Hãy khâm phục Bôm, nhưng sẽ tốt hơn nếu đó không còn là chuyện lạ

Hiệu Minh |

Năm đầu sang công tác bên Mỹ và đi làm bằng metro thấy người đi xe lăn từ toa tầu ra, sợ họ di chuyển khó tôi tỏ ý giúp. Họ bảo "cảm ơn anh, tôi đi được" với thái độ rất tự tin.

Tuần rồi truyền thông làm hàng triệu người xúc động vì chuyện bé Bôm của đạo diễn kiêm diễn viên Quốc Tuấn được anh chăm sóc 15 năm nay qua nhiều lần phẫu thuật, nhất là khi xem cháu biểu diễn đàn piano bằng những ngón tay không bình thường.

Đây là một bài học quí giá cho tình cha con, vượt khó, bỏ qua định kiến cũ về khuyết tật và quan trọng hơn là về đạo làm người trong một xã hội mà nhiều giá trị bị đổi chiều.

Nếu đi sâu vào từng ngõ ngách của cuộc sống thì trường hợp hiểm nghèo của nhiều trẻ như Bôm bằng cách này hay cách khác không phải là hiếm. Down, tự kỷ, thần kinh, ung thư, mù hay câm điếc bẩm sinh, không tay, không chân, tứ chứng nan y cận kề sinh tử.

Có cha mẹ và con vượt lên được, có người không, rồi buông xuôi và giấu giếm, bởi xã hội bị định kiến chi phối về khuyết tật trong thời gian dài.

Sự kiện bé Bôm lên tivi được nhiều người đón nhận với tấm lòng là một tín hiệu tốt. VTV6 còn có chương trình "Hôm nay ai đến" thỉnh thoảng lại thấy một người khuyết tật mà bây giờ gọi là người dễ tổn thương tới làm khách.

Nhớ một chị tên là Nguyễn Thị Minh Châu mà trời không cho chiều cao, nhưng nghe những gì chị kể để vượt lên số phận, thì đôi khi cao thấp đơn giản là số đo thuần túy, không ảnh hưởng tới IQ.

Làm việc ở World Vision, photocopy cũng phải đứng lên ghế, nhưng chị Châu vẫn đi công tác vùng sâu, vùng xa để làm việc giúp trẻ nghèo. Say xe thì ngửi bánh mỳ, lúc nào cũng vui vẻ, nụ cười luôn trên môi và nói năng giỏi như MC.

Chị Minh Châu có con gái Gia Linh mới 3 tuổi nhưng chân dài đã bằng chân mẹ. Như chị mong con lớn lên thấy hình dáng của chị đặc biệt nhưng tâm hồn đẹp và bao la cũng như bao bà mẹ khác, đều yêu con, dạy con biết chia sẻ.

Có lần tôi tìm đàn guitar của hãng Yamaha trong cửa hàng bên sông Tô Lịch. Thấy một chị bán hàng ngồi trên xe lăn. Đi lại mấy lần để xem đàn cuối cùng tôi đã mua tại cửa hàng đó vì thấy chị rất vui vẻ, nhiệt tình và chuyên nghiệp khi giới thiệu đàn.

Mấy tháng trước có mấy ngày đào tạo về truyền thông và IT cho nhóm người đặc biệt, tôi choáng hoàn toàn vì người khiếm thị quay clip và phỏng vấn, trong khi người điếc nhìn qua phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu lại nói về vấn đề vĩ mô của xã hội một cách trơn tru, vô cùng ấn tượng.

Những trường hợp như chị Châu, bé Bôm, chị bán đàn, lớp học và một số người đặc biệt, thành sự kiện hiếm, là do cơ hội mang lại cho nhóm người này chưa nhiều.

Hãy khâm phục Bôm, nhưng sẽ tốt hơn nếu đó không còn là chuyện lạ - Ảnh 1.

Hai cha con Bôm

Nhớ năm đầu sang công tác dài hạn bên Mỹ và đi làm bằng metro ở Washington DC, thấy người đi xe lăn từ toa tầu ra, sợ họ di chuyển khó khăn, tôi tỏ ý muốn giúp. Họ bảo "Cảm ơn anh, tôi đi được" với một thái độ rất tự tin.

Vài năm sau tôi mới hiểu, người dễ tổn thương ở xứ Mỹ luôn tỏ ra bình đẳng, một cách tư duy khác với người Việt hay cho rằng, tật nguyền thì làm được gì.

Họ được công bằng về cơ hội nên làm được những việc khó tưởng tượng, biến khiếm khuyết thành ưu điểm.

Chương trình Discovery của Mỹ có một series về một gia đình toàn những người có chiều cao vài chục cm nhưng họ sống, làm việc, yêu thương, lấy vợ, lấy chồng, có con, có cháu lớn lên bình thường.

Có một quy định của gia đình này là các phương tiện thông tin đại chúng không được dùng hình ảnh của họ nếu không được phép.

Mỗi lần lên tivi hay xuất hiện trong những clip về đời sống, họ được hãng tivi trả khá tiền, có luật sư bảo vệ quyền lợi, vì đó là đóng phim, phải trả công người ta, nhất là những người này không may mắn. Lấy ảnh để câu views là lạm dụng sự tổn thương.

Hãy khâm phục Bôm, nhưng sẽ tốt hơn nếu đó không còn là chuyện lạ - Ảnh 2.

Sự khiếm khuyết dễ trở thành rào cản cho sự tiến thân và tự lo cho cuộc sống nhất là sau này cha mẹ, người thân không còn đủ khả năng bao bọc.

Hiến pháp nước Mỹ và được Bác Hồ trích dẫn "Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng" cũng là chìa khóa cho nhóm người đặc biệt này.

Để di chuyển bình thường cho người trên xe lăn thì mọi ngõ ngách phải có đường đi thiết kế cho họ. Người mù qua đường đợi đèn đỏ phải có lời nhắc trong loa nhỏ bên cột tín hiệu đèn đỏ hay sách vở thậm chí số tầng trong thang máy phải có chữ Brail. Người câm điếc phải có ngôn ngữ ký hiệu. Bảo hiểm ưu ái, đôi khi là miễn phí.

Đầu tư cho việc này khá cao, nhưng đổi lại, sự hòa nhập của họ trong cuộc sống lại có ích cho xã hội vì họ tự lo công ăn việc làm, ít phải phiền đến người khác.

Tôi có cháu bé bị chút tự kỷ và thuộc nhóm học sinh được hưởng chế độ giáo dục đặc biệt. Có cô giáo dạy thêm về ngôn ngữ, cô khác hưỡng dẫn cách giao tiếp.

Có lần cháu phát âm chữ school nhưng bị nuốt mất chữ S, cô giáo thông báo về gia đình hợp tác trong khoảng 3 tuần để vượt qua chữ Sờ nặng (S). Thế mà qua và bây giờ cháu vào lớp 9 như bao học sinh khác.

Ở Mỹ đầu tư cho một học sinh là 20 ngàn đô thì cho học sinh đặc biệt phải gấp 3 đến 4 lần. Mục đích chỉ để tạo ra cơ hội bình đẳng.

Bởi thế nên nhân loại biết đến Stephen Hawking, nhà Vật lý vĩ đại, ngồi trên xe lăn với những phát minh về vũ trụ và nhiều cuốn sách do ông viết.

Người hâm mộ âm nhạc cổ điển nhớ đến Beethoven với những bản nhạc sống mãi với thời gian mà nhạc sỹ thiên tài này bị điếc, không nghe được bản nhạc của chính mình sáng tác. Nhạc hiện đại có Stevie Wonder, ca sỹ và nhạc sỹ mù, mỗi buổi biểu diễn của ông có tới hàng chục ngàn người tham dự.

Ngoài chuyện pháp lý, xã hội Việt Nam nhất là trẻ em cần được giáo dục cách nhìn thân ái đối với những người dễ bị tổn thương, nhờ đó mà cơ hội của họ sẽ bình đẳng với bất kỳ ai.

Không cần sự thương hại hay ban phát, họ cần một "lối đi" như người trên xe lăn tự tin như bên Washington DC độc lập lo cho cuộc sống. Nếu có tài năng sẽ được đơm hoa kết trái như diễn viên Quốc Tuấn đang mong mỏi cháu Bôm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại