1. Không ngoài dự đoán, cứ mỗi mùa đại hội VFF, người hâm mộ bóng đá nước nhà lại được dịp chiêm ngưỡng những pha "bỏ bóng đá người" quyết liệt ngoài sân cỏ, trên bàn nghị sự và phương tiện truyền thông khiến người xem chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Kỳ đại hội năm nay chẳng phải là ngoại lệ, có điều ít ai ngờ người "vào bóng" lần này lại là bầu Đức.
Bầu Đức vẫn đang là phó chủ tịch phụ trách tài chính của VFF, và ông lên tiếng chỉ trích ông Trần Anh Tú - ứng cử viên duy nhất cho đến hiện tại kế nhiệm chính ông.
Vậy, cái chức danh phó chủ tịch phụ trách tài chính có quan trọng không?
À, câu trả lời là không.
Bởi trong suốt nhiệm kỳ của mình, chiếc ghế phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF chưa bao giờ được bầu Đức chứng minh bằng hiệu quả. Vai trò của ông bầu HAGL này cực kỳ nhạt nhòa trong việc kêu gọi tài trợ và tìm kiếm nguồn tiền hoạt động cho Liên đoàn bóng đá Việt Nam.
Có chăng, nó chỉ là những cái "bánh vẽ" theo kiểu "Sa thải Miura đi, tôi sẽ lo hết cho đội tuyển". Để rồi sau khi HLV người Nhật bị sa thải thật, thì lời hứa ấy cũng theo gió bay.
Hỏi lại lần nữa, cái chức danh ấy có quan trọng không?
Có đấy!
Không quan trọng làm sao được khi vị phó chủ tịch "khó ở" với HLV Miura, ông thầy người Nhật lập tức bị sa thải, để Hữu Thắng lên thay.
Không quan trọng sao được, khi chính bầu Đức từng "bật mí" rằng chính ông đã khiến VFF táo bạo bỏ qua rất nhiều công đoạn tuyển người "kiểu VFF", tức là chờ các ứng cử viên nộp đơn rồi chuyển cho Hội đồng HLV quốc gia sàng lọc rồi mới đàm phán.
"Tôi đọc và ấn tượng với thành tích của HLV Park Hang-seo nên lặng lẽ kéo các thành viên có thẩm quyền của VFF sang tận Hàn Quốc ký hợp đồng", bầu Đức từng vui vẻ kể.
Nếu mọi việc đúng như thế, thì quả tình vị trí này thực sự quan trọng, và nỗi lo "thao túng", "mafia" của bầu Đức là có thật.
2. Nhân nói đến câu chuyện "thao túng" mà bầu Đức đề cập mới đây, khi trả lời phỏng vấn về việc ông Trần Anh Tú ứng cử vào chiếc ghế mà ông Đức đang ngồi, phải nói cho rõ ràng rằng không ai "giật ghế" của ông Đức hết, mà chính ông là người đem chiếc ghế phó chủ tịch của mình ra để đánh cược cho thành công của HLV Hữu Thắng, cùng lứa cầu thủ trẻ của mình ở SEA Games 29.
Là một doanh nhân thành đạt, chắc hẳn ông Đoàn Nguyên Đức chẳng lạ gì ông Trần Anh Tú trong vai trò một doanh nhân. Doanh nghiệp của ông Tú cũng cực kỳ thành công, và đứng đầu trong lĩnh vực kinh doanh của mình tại Việt Nam. Nói về năng lực tài chính, năng lực làm về tài chính, rõ ràng ông Tú có tư cách để ngồi chiếc ghế mà bầu Đức từng ngồi.
Không ai nghi ngờ tình yêu, tâm huyết của bầu Đức với bóng đá nói chung, cũng như bóng đá Việt Nam nói riêng. Nhưng nên biết rằng những thành công của futsal Việt Nam, trong đó nổi bật nhất là chiến công vang dội ở đấu trường World Cup, hẳn nhiên là công của bầu Tú. Suốt hơn 10 năm qua, ông bầu này cặm cụi với futsal từ những ngày đầu "khai sơn phá thạch" cho đến ngày công thành danh toại.
Kỳ tích của futsal Việt Nam có dấu ấn cực kỳ lớn lao của bầu Tú.
Người Việt Nam yêu bóng đá, còn futsal - dẫu có những thành công, cũng chỉ là phận "con ghẻ". Con đường bầu Tú đi liệu có dễ dàng hơn bầu Đức? Tâm huyết và tiền bạc của doanh nhân Trần Anh Tú đổ vào cho futsal Việt Nam liệu có kém bầu Đức?
Nói về mặt chuyên môn bóng đá, ông Tú hoàn toàn có đủ tư cách ngồi vào chiếc ghế phó chủ tịch phụ trách tài chính của VFF, thậm chí ngay tại thời điểm này, chẳng ai đủ tư cách hơn ông cho chiếc ghế ấy. Hãy nhìn cái cách ông bầu này bỏ ra hàng chục tỷ mỗi năm để làm futsal một cách đàng hoàng, chuyên nghiệp và thành công để mừng khi có một người như thế ghé vai gánh vác trọng trách với bóng đá nước nhà.
"Có thể tôi nói điều này làm mất lòng anh Tú vì nếu việc anh ấy một mình một ngựa xảy ra, tôi chống đối tới cùng, thậm chí không chơi bóng đá nữa", trước phát ngôn này của bầu Đức về việc ông Trần Anh Tú nắm một lúc nhiều vị trí quan trọng ở cả VPF lẫn VFF, bầu Tú phản ứng khá thẳng thắn:
"Hãy nhìn vào kết quả công việc của tôi rồi hãy đánh giá. Tôi nghĩ không cần phải kể ra tất cả những gì mình đã đã làm được. Tự mọi người có thể đánh giá, đó mới câu trả lời tốt nhất của tôi ở thời điểm này.
Hứa nhiều theo kiểu tôi sẽ điều này, sẽ như thế kia thì sẽ không hay. Giữ một vị trí chưa chắc gì đã làm tốt, hoàn thành nhiệm vụ. Còn nhiều vị trí mà hoàn thành tốt bởi vì họ có trách nhiệm của mình. Cứ nhìn thực tế tôi làm rồi hãy đánh giá".
Trên thực tế, nỗi lo về việc ông Tú phải cáng đáng quá nhiều trọng trách một lúc là có thật, và không chỉ riêng bầu Đức lên tiếng phản ứng, song có lẽ chỉ có thời gian mới có câu trả lời chính xác nhất, bởi cho đến hiện tại, ông Trần Anh Tú vẫn đang làm rất tốt tất cả các công việc mà mình đảm nhận.
3. Càng ngày, những phát ngôn của bầu Đức càng dễ gây tranh cãi. Càng ngày, những phát ngôn của ông bầu này càng khiến người hâm mộ bóng đá Việt Nam thêm mông lung.
Chê HLV Hoàng Anh Tuấn là không giỏi chuyên môn, khẳng định một doanh nhân thành đạt, một người tâm huyết với bóng đá nước nhà như ông Trần Anh Tú không bao giờ làm được chức vụ mà mình từng gánh vác, người ta chẳng thể hiểu nỗi rốt cục hệ quy chiếu của bầu Đức là gì?
Khi chỉ trích ông Trần Anh Tú "một mình một ngựa" ứng cử chiếc ghế phó chủ tịch phụ trách tài chính, hẳn bầu Đức quên béng rằng 4 năm trước, ông trúng cử chiếc ghế này với tỷ lệ 96,77%, với duy nhất một ứng cử viên, mang tên... Đoàn Nguyên Đức.
Cũng ngày ấy, hai chức danh chủ tịch và phó chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF cũng chỉ có duy nhất 1 ứng cử viên. Bốn năm trước và bây giờ có gì khác nhau, mà ông lại đòi "nghỉ chơi", bầu Đức?
Thậm chí, nhận xét của bầu Đức về việc ông Trần Quốc Tuấn ứng cử ghế chủ tịch VFF cũng làm người ta phải chưng hửng nốt. Theo lý luận của ông bầu phố Núi, ông Tuấn không nên làm chủ tịch VFF vì... quá giỏi chuyên môn, ông Tuấn ngồi vào ghế chủ tịch rồi thì ai ngồi vào ghế phó chủ tịch để làm việc, điều hành đây.
Ơ, hóa ra đã làm chủ tịch thì không được điều hành chuyên môn? Vậy theo ông Đức, chủ tịch VFF làm gì mới đúng đây?
Rốt cuộc, ông Trần Anh Tú có điều gì không xứng đáng để ngồi vào chiếc ghế mà bầu Đức bỏ lại?
Hàng nghìn năm về trước, Ngụy Vũ Đế trong "Quân tử hạnh" đã có câu: "Đi qua ruộng dưa chớ sửa giày, đi qua gốc mận đừng chỉnh mũ". Ấy vậy mà bầu Đức vẫn "chỉnh mũ, sửa giày" ở ngay thời điểm nhạy cảm nhất, khi sắp phải trao lại chiếc ghế của mình cho người khác. Tại sao?
Thực ra thì, nếu bầu Đức muốn tiến cử ông Nguyễn Công Khế vào chiếc ghế chủ tịch VFF, ông Cao Văn Chóng tiếp quản chiếc ghế của mình, thậm chí là rút lại ý định rút lui, ông chỉ cần nói thẳng ra thôi, chẳng cần phải đem ông Trần Anh Tú ra làm cái cớ như thế, để khuấy lên cuộc chiến "xấu chàng hổ thiếp" như hiện tại.
Hãy nhớ, bầu Đức vẫn đang là phó chủ tịch VFF đấy nhé!