HĐND cấp tỉnh khóa mới sẽ không có Chánh Văn phòng

Thu Huyền/VOV1 |

Căn cứ vào Luật số 47, tổ chức HĐND các cấp trong nhiệm kỳ mới sẽ có nhiều thay đổi. Trong đó, HĐND cấp tỉnh khóa mới sẽ không có Chánh Văn phòng, HĐND cấp huyện cũng giảm bớt 01 Phó Chủ tịch.

Ông Nguyễn Quang Minh - Trưởng Ban Dân chủ Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang Minh - Trưởng Ban Dân chủ Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Theo Luật tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 8, tổ chức HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có nhiều thay đổi so với nhiệm kỳ 2016-2021.

Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng Ban Dân chủ Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về nội dung này.

PV: Thưa ông, theo quy định của pháp luật thì tổ chức của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có nhiều điểm mới. Với HĐND cấp tỉnh, xin ông cho biết cụ thể những điểm mới này là gì?

Ông Nguyễn Quang Minh: Căn cứ vào quy định của Luật số 47 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 22/11/2019 thì tổ chức của HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 có một số thay đổi đáng kể so với nhiệm kỳ 2016 - 2021 về số lượng đại biểu HĐND, số lượng cấp phó và cơ cấu của Thường trực HĐND.

Cụ thể: Về số lượng đại biểu HĐND, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định tỉnh miền núi, vùng cao có từ 500.000 dân trở xuống thì được bầu 50 đại biểu; có trên 500.000 dân thì cứ thêm 50.000 dân thì được bầu thêm 01 đại biểu nhưng tổng số không quá 75 đại biểu; như vậy giảm 10 đại biểu so với trước kia.

Tỉnh không thuộc trường hợp nêu trên mà có từ 1 triệu dân trở xuống thì được bầu 50 đại biểu, có trên 1 triệu dân thì cứ thêm 70.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu nhưng tổng số không quá 85 đại biểu, như thế là giảm 10 đại biểu so với nhiệm kỳ trước.

Thành phố trực thuộc Trung ương có từ 1 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu, có trên 1 triệu dân thì cứ thêm 60.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu nhưng tổng số không quá 85 đại biểu, giảm 10 đại biểu so với trước kia. Riêng thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh thì được bầu 95 đại biểu.

Về cơ cấu Thường trực HĐND: Thường trực HĐND cấp tỉnh gồm Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, các ủy viên là Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh. Như vậy, trong cơ cấu của HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ tới đây sẽ không có chức danh Chánh Văn phòng HĐND như trước.

PV: Đó là những quy định về tổ chức HĐND cấp tỉnh. Vậy còn đối với tổ chức HĐND cấp huyện thì sẽ có những thay đổi như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Minh: Cũng căn cứ vào quy định của Luật số 47 thì tổ chức của HĐND cấp huyện nhiệm kỳ 2021-2026 có thay đổi theo xu hướng giảm số lượng đại biểu HĐND được bầugiảm 01 Phó Chủ tịch HĐND.

Cụ thể: Đối với huyện miền núi, vùng cao, hải đảo mà có từ 40.000 dân trở xuống thì được bầu 30 đại biểu, có trên 40.000 dân thì cứ thêm 7.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu nhưng tổng số không quá 35 đại biểu, giảm 05 đại biểu so với trước kia.

Đối với những huyện không thuộc trường hợp nêu trên, thì cứ có từ 80.000 dân trở xuống thì được bầu 30 đại biểu; nếu có trên 80.000 dân, thì cứ thêm 15.000 dân thì được bầu thêm 01 đại biểu nhưng tổng số không quá 35 đại biểu. Quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có từ 100.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; có trên 100.000 dân, thì cứ thêm 15.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu nhưng tổng số không quá 35 đại biểu giảm 5 đại biểu so với trước.

PV: Thưa ông, với vị trí là nơi gần dân, sát dân nhất HĐND cấp xã cần phải thay đổi về mặt tổ chức như thế nào để đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ được giao?

Ông Nguyễn Quang Minh: Căn cứ vào quy định của Luật số 47 được Quốc hội khóa XIV thông qua thì tổ chức của HĐND cấp xã, nhiệm kỳ mới cũng có sự thay đổi so với nhiệm kỳ 2016- 2021 về số lượng đại biểu HĐND được bầu và cơ cấu của Thường trực HĐND.

Cụ thể: Xã, thị trấn miền núi, vùng cao và hải đảo có từ 2.000 dân trở xuống thì được bầu 15 đại biểu; xã, thị trấn miền núi, vùng cao và hải đảo có trên 2.000 dân đến dưới 3.000 dân thì được bầu 19 đại biểu, giảm 6 đại biểu.

Xã, thị trấn miền núi, vùng cao và hải đảo có từ 3.000 dân đến 4.000 dân được bầu 21 đại biểu; có trên 4.000 dân thì cứ thêm 1.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu nhưng tổng số không quá 30 đại biểu, giảm 5 đại biểu so với trước.

Xã, thị trấn không thuộc trường hợp nêu trên có từ 5.000 dân trở xuống thì được bầu 25 đại biểu có trên 5.000 dân thì cứ thêm 2.500 dân thì được bầu thêm 01 đại biểu nhưng tổng số không quá 30 đại biểu; đối với phường mà có từ 10.000 dân trở xuống thì được bầu 21 đại biểu, phường mà có trên 10.000 dân thì cứ thêm 5.000 dân thì được bầu thêm 01 đại biểu nhưng tổng số không quá 30 đại biểu.

PV: Vâng. Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại