Hãy mở cho "nhà vô địch SEA Games đi nhổ cỏ" một con đường

Tiên Lâm |

Người ta bảo "Khi một cánh cửa đóng lại, thì cánh cửa khác sẽ mở ra". Con đường thể thao đã không còn lối cho Nguyễn Thị Nụ, nhưng con đường khác vẫn mịt mờ...

Bỏ lại 17 năm vinh quang và cay đắng

Mười bảy năm là hơn 6.000 ngày Nguyễn Thị Nụ phải xa nhà, hết tập trung lên tuyển, vắt mồ hôi trên sân tập để đánh đổi lấy vinh quang cho địa phương, cho đất nước, trở thành niềm tự hào của gia đình, của thể thao Việt Nam, và rồi...

Đã 5 năm trôi qua, tính từ cái ngày Nụ "bị" bắt gặp đang phải nhổ cỏ hồi năm 2011. Từ đấy, những chuỗi ngày phải chung sống với sự hắt hủi, ghẻ lạnh của đồng nghiệp đã lấy đi của Nụ những gì còn sót lại của cô với thể thao, với điền kinh.

Nguyễn Thị Nụ đi nhổ cỏ.
Nguyễn Thị Nụ đi nhổ cỏ.

"Em nghĩ kỹ rồi, phải rời khỏi niềm đam mê duy nhất đau lắm, nhưng thà một lần đau cho xong, còn hơn cứ lê thê kiếp sống mòn này", những lời đầu tiên của Nụ không khỏi khiến người đối diện phải xót xa.

Năm năm phải sống dưới áp lực về mặt tâm lý dường như khiến Nụ chai lỳ hơn nhiều: "Nghe chuyện người khác thì có thể khóc được, nhưng nói đến chuyện của mình thì ráo hoảnh, không thể khóc được nữa, anh ạ!".

Rời bỏ công việc duy nhất biết làm, với hai bàn tay trắng và cái đầu gối thương tật vĩnh viễn, tâm lý Nụ có thể sẽ thoải mái hơn những ngày, nhưng cuộc sống mưu sinh phía trước, với Nụ vẫn là một câu hỏi lớn, rơi vào hư không...

Cú ngã cuộc đời

"Mọi người cứ nghĩ điền kinh chỉ có chạy và chạy, làm sao mà chấn thương được. Nhưng với vận động viên đỉnh cao như bọn em, chấn thương là bạn đồng hành, và nhiều khả năng sẽ đồng hành suốt cuộc đời", Nụ tâm sự.

Năm 2005, trong một buổi luyện tập, Nụ đã ngã. Mẻ sụn. Cú chấn thương đầu gối có lẽ sẽ không nặng như ngày hôm nay nếu được giữ gìn, có thời gian hồi phục. Nhưng sức ép thành tích đã khiến Nụ chưa bao giờ có đủ thời gian.

Chưa hết chấn thương lại phải tập, phải đấu. Cứ thế, cho đến ngày Nụ gục ngã, không thể gượng dậy nổi. Rồi giải nghệ. Đi học. Đi làm. Và xin nghỉ...

Cái đinh trong chân đang hành hạ Nụ từng ngày. Cơn lốc trên đường chạy ngày nào chỉ có thể lê từng bước chậm chạp trên đất bằng. Leo cầu thang với cô bây giờ là cả một cực hình. Chỉ cần sơ sẩy một tý, thêm chấn thương là đi tong.

Nếu được phẫu thuật, ca mổ đầu tiên sẽ là tháo cái đinh cũ ra, vệ sinh ổ khớp, ghép xương. Vết mổ sẽ được đóng lại, chờ trong khoảng thời gian 3 tháng để theo dõi, sau đó sẽ tiếp tục ca mổ thứ hai.

Nếu cả 2 ca mổ thành công, Nụ sẽ có thể đi lại tương đối bình thường, còn chạy thì vĩnh viễn đã là quá khứ.

Cần lắm những tấm lòng

Nếu như câu chuyện 5 năm trước về cô gái vàng của điền kinh Việt Nam phải đi nhổ cỏ rơi vào thinh lặng, thậm chí khiến Nụ càng khổ sở hơn với công việc của mình, thì lần này, khi Nụ tuyệt vọng, đã có những bàn tay rộng mở.

Thầm lặng, những người yêu mến, xúc động và cảm thông với hoàn cảnh của Nguyễn Thị Nụ đã tổ chức quyên góp được một số tiền để giúp Nụ phẫu thuật đầu gối, loại bỏ những đau đớn thể xác đã hành hạ cô nhiều năm qua.

Ngày 12/4 tới đây, vào lúc 20h00, đêm nhạc gây quỹ từ thiện "Vì cô gái vàng SEA Games Việt Nam Nguyễn Thị Nụ" sẽ được tổ chức tại Oleary's Sport Bar (38 Bà Triệu, Hà Nội).

Tại đây, các nghệ sỹ, cùng các nhân vật có tiếng của thể thao Việt Nam sẽ chung tay, góp sức để quyên góp tiền giúp Nụ mổ chân, có một số tiền để tịnh dưỡng, đồng thời làm vốn để bắt đầu công việc mới, khi sức khoẻ ổn định lại.

Những người tổ chức chương trình mong rằng đây sẽ là sự tri ân gửi đến Nụ, cô gái đã cống hiến tuổi thanh xuân và tài năng của mình cho Tổ quốc, cho vinh quang của thể thao Việt Nam.

"Tôi đã có một tuổi trẻ không nên có, phải không?", câu hỏi của Nụ ngày nào cứ mãi ám ảnh đâu đây.

Đúng Nụ ạ! Em đã có một tuổi trẻ không nên có. Chẳng điều gì có thể bù đắp lại được những mất mát về thân thể mà em đã hi sinh, những giọt nước mắt tủi thân, cay đắng suốt những năm qua mà em đã phải rơi.

Nhưng ngày mai lại là một ngày mới, với đầy thử thách mới. Và tin rằng, 5 năm, 10 năm sau, chúng ta sẽ lại được ngồi cùng nhau, để nói lại về câu chuyện ngày hôm nay với nụ cười tươi thắm trên môi, Nụ nhỉ?

Lần phẫu thuật đầu tiên của Nụ là vào năm 2005. Chưa phục hồi, đã phải ra sân tập với cường độ cao để chuẩn bị cho SEA Games. SEA Games năm ấy ở Philippines, Nụ có huy chương.

Lại mổ lần thứ hai. Lại chưa kịp phục hồi thì lại lao vào tập luyện cho SEA Games 2007 tại Thái Lan. Nụ lại có huy chương, và chấn thương lại tái phát.

Lần mổ thứ ba năm 2008, chi phí gia đình phải bỏ ra 50%. Mục tiêu là 4 huy chương vàng, nhưng không bao giờ đạt được, vì chấn thương tái phát trong quá trình tập luyện, Nụ giải nghệ.

Năm 2010, Nụ tiếp tục mổ lần thứ 4 tại TP.HCM, với gia đình phải chịu một phần chi phí. Dây chằng cấy ghép đem từ Mỹ về sau đấy bị đào thải, và Nụ phải chịu thế cho đến tận bây giờ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại