Cách đây 2 tuần, các nhà khoa học Australian đã giới thiệu một bài kiểm tra đơn giản để phát hiện sớm căn bệnh Parkinson, một bệnh về thần kinh xảy ra khi một nhóm tế bào trong não bị thoái hóa, từ đó không kiểm soát được vận động của cơ bắp, con người sẽ đi đứng khó khăn, cử động chậm chạm, tay chân run cứng.
Theo đó, người tham gia được yêu cầu vẽ một vòng xoắn ốc trên một tờ giấy. Một phần mềm đo tốc độ và lực cầm bút của người vẽ trên một trang giấy sẽ giúp ích trong việc chẩn đoán sớm căn bệnh khiến cơ bị cứng và co giật.
Các bệnh nhân Parkinson có tốc độ và áp lực cầm bút trong khi vẽ thấp hơn nhiều, đặc biệt là với những người bị bệnh nặng.
"Mục tiêu của chúng tôi là phát triển một hệ thống điện tử tự động có giá hợp lý để chẩn đoán những dấu hiệu ban đầu của bệnh Parkinson, và hệ thống này sẽ được sử dụng phổ biến", Poonam Zham, một nhà nghiên cứu cho biết.
Tuy nhiên, bài kiểm tra đặc biệt này cần có sự hỗ trợ của một thiếu bị chuyên dụng.
Nhưng hiện nay, có nhiều phương pháp kiểm tra sức khỏe đơn giản và tương tự mà bạn có thể ở nhà, không cần phải nhờ đến công nghệ để phân tích kết quả.
Tất cả những bài kiểm tra dưới đây mất chưa đầy 1 phút để thực hiện và chúng có thể vạch ra một loạt các vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng, từ chứng sa sút trí tuệ cho đến tình trạng động mạch bị tắc nghẽn và thiếu máu.
Tất nhiên, bước tiếp theo là bạn nên đi khám bác sĩ để có những chẩn đoán chính xác hơn và được điều trị kịp thời.
1. Bài kiểm tra vẽ đồng hồ
Nếu bạn lo lắng về hội chứng sa sút trí tuệ, bài kiểm tra vẽ đồng hồ sẽ giải đáp thắc mắc đó cho bạn. Hãy vẽ một chiếc đồng hồ trên giấy, nhớ điền đầy đủ các con số và 2 kim chỉ vào thời điểm 3h40′.
Nếu vẽ được một hình tròn kín, bạn nhận được 1 điểm. Nếu bạn điền các con số đúng vị trí, bạn nhận thêm 1 điểm nữa. Nếu bạn đánh đủ 12 số, chúc mừng bạn có thêm 1 điểm. Cuối cùng, nếu đặt kim đồng hồ ở đúng vị trí là 3h40', bạn đã đạt kết quả tuyệt vời.
Còn nếu điểm số của bạn ít hơn 3 điểm, hãy đi khám bác sĩ để được sàng lọc sớm bệnh suy giảm nhận thức nhẹ hoặc mất trí nhớ.
Nghiên cứu từ tạp chí International Psychogeriatrics nhận định bài kiểm tra vẽ đồng hồ là công cụ sàng lọc bệnh mất trí tương đối đáng tin cậy nhất hiện nay.
2. Bài kiểm tra với chiếc đệm
Bạn hãy nằm trên giường hoặc ghế sofa mềm, nâng 2 chân lên cao tạo thành góc 45 độ với giường/ghế. Giữ tư thế này trong vòng 1 phút sau đó hạ chân xuống, đặt vuông góc với thành giường/ghế góc 90 độ.
Tiếp đó, hãy quan sát màu sắc của bàn chân. Nếu hai bàn chân nhợt nhạt và trở lại hồng hào sau vài phút, bạn có thể đã mắc bệnh nghẽn mạch máu hay còn biết đến là bệnh mạch máu ngoại biên (PAD)
Theo các chuyên gia, ở người bình thường, 2 chân sẽ trở nên hồng hào sau 10 – 30 giây. Nhưng người nghẽn động mạch nghiêm trọng, máu có thể cần vài phút để lưu thông trở lại.
Những đối tượng này có nguy cơ đột quỵ hoặc đau tim nhiều hơn 30% so với người bình thường.
3. Phương pháp Phalen
Hội chứng ống cổ tay được coi là nỗi ám ảnh kinh hoàng với những người làm việc ở văn phòng. Rất may là căn bệnh này rất dễ dàng để chẩn đoán và bạn có thể thực hiện ngay tại nhà.
Ngồi vào bàn và đặt khuỷu tay lên bàn. Uốn cong cổ tay hết sức có thể để tăng áp lực ống cổ tay. Giữ nguyên tư thế này trong ít nhất một phút.
Một cách thử nghiệm khác là chắp 2 mu bàn bàn tay lại với nhau, ngón tay hướng xuống dưới (giống tư thế lạy ngược).
Bạn có khả năng dương tính với hội chứng ống cổ tay nếu bị đau và ngứa ở bàn tay, ngón tay hoặc cổ tay hay tê ngón tay, đặc biệt tê nhiều ở ngón cái, ngón trỏ và một phần của ngón giữa.
4. Bài kiểm tra dao động
Nhắm mắt lại, đưa hai tay ra trước mặt, ngửa lòng bàn tay lên và yêu cầu người khác đặt một tờ giấy mỏng vào tay bạn. Nếu mảnh giấy bắt đầu rung lên cùng với ngón tay của bạn, đã đến lúc bạn nên đi gặp một chuyên gia nội tiết.
Run tay như vậy có thể là dấu hiệu cảnh báo tuyến giáp đang không thực sự khỏe mạnh vì hoạt động quá sức.
5. Bài kiểm tra từ cửa sổ
Nếu phải nheo mắt để nhìn màn hình hoặc đau đầu sau khi đọc sách thì là do bạn đang bắt mắt hoạt động. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn bình thường mà bạn vẫn cảm thấy có một chút vấn đề với thị lực, hãy thực hiện bài kiểm tra này.
Bạn hãy dùng tay che mắt phải và nhìn vào một khung cửa lớn trong 30 giây. Sau đó, lặp lại với mắt trái. Nếu thấy các đường khung cửa song song với nhau, điều đó có nghĩa mắt bạn hoàn toàn bình thường.
Còn nếu hình ảnh các cạnh của khung cửa bị biến dạng, méo mó, lồi lõm, khả năng lớn bạn đã bị thoái hóa điểm vàng, nguyên nhân gây mất thị lực ở những người trên 60 tuổi.
Điểm vàng hay hoàng điểm là bộ phận nằm ở vùng trung tâm của võng mạc giúp chúng ta nhận biết độ sắc nét, màu sắc và độ rõ của hình ảnh.
6. Bài kiểm tra sự dẻo dai
Theo các nhà nghiên cứu đến từ Tạp chí Phòng chống bệnh tim ở Châu Âu, nếu dành ít hơn 8 điểm trong cuộc kiểm tra tuổi thọ này, nhiều khả năng bạn sẽ "trở về với cát bụi" trong 6 năm tới.
Bài kiểm tra này sẽ đo sức mạnh cơ bắp và khả năng giữ thăng bằng với điểm số tối đa là 10. Đứng trước gương, vắt chéo 1 chân rồi ngồi xổm xuống, đứng lên mà không cần sự trợ giúp khác cũng như không được quỳ gối xuống đất.
Nếu sử dụng tay để đứng lên, bạn bị trừ 1 điểm. Nếu một bộ phận khác trên cơ thể chạm đất, bạn lại mất thêm 1 điểm nữa. Nếu 2 bộ phận khác chạm đất ví dụ như đùi, khuỷu tay, bạn bị trừ 2 điểm.
Nếu bạn lắc lư người, lại mất 1 điểm. Nếu bạn bị ngã, bạn cũng bị trừ 1 điểm. Nếu bạn lắc lư người và 6 bộ phận trên cơ thể chạm đất, dĩ nhiên bạn chỉ còn ít hơn 3 điểm mà thôi. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ có khả năng chết trong 6 năm tới. Rất tiếc...
7. Đọc lòng bàn tay
Nếu cảm thấy buồn ngủ, khó thở hoặc tim đập nhanh trong lồng ngực, bạn hãy quan sát lòng bàn tay của mình.
Sắt là khoáng chất quan trọng giúp tạo ra tế bào hồng cầu khỏe mạnh để vận chuyển đầy đủ oxy đến các mô. Nếu bạn không có đủ tế bào hồng cầu do thiếu máu, làn da sẽ nhợt nhạt.
Một cách khá đơn giản để kiểm tra mình đủ máu hay không chính là đưa bàn tay lên trước mặt bạn, hướng lòng bàn tày vào mắt, xòe các ngón tay ra.
Nếu lòng bàn tay nhợt nhạt, cho dù bạn thuộc màu da nào, điều đó có nghĩa là sự lưu thông máu trong cơ thể không tốt do hàm lượng chất sắt thấp.
Bạn cũng có thể kiểm tra phần thịt dưới lớp móng hoặc phần mí mắt sát bên trong mắt. Nếu tất cả phần này có màu sáng, hãy đi gặp bác sĩ để được xét nghiệm công thức máu.
* Theo Telegraph