Hãy cân nhắc trước khi bỏ thói quen xấu xí này

Oct |

Vì nghiên cứu đã chỉ ra rằng thói quen đó có thể đem lại lợi ích tuyệt vời cho cơ thể bạn.

Từ trước đến nay, hành vi mút ngón tay hoặc cắn móng tay vốn được xem là một thói quen cực kỳ xấu, vì có thể tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn cho cơ thể của chúng ta.

Tuy nhiên, sự thực thì theo một nghiên cứu mới đây của các chuyên gia New Zealand và Canada, thói quen tưởng không tốt này hóa ra lại... tốt không tưởng. Vì những đứa trẻ có những thói quen như vậy dường như ít bị dị ứng với các tác nhân bên ngoài.

Hãy cân nhắc trước khi bỏ thói quen xấu xí này - Ảnh 1.

Theo Malcolm Sears từ ĐH McMaster của Canada: "Nghiên cứu của chúng tôi dựa trên giả thuyết vệ sinh cho rằng việc tiếp xúc với bụi bẩn và vi khuẩn từ sớm có thể giảm được nguy cơ bị dị ứng. Tất nhiên, chúng tôi không cổ suý thói quen này, chỉ là nó đem lại một số lợi ích thôi".

Nhóm chuyên gia dựa trên số liệu từ một nghiên cứu theo dõi hơn 1 ngàn trẻ em tại New Zealand từ năm 1972. Những đứa trẻ này được ghi nhận có thói quen cắn móng tay và ngậm ngón từ các độ tuổi 5, 7, 9 và 11. Sau đó, họ thực hiện một số xét nghiệm về mức nhạy cảm đối với các tác nhân dị ứng vào năm 13 và 32 tuổi.

Hãy cân nhắc trước khi bỏ thói quen xấu xí này - Ảnh 2.

Kể cả lớn rồi chúng ta vẫn được hưởng lợi từ thói quen này

Kết quả cho thấy, 31% trẻ có 2 thói quen trên, và chúng dường như ít bị dị ứng vào năm 13 tuổi. Cụ thể hơn, chỉ 38% trẻ có thói quen xấu là bị dị ứng, trong khi con số này đối với trẻ không mắc là 49%. Nếu có cả 2 thói quen, thậm chí tỉ lệ còn thấp hơn nữa - 31%. Thậm chí, lợi ích này còn được duy trì đến tận giai đoạn 32 tuổi.

Tuy vậy, các chuyên gia chưa giải thích được chính xác cơ chế sinh học của chuyện này. Rober J. Hancox - chuyên gia dịch tễ học thuộc ĐH Otago (New Zealand) cho biết: 

"Chúng tôi đặt giả thuyết rằng việc tiếp xúc với vi sinh vật đã củng cố hệ miễn dịch cho trẻ, nhưng cũng không biết chính xác loại vi khuẩn nào là tốt, loại khuẩn nào thì không".

Hãy cân nhắc trước khi bỏ thói quen xấu xí này - Ảnh 3.

Nhưng dù chưa thể giải thích, nghiên cứu phần nào củng cố cho thêm cho luận điểm về lý thuyết vệ sinh - hygiene hypothesis. Theo đó, việc chúng ta đang sống quá sạch là một trong những nguyên nhân biến dị ứng trở thành một trong những chứng bệnh phổ biến nhất trong thế kỷ 21.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Pediatrics.

Nguồn: Science Alert

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại