Trong lúc đợi làm thủ tục check-out tại một guest house ở khu Dongdaemun, Seoul , Hàn Quốc, tôi tình cờ nhìn thấy dòng chữ treo trên tường: Exit as a friend (Hãy rời đây như một người bạn).
7 ngày ở Hàn Quốc của tôi được phát lại như một thước phim quay chậm cùng với dòng chữ này. Tôi được nước chủ nhà đối xử như một người bạn.
Được hướng dẫn tận tình mỗi khi lạc đường. Được tiếp đón nồng hậu bởi những người xa lạ. Được tặng những nụ cười, cái nhìn thân thiện, bao dung ngay cả khi vô tình vi phạm một quy chuẩn của Hàn Quốc.
Tôi xem lại bức ảnh chụp với dòng chữ đó và chợt cảm thấy đau nhói khi liên tiếp đọc được những tin buồn về cách người Việt đối xử với du khách nước ngoài.
Dù vì bất cứ nguyên nhân vì gì thì hành động chửi và đuổi các cô gái nước ngoài xuống xe khách của nam nhân viên hung hãn ở Nha Trang thực sự gây phẫn nộ (Ảnh cắt từ clip)
Một nữ du khách Pháp bị đuổi khỏi xe bus tại Nha Trang bằng thái độ hung hăng, hiếu chiến của anh chàng phụ xe.
Một cô gái đã giành hơn 20 ngày để yêu Việt Nam, nhưng lại kết thúc hành trình khám phá mảnh đất hình chữ S bằng việc bị giật mất điện thoại ở Nha Trang và bị ăn trộm xe đạp ở Sài Gòn.
Một chàng trai ngoại quốc khác bị 2 thanh niên xông vào đánh hội đồng trên phố Trần Khát Chân, chỉ vì lỡ tay đập vào gương chiếc xe hơi sang trọng, trong nỗ lực rút chân ra khỏi bánh xe đang đè nghiến lên chân anh ta.
Và còn rất nhiều, rất nhiều những du khách khác đến Việt Nam bằng tình yêu đất nước, con người chúng ta, nhưng lại bị đối xử như những con… "gà béo".
"Tôi vẫn yêu Việt Nam bằng cả trái tim!" - đó là lời khẳng định của cô gái người ngoại quốc sau tất cả những chuyện không hay xảy đến trong chuyến xuyên Việt bằng xe đạp (Nguồn: Internet
Không biết bao nhiêu du khách đã lên tiếng phàn nàn về chuyện phải mua một món đồ gấp đôi, gấp ba số tiền mà người bản địa phải trả. Họ thậm chí còn không được quyền mở ví và rút tiền của chính mình.
Không ít trường hợp được kể lại rằng, người bán hàng nhanh tay rút một số tiền nhất định và mặc định cho rằng cuộc giao dịch đã xong, trong sự ngơ ngác đến tội nghiệp của du khách.
Tôi đã từng thử đóng giả một du khách lang thang tại Hội An và cố gắng trả giá một chiếc mũ (mà tôi biết chắc rằng bị thổi giá lên gấp 3 lần). Cuộc giao dịch không thành công và tôi thậm chí còn phải nhận những lời rủa xả bằng tiếng Việt.
Người Việt ơi, các bạn có biết rằng chỉ 5% du khách sau khi đến Việt Nam muốn trở lại với đất nước xinh đẹp của chúng ta hay không?
Trang blog nổi tiếng về du lịch, The Holidaze từng có một bài viết với tiêu đề: Tại sao phần lớn du khách không bao giờ trở lại Việt Nam .
Bài viết khẳng định, Việt Nam là một đất nước xinh đẹp, với nhiều phong cách mà bạn sẽ không thấy ở đâu trên thế giới, ẩm thực phong phú, lịch sử thú vị. Tuy nhiên, dịch vụ du lịch thì quá tồi tệ và người địa phương luôn coi du khách là món hàng béo bở để "thịt".
Bài viết có nhắc tới một câu nói: "Bạn chỉ đến rồi đi, chúng tôi vẫn ở đây" (You come one time and leave, I’m still here), như một cách bao biện cho cách đối xử thiếu tầm nhìn của một bộ phận đông người Việt với du khách.
Đến khi nào người Việt mới hiểu được và đối xử với mọi du khách như những người bạn phương xa của mình...(Ảnh: Internet)
Chúng ta có quá nhiều người đang làm du lịch ngắn hạn: Họ bất chấp tất cả để kiếm được thật nhiều tiền của du khách và mặc kệ điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh của cả một quốc gia.
Có lẽ là do góc nhìn. Chúng ta không coi du khách là những vị khách, mà đơn thuần coi họ là một món ăn để xâu xé. "Exit as a friend" - cho đến khi nào người Việt hiểu được và đối xử với du khách như những người bạn phương xa của mình, du lịch Việt Nam may ra mới mang du khách trở lại.
Đôi khi chính người Việt cũng trở thành nạn nhân của những vụ thổi giá. Chính lúc đó tôi mới cảm thấy thật đáng thương cho những vị khách quốc tế. Rào cản ngôn ngữ khiến họ dù biết bị lừa vẫn không còn cách nào khác ngoài chấp nhập.
Họ đến với tình yêu và ra về trong sự hậm hực...