trong những “phát minh” có thể bắt gặp ở nhiều gia đình trong những năm gần đây, được cho là phần nào giúp tiết kiệm điện, đó là lắp đặt 1 chiếc điều hòa thông cho 2 phòng.
Phương pháp này thường được sử dụng với những ngôi nhà nhỏ, có phòng sát nhau. Khi này, người ta sẽ đập thông một hốc tường giữa 2 phòng và lắp đặt điều hòa ở đó.
Đây được cho là cách tối ưu tác dụng làm mát của điều hòa. Chỉ cần lắp đặt 1 cái nhưng có thể làm mát cả 2 phòng, từ đó giảm thiểu được phí mua sắm, lắp đặt và tiết kiệm điện hơn.
Phát minh lắp 1 điều hòa thông với 2 phòng được cho là giúp tiết kiệm điện, tiết kiệm chi phí hơn. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên trên thực tế, phương pháp này lại hoàn toàn phản tác dụng!
Không hề tiết kiệm chi phí
Tưởng là giúp tiết kiệm nhưng việc lắp đặt 1 điều hòa thông 2 phòng lại không được như mong đợi của người dùng.
Theo các nhà sản xuất và phân phối, điều hòa tỏa ra gió lạnh từ bộ phận cánh quạt. Cánh quạt này thường chỉ bằng 2/3 độ dài của cả dàn lạnh, phần còn lại là bộ điều khiển và động cơ máy. Khi lắp 1 điều hòa thông với 2 phòng, một phần quạt gió khi hoạt động sẽ bị chắn bởi bức tường ngăn. Từ đó gây lãng phí nguồn lạnh, dẫn đến tốn điện hơn.
Quạt gió có tác dụng làm mát của điều hòa chỉ dài ⅔ cả dàn lạnh chứ không phải là toàn bộ như nhiều người nghĩ. (Ảnh minh họa)
Trong trường hợp nhu cầu sử dụng không đồng đều, phòng này cần còn phòng kia không cần làm mát nhưng điều hòa vẫn bật đều cũng gây lãng phí.
Thêm vào đó, các loại điều hòa, máy lạnh sẽ có công suất hoạt động khác nhau. Việc bạn lắp đặt 1 chiếc điều hòa để phục vụ việc làm mát cho 2 căn phòng sẽ yêu cầu những thiết bị có công suất lớn. Đồng nghĩa với việc chi phí bỏ ra mua điều hòa sẽ cao hơn, khi điều hòa công suất lớn thường đắt hơn các loại điều hòa công suất nhỏ.
Ví dụ, diện tích cả hai phòng là 70m2 thì công suất máy phải 18.000BTU. Giá máy lạnh 18.000BTU cao hơn giá mua 2 máy lạnh công suất 9.000 - 12.000BTU cho hai căn phòng.
Việc lắp đặt 1 điều hòa thông cho 2 phòng đòi hỏi loại điều hòa có công suất lớn, chi phí mua đắt hơn các loại điều hòa công suất nhỏ. (Ảnh minh họa)
Để lắp đặt 1 điều hòa cho 2 phòng, bạn cũng cần đục tường, bố trí, thiết kế vị trí lắp đặt sao cho các khoảng cách giữa điều hòa và tường là phù hợp…Vì vậy, việc này cũng tốn nhiều chi phí, thời gian và công sức lắp đặt hơn so với thông thường.
Ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của thiết bị
Bên cạnh vấn đề chi phí, việc lắp đặt 1 điều hòa thông cho 2 phòng sẽ làm ảnh hưởng phần nào đến chất lượng hoạt động của thiết bị, cụ thể là hiệu quả làm mát và tuổi thọ của điều hòa.
Khi lắp đặt và sản xuất một chiếc điều hòa, các nhà sản xuất đã tính toán rất kĩ công năng sử dụng cho một phòng, diện tích tối đa là bao nhiêu là phù hợp. Khi bạn tận dụng một 1 chiếc cho 2 phòng, diện tích hoạt động tăng lên gấp đôi, đương nhiên hiệu quả sẽ không được như mong đợi.
Cũng bởi lí do đã được nhắc ở trên, khi bật, gió từ quạt thổi ra sẽ bị ngăn bởi vách tường giữa 2 phần, làm giảm hiệu quả làm mát. Điều này dẫn đến khí lạnh không được phân bố đều, chỗ quá lạnh, chỗ quá nóng, phòng này mát hơn phòng kia.
Bức từng ngăn giữa 2 phòng vô tình chính là rào cản, làm khí lạnh từ điều hòa phân bố không đều. (Ảnh minh họa)
Việc tận dụng 1 điều hòa duy nhất cho 2 phòng, dù có công suất lớn đi chăng nữa cũng sẽ không tránh khỏi rủi ro điều hòa phải hoạt động hết công suất trong một thời gian dài. Từ đó sẽ dẫn đến hay xảy ra trục trặc, hỏng hóc, ảnh hưởng đến tuổi thọ của thiết bị.
Bất tiện cho người dùng
Phòng ở là nơi riêng tư của mỗi người, vì vậy sẽ chẳng mấy ai thoải mái khi phòng mình tự nhiên lại bị đục ra một lỗ khá lớn để lắp điều hòa thông.
Khi 2 phòng cùng sử dụng chung 1 chiếc điều hòa, đồng nghĩa với việc sẽ phải chịu nhiệt độ như nhau. Tuy nhiên trên thực tế, nhiệt độ cảm nhận của mỗi người lại mỗi người mỗi khác. Ví dụ như khi bạn đang cảm thấy lạnh, muốn tăng độ điều hòa nhưng phòng bên cạnh lại cảm thấy nóng, muốn giảm độ nữa. Điều này gây ra tình cảnh khó xử cho cả đôi bên.
Thật khó xử khi bạn muốn thay đổi nhiệt độ điều hòa nhưng điều này lại ảnh hưởng đến cả phòng bên cạnh phải không? (Ảnh minh họa)
Chính vì những nhược điểm kể trên, việc lắp đặt 1 điều hòa để dùng thông cho 2 phòng tưởng lợi mà lại hóa hại cho các hộ gia đình.
Các chuyên gia cho rằng, tốt nhất 1 chiếc điều hòa chỉ nên sử dụng làm mát với một căn phòng duy nhất, phù hợp với công suất sử dụng. Nếu phòng gia đình bạn quá nhỏ, hãy sử dụng các loại quạt thay thế.