Trong bài viết nhan đề "Buyer beware – Chinese military weapons are low quality, says US State Department official - Khách hãng hãy cẩn thận - Vũ khí Trung Quốc chất lượng thấp, cảnh báo của quan chức ngoại giao Mỹ", nhà báo Mỹ Mark Magnier đã vạch trần những góc khuất đáng chú ý về các sản phẩm của Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc.
Trung Quốc tay không bắt... vũ khí
Trung Quốc hiện đang thể hiện vài trò là người chơi lớn trên thị trường vũ khí thế giới khi giành được khá nhiều hợp đồng cung cấp cho các khách hàng là những quốc gia nghèo, ngân sách mua sắm quốc phòng có hạn.
Nhiều sản phẩm như máy bay chiến đấu, tên lửa phòng không, tên lửa chống tăng, tàu chiến, xe tăng,... của Trung Quốc cạnh tranh quyết liệt với những vũ khí tinh hoa của Mỹ, Nga, Pháp, Đức khiến những "ông lớn" này cũng hết sức đau đầu.
Để có được thế và lực như hiện tại, không phủ nhận rằng Trung Quốc đã có rất nhiều nỗ lực, cả công sức lẫn tiền bạc để có được các công nghệ quân sự mới nhất.
Từ số 0 tròn chĩnh cách đây mấy chục năm, ngày nay CNQP đã cho ra đời nhiều loại vũ khí được đánh giá là tương đối khả khẩm.
Đường đi nước bước của Trung Quốc mọi người ai cũng biết, mua giấy phép chuyển giao công nghệ sản xuất vũ khí, rồi "học mót" làm nhái theo nguyên mẫu hoặc thậm chí ăn cắp công nghệ. Cách làm này của họ tương đối thành công khi nhanh chóng có được những sản phẩm "giống về ngoại hình" nhưng chất lượng thì còn phải hậu xét.
Chẳng những sản xuất hàng loạt để trang bị cho quân đội, các sản phẩm "nhái" còn được xuất khẩu đi khắp thế giới, cạnh tranh với hàng chính hãng.
Trong một số thương vụ, vũ khí "xịn" phải bật bãi, nhường sân cho Trung Quốc vì không thể cạnh tranh nổi về giá và những ưu đãi, lợi ích cả công khai lẫn ngấm ngầm mà họ dành cho khách hàng.
Tiền mất tật mang, nhiều nước đã trắng mắt vì trót dại mua vũ khí Trung Quốc
Thật vậy, R. Clarke Cooper, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về đối ngoại quân sự và chính trị đã khẳng định rằng Trung Quốc dùng cơ bắp trên thị trường vũ khí khi chào giá thấp không tưởng, tấn công bằng tài chính và thậm chí là cả hối lộ.
Ông nói: "Trung Quốc sử dụng việc chuyển giao vũ khí như một phương thức kiểu 'sói gửi chân' - một khi thò được chân vào cửa, Trung Quốc nhanh chóng khai thác tối đa ảnh hưởng và thu thập thông tin tình báo".
Cooper chỉ ra những quốc gia đã trắng mắt vũ mua vũ khí rởm của Trung Quốc. Chẳng hạn như Kenya mua xe thiết giáp chở quân Norinco VN-4, khi thử nghiệm bắn đạn thật, đại diện bán hàng của Trung Quốc đã từ chối vào xe.
Một chiếc xe thiết giáp chở quân Norinco VN-4 do Trung Quốc chế tạo tan nát vì mìn ở Kenya.
Ấy vậy mà Kenya vẫn 'nhắm mắt nhắm mũi' đặt hàng và "đáng buồn đã có hàng chục binh sĩ Quân đội nước này thiệt mạng trong những chiếc xe thiết giáp Trung Quốc.
Vì thế, xe thiết giáp VN-4 được sản xuất bởi công ty Công nghiệp quốc doanh Chongqing Tiema Trung Quốc có biệt danh mới là "Rhinoceros", có nghĩa đen là những con tê giác nhưng nghĩa bóng rất thâm thúy đó là kẻ "mặt dày".
Ông Cooper trích dẫn một bài báo trên tờ The Standard của Kenya:: "Thật đáng buồn, sau những vụ chết nhiều người như thế, vậy mà các sĩ quan vẫn tiếp tục tuần tra biên giới trên những chiếc xe bán tải và xe thiết giáp Trung Quốc, bất chấp nguy hiểm luôn rình rập bởi những thiết bị nổ cài ven đường".
"Caveat emptor!", Cooper trích dẫn một câu nói bằng tiếng Latin mà dịch sang tiếng Anh là "buyer beware - Khách hàng hãy cẩn thận", để cảnh báo về vũ khí rởm của Trung Quốc.
Ngoài Kenya, Peru cũng "dính chưởng" với vũ khí chất lượng kém của Trung Quốc. Cụ thể, khi đấu thầu tại quốc gia Nam Mỹ, xe tăng MBT-2000 của Trung Quốc đã vượt qua nhiều đối thủ lớn như T-90S, T-84U Oplot, Leopard 2A4, T-72M1, M-84M, PT-91 Twardy để trở thành lựa chọn số 1 của Lục quân Peru.
Radar chất lượng kém mà Trung Quốc bán cho Peru.
Thế nhưng sau đó vài tháng quân đội Peru mới ngã ngửa người vì MBT-2000 sử dụng động cơ diezel 6TD-2E của Ukraine trong khi Kiev cấm Trung Quốc không được xuất khẩu động cơ 6TD-2E.
Vì thế, như bị lừa, Peru tuyên bố hủy hợp đồng và trả lại 5 chiếc MBT-2000 đầu tiên mà nước này đã nhận.
Bắc Kinh đã phải ngậm ngùi rút khỏi một hợp đồng mà tưởng như đã nắm chắc phần thắng.
Tiếp đó, Ecuador cũng "vỡ mặt" vì radar do Trung Quốc chế tạo. Vốn chẳng hề có chút tiếng tăm nào trên thị trường vũ khí quốc tế, thế nhưng không hiểu bằng cách nào radar được "bơm thổi" để biến thành những khí tài tối tân, có khả năng phát hiện cả máy bay tàng hình F-22 của Mỹ.
Tin lời quảng cáo và những "nghệ thuật thuyết phục" như mật ngọt từ Trung Quốc, năm 2008, Bộ Quốc phòng Ecuador nhắm mắt thò bút ký vào hợp đồng trị giá 60 triệu USD để rước về một số đài radar YLC-2V và YLC-18 do Công ty CETC (Trung Quốc) sản xuất.
Không ngờ, radar của Trung Quốc dường như bị mù, không thể hoạt động, chúng cứ "trơ mắt ếch" trước mọi mục tiêu từ to tới bé bay nườm nượp suốt ngày. Rõ là hàng rởm!
Còn nhiều, rất nhiều những phị vụ "tày đình" khác về vũ khí Trung Quốc mà trong khuôn khổ một bài báo không thể liệt kê hết được. Chính những điều này đã khiên nhiều nước quyết tâm nói lời "vĩnh biệt" vũ khí Trung Quốc.