Trong nhiều năm, những nhà sản xuất smartphone đã không ngừng công bố những chiếc điện thoại có camera sở hữu cảm biến với thông số điểm ảnh cực "khủng" như một cuộc đua để xem chiếc máy nào sở hữu camera tốt hơn.
Đơn cử như chiếc Nokia Lumia 1020 đình đám với 41 MP hay đàn em Lumia 1520 cũng sở hữu camera đến 20 MP. Tuy nhiên những chiếc máy đã chạm đến "ngưỡng" và dường như không còn thấy sự khác biệt khi có sự khác nhau của chỉ số này.
Vậy nếu không có chỉ số điểm ảnh megapixel thì chúng ta căn cứ vào đâu để có thể đánh giá một chiếc camera có phải là tốt hay không? Rất may mắn rằng chúng ta hoàn toàn có thể đánh giá được bằng những thông số quan trọng khác và nó cũng là cái mà chúng ta sẽ tìm hiểu sau đây.
Vì sao số lượng điểm ảnh không phải vấn đề đáng chú ý
Thuật ngữ "Megapixel" có ý nghĩa tương đương với "1 triệu điểm ảnh" như vậy có nghĩa là nếu một camera 12MP chúng ta sẽ chụp được một bức ảnh có 12 triệu điểm ảnh.
Số lượng lớn các điểm ảnh này có nghĩa là ảnh của chúng ta sẽ có chi tiết cao hơn tương đương với độ phân giải lớn hơn. Chính điều này làm chúng ta nghĩ rằng một chiếc camera với nhiều "chấm" hơn sẽ cho ra hình ảnh tốt hơn một chiếc camera ít "chấm". Tuy nhiên không phải lúc nào cũng như vậy.
Vấn đề ở đây là chiếc camera của smartphone đã đạt đến mức giới hạn cần có về số lượng điểm ảnh. Chúng ta có thể thấy một chiếc màn hình FullHD 1080p thực sự màn hình chỉ có độ phân giải 2,1 megapixel, hay như một chiếc tivi có độ phân giải 4K cao cấp thì nó cũng chỉ tương đương 8,3 megapixel.
Như vậy hầu hết số megapixel của các camera trên điện thoại hiện nay đều lớn hơn số điểm ảnh của một thiết bị phát hình.
Do đó thực tế bạn sẽ không thể thấy được sự khác nhau về độ phân giải nào giữa hai bức ảnh được chụp ở hai camera khác nhau số megapixel vì các hầu hết các màn hình chúng ta xem không thể hiện hết số điểm ảnh cần thiết.
Ý nghĩa thực sự của số lượng điểm ảnh chỉ phù hợp với việc crop hình ảnh. Như chúng ta thấy nếu chúng ta crop một bức ảnh có 12 megapixel thì nó vẫn đủ độ phân giải cho chúng ta xem trên màn hình 4K.
Kích thước của điểm ảnh mới là thứ tạo nên sự khác biệt
Một thông số quan trọng để có thể đánh giá được một chiếc camera đó là kích thước điểm ảnh. Nó thường có giá trị tính bằng micro mét và ký hiệu là "µm".
Một chiếc điện thoại có kích thước điểm ảnh 1,4 µm hầu như sẽ chụp ra những bức ảnh tốt hơn những chiếc có kích thước điểm ảnh 1,2 µm. Điều đó có được nhờ vào kích thước vật lý điểm ảnh lớn hơn.
Nếu bạn phóng một bức ảnh đủ to bạn sẽ thấy được từng điểm ảnh nhỏ. Chính những điểm ảnh này được chụp bằng một điểm cảm biến ánh sáng siêu nhỏ bên trong chiếc camera của bạn.
Những điểm này gọi là một "pixel" hay điểm ảnh bởi vì nó sẽ chụp lại giá trị ánh sáng trong phạm vi kích thước một pixel. Vì vậy một camera có 12 Megapixels sẽ có 12 triệu cảm biến ánh sáng nhỏ.
Khi chụp ảnh, một điểm ảnh này sẽ nhận được số các hạt ánh sáng (gọi là các photon) để có thể xác định được màu sắc, độ sáng từng pixel tương ứng đến khi hoàn thành bức ảnh.
Ví dụ các photon ánh sáng xanh khi chạm vào điểm ảnh sẽ tạo nên một chấm màu xanh trong bức ảnh. Khi đặt 12 triệu chấm này cạnh nhau theo vị trí sắp xếp của các điểm ảnh chúng ta sẽ tạo nên một bức ảnh hoàn chỉnh.
Tuy nhiên có khả năng một điểm ảnh nhận được nhiều photon màu khác nhau cả về độ sáng và màu sắc ví dụ như màu đỏ. Vì vậy có thể khi phóng to cả một mảng màu xanh trong ảnh bạn có thể thấy một điểm ảnh màu đỏ lọt vào giữa.
Để khắc phục điều này, các điểm ảnh sẽ sử dụng phần mềm để tính giá trị trung bình của các photon và cho hiển thị màu sắc và ánh sáng của photon có giá trị lớn hơn. Ví dụ nếu có 4 photon màu xanh và 1 photon màu đỏ thì điểm ảnh sẽ thể hiện màu xanh.
Từ đây ta có thể thấy kích thước của điểm ảnh quan trọng đến thế nào. Một điểm ảnh có diện tích lớn hơn sẽ có khả năng nhận được nhiều photon hơn và từ đó phần mềm lấy mẫu trung bình cũng sẽ cho ra kết quả chính xác hơn.
Từ đó màu sắc, ánh sáng của từng điểm ảnh sẽ "chuẩn" hơn mang đến một bức ảnh hoàn chỉnh "đẹp" hơn.
Với smartphone, tất cả các bộ phần đều được tinh chỉnh với kích cỡ nhỏ để có thể đưa vào thân máy, cảm biến của camera cũng không phải ngoại lệ. Vì vậy nếu số lượng điểm ảnh quá nhiều sẽ dẫn đến việc kích thước vật lý của từng điểm ảnh sẽ nhỏ đi vì giới hạn vật lý là như nhau.
Đó cũng chính là lý do mà các nhà sản xuất smartphone đã dừng lại ở mức 12 Megapixel. Đây cũng là số lượng điểm ảnh đủ để đảm bảo độ lớn cho từng điểm ảnh để có thể đưa ra một bức ảnh có màu sắc và độ sáng chuẩn nhất.
Ngoài ra cảm biến này sẽ giảm nhiễu hạt khi chụp tại điều kiện ánh sáng yếu. Một số điện thoại sử dụng cảm biến này có thể kể đến như: Samsung Galaxy S8/S8+ hay chiếc Galaxy A8/A8+ mới ra mắt gần đây. Và có thể chiếc Samsung Galaxy S9/S9+ sắp được ra mắt cũng có tin đồn sẽ sử dụng camera 12-Megapixels.
Khẩu độ của camera mang đến sự thay đổi lớn
Thông số chính tiếp theo mà chúng ta cần chú ý đó là khẩu độ hay độ mở của ống kính, được viết dưới dạng f/ một số (vd: f/2.0; f/1.7). Đây là thông số duy nhất có trị số nhỏ nhưng lại mang giá trị càng lớn.
Quay trở lại với định nghĩa về điểm ảnh bên trên, như chúng ta đã biết kích thước điểm ảnh rất quan trọng vì khi nó lớn nó sẽ nhận được nhiều photon ánh sáng hơn.
Vậy nếu cùng một khoảng thời gian chụp như nhau, cùng một kích cỡ điểm ảnh thì làm cách nào để có được sự khác biệt về ánh sáng đi vào. Câu trả lời đó chính là khẩu độ.
Nếu độ mở ống kính càng lớn (số chỉ khẩu độ càng nhỏ) thì lượng ánh sáng trong cùng một thời gian chụp chắc chắn sẽ vào nhiều hơn so với độ mở ống kính nhỏ (số chỉ khẩu độ lớn). Chỉ số này thực sự còn quan trọng đến việc chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu vì nếu lượng sáng vào nhiều hơn chúng ta sẽ có hình ảnh chi tiết hơn, đỡ bị nhiễu hơn.
Hầu hết các camera trên smartphone ngày này đều có khẩu độ khoảng f/2.2 hoặc nhỏ hơn (để độ mở lớn hơn). Đặc biệt với 2 chiếc máy Galaxy S9/S9+ sắp được Samsung ra mắt thời gian tới thì đã có những đồn đoán cho rằng camera của 2 chiếc máy này sẽ có khẩu độ f/1.5.
Đây thực sự là một cuộc cách mạng lớn vì nó sẽ là hai chiếc camera điện thoại có độ mở ống kính lớn nhất hiện nay.
Điều này đảm bảo cho khả năng chụp trong điều kiện thiếu sang của hai chiếc máy này sẽ có phần nhỉnh hơn các đối thủ cạnh tranh. Chưa kể nếu chụp close-up thì khẩu độ f/1.5 sẽ mang đến trường ảnh mỏng, cho phần hậu cảnh mờ được lung linh hơn.
Hệ thống chống rung ổn định hình ảnh EIS và OIS
Như hầu hết các kiểu camera khác thì trên điện thoại cũng sẽ có thông số về khả năng chống rung ổn định hình ảnh của máy ảnh. Thông số này thường được biết đến có hai dạng EIS - chống rung điện tử và OIS - chống rung quang học.
OIS được hiểu là việc sử dụng các bộ phận vật lý làm sao để có thể giữ cho cảm biến hình ảnh được ổn định so với ống kính. Cảm biến này có thể dịch chuyển để bù đắp lại những rung lắc có thể xảy ra khi chụp.
Ví dụ đơn giản nhất là khi chúng ta đang vừa đi bộ vừa quay video thì những bước chân của chúng ta sẽ khiến ta lắc điện thoại. Lúc này OIS sẽ đảm bảo cảm biến luôn được giữ tương đối ổn định và loại bỏ những rung lắc đó trong video.
Bạn có thể xem video dưới đây để hiểu rõ hơn về cơ chế OIS:
Nhưng những phần cứng của OIS thì rất đắt đỏ, tinh xảo và khó để đưa vào không gian điện thoại nên chỉ những chiếc máy cao cấp mới sử dụng hệ thống này.
Chúng ta có thể liệt kê một vài điện thoại đang sử dụng OIS như những chiếc Galaxy S8/S8+, Note 8/8+ hay ngay cả chiếc máy sắp được ra mắt là Samsung Galaxy S9/S9+ cũng được sử dụng hệ thống chống rung quang học này.
EIS hoạt động bằng cách tự động cắt xén, kéo dãn khung hình để có thể bù đắp việc rung lắc do tác động vật lý gây nên. Nó thường được xử lý sau, ví dụ như một số điện thoại sẽ sử dụng thông tin của con quay hồi chuyển trong máy áp dụng vào trong việc xử lý video.
Mặc dù EIS có thể giải quyết khá tốt được vấn đề rung lắc tuy nhiên nếu hình ảnh bị cắt xén quá nhiều và kéo dãn khung hình thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh. Vì vậy cho nên tốt nhất thì camera vẫn nên sử dụng hệ thống OIS nếu có khả năng.
Giờ các bạn đã biết thêm một số thông số cần lưu tâm mỗi khi chọn lựa một chiếc điện thoại chụp ảnh tốt. Những thông số này sẽ có ảnh hưởng lớn đến bức ảnh của bạn, tuy nhiên đó chưa phải tất cả. Đó còn là việc bạn sẽ chụp và sử dụng nó như thế nào.