Hãy để ngành y tập trung cho chuyên môn

Trọng Điển/VOV Giao thông |

Không thể phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan trong việc tháo gỡ “nút thắt” trong đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận các nghị định, nghị quyết vừa ban hành chỉ là “giải pháp tình thế” là cái phao cứu cánh nhất thời.

Sau nhiều khó khăn, vướng mắc nổi cộm khiến nhiều bệnh viện lâm vào cảnh thiếu trang thiết bị trầm trọng, người bệnh có nguy cơ không có thuốc điều trị. Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ được ban hành mới đây như một tin vui với tất cả các bệnh viện và người làm trong ngành y nói chung.

Hãy để ngành y tập trung cho chuyên môn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nói điều này để thấy, cơ chế hành chính, hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh đang là nút thắt rất lớn, cản trở trực tiếp đến việc điều trị và chăm lo cho sức khỏe nhân dân bấy lâu nay. Cơ quan quản lý nhà nước, ngành y, người dân, doanh nghiệp đều nhận thấy.

Nhưng việc sửa đổi là rất khó bởi tính phức tạp, chồng chéo trong các quy định, quy chế về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế; nhất là cơ chế cho mượn, đặt máy móc, sinh phẩm từ bên ngoài vào theo hình thức xã hội hóa không rõ ràng; luôn khiến lãnh đạo lãnh đạo bệnh viện đau đầu mà không có cách giải quyết.

Chính sự không rõ ràng này cũng là điều kiện nảy nở lòng tham ở một bộ phận cán bộ bệnh viện;từ đó tổ chức thông đồng, cấu kết với bên ngoài nâng khống giá trị trang thiết bị, máy móc, sinh phẩm y tế để trục lợi. Nhiều cán bộ y chuyên khoa hàng đầu, thuộc hàng hiếm của cả nước đã lâm cảnh lao lý.

Đó là chưa kể, hành lang pháp lý không đủ độ chắc chắn để bảo vệ người dám nghĩ, dám làm. Khiến cho ngành y có những lúc chao đảo vì căn bệnh sợ trách nhiệm, sợ sai, không ai dám làm.

Hậu quả là bệnh nhân phải gánh; thường xuyên phải ra ngoài chụp, chiếu, xét nghiệm; có ca đến lịch mổ đành nằm chờ vì thiếu vật tư, sinh phẩm. Có bệnh viện đứng trước nguy cơ đóng cửa. Đây là những bài học đắt giá, khiến lãnh đạo các cấp và ngay cả người trong ngành y đều đau xót, tìm cách tháo gỡ.

Hiện nay, ngành y tế các địa phương, lãnh đạo các bệnh viện trong cả nước đang áp dụng triệt để Nghị định 07 và Nghị quyết 30 để giải quyết ngay các ách tắc trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế; thực hiện từng bước việc kêu gọi sự hỗ trợ, chi viện từ bên ngoài. Tuy nhiên do 2 văn bản này cũng chỉ mang tính cấp thiết, giải quyết phần ngọn; đó là chưa kể việc hiểu và áp dụng theo các cách khác nhau, khiến nhiều Sở y tế, bệnh viện vẫn phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và tiếp tục kiến nghị, sửa đổi.

Đơn cử như việc cho đặt máy chuyên sâu từ bên ngoài vào để bệnh viện khai thác; thời gian qua, do không có cơ chế hợp tác rõ ràng nên nhiều đơn vị bên ngoài đã rút các máy móc khỏi nhiều bệnh viện. Bây giờ muốn đem vào đặt lại,theo yêu cầu phải là máy mới 100% sẽ rất khó khăn.

Đó là chưa kể, việc chỉ định thầu, mặc dù không cần 3 báo giá, có thể chỉ định thầu.Nhưng quy trình này cũng phải tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về thời gian, minh bạch, rõ ràng. Bệnh viện với công việc chuyên môn của mình rất khó đảm bảo tuyệt đối chính xác chọn được nhà thầu uy tín, chất lượng mà giả cả lại hợp lý vì mỗi thời điểm giá cả thiết bị là khác nhau. Rồi vấn đề hậu kiểm; nếu không tuân thủ dễ dẫn đến sai phạm, bị truy cứu trách nhiệm.

Rõ ràng, ngành y là ngành chuyên môn thuần túy. Việc mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư sinh phẩm; kể cả xã hội hóa y tế hoàn toàn là những phạm trù khác ngành nghề mà các y, bác sĩ được học. Nhiều bác sĩ rất giỏi trong cầm dao mổ, đọc bệnh án nhưng để xây dựng phương án tự chủ, đề án xã hội hóa bệnh viện của mình để vừa đảm bảo nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh lại duy trì có nguồn thu ổn định để nuôi sống hàng ngàn cán bộ công nhân viên là cực kỳ khó khăn và nan giải.

Do vậy, đã đến lúc, các rào cản về cơ chế, chính sách trong mua sắm trang thiết bị y tế phải được thống nhất, mang tính lâu dài. Khái niệm, vấn đề xã hội hóa y tế, nhất là cho mượn, đặt máy móc từ bên ngoài vào cũng cần được định lượng rõ ràng, cụ thể để khai thác hiệu quả nguồn lực ngoài ngân sách hỗ trợ các bệnh viện. Đồng thời không tạo kẽ hở để ai đó trục lợi.

Ngành y về lâu dài chỉ lo tập trung cho chuyên môn nghiệp vụ; quản lý và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh hàng ngày; các vấn đề về kinh tế y tế; sẽ do các bộ, ngành và cơ quan quản lý xắn tay xây dựng, để ngành phát triển ổn định./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại