Hay bị choáng khi đứng lên quá nhanh, bệnh gì?

Anh Thư |

Hai mẹ con tôi đều rất hay bị choáng váng mỗi khi đang nằm, ngồi mà có chuyện cần đứng lên gấp. Mẹ tôi thậm chí bị té ngã vài lần.

Tôi và mẹ tôi đều bị một chứng giống nhau: sáng dậy, ngồi lên quá nhanh; hoặc đang ngồi mà vội đứng lên làm gì đó, lúc nào cũng bị choáng váng, hoa mắt, có khi suýt ngã.

Đi khám sức khỏe tổng quát thì không ra bệnh gì. Riêng mẹ tôi thì triệu chứng ngày một nặng, đã đôi lần bà bị té ngã (mẹ tôi năm nay 65 tuổi). Tôi và mẹ có bị bệnh gì không? Có nên điều chỉnh cách vận động, sinh hoạt, ăn uống để giảm nhẹ triệu chứng và có cần thiết phải đi khám không?

(Hoàng Thị Ngọc, 27 tuổi, quận Bình Thạnh, TP HCM)

Bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất, TP HCM:

Chào chị, triệu chứng choáng váng, hoa mắt khi thay đổi đột ngột tư thế khá phổ biến, nhiều người cũng gặp phải. Triệu chứng này gây ra chủ yếu bởi thay đổi áp lực tư thế của hệ thống tiền đình ốc tai.

Về cơ bản, việc thay đổi tư thế đột ngột, nhất là sáng vừa thức dậy đã vội ngồi bật lên, đứng lên… là hoàn toàn không nên, ngay cả với chị, một người còn rất trẻ. Rất có thể, vấn đề chỉ đơn giản nằm ở thói quen thay đổi tư thế đột ngột đó, nếu chị chú ý hơn thì sẽ không gặp phải triệu chứng khó chịu này nữa.

Với người lớn tuổi, việc thay đổi áp lực tư thế của hệ thống tiền định ốc tai có thể dễ gây choáng hơn cả người trẻ, nên mẹ chị càng phải thay đổi thói quen ngồi hay đứng lên đột ngột mà chị đã kể trong thư.

Tuy nhiên, không loại trừ việc choáng váng là do bệnh lý. Một số trường hợp gây ra do hạ huyết áp tư thế khi bệnh nhân đang dùng thuốc điều trị tăng huyết áp. Một số trường hợp khác là bởi bởi thiểu năng tuần hoàn não do xơ vữa động mạch…

Mẹ của chị lớn tuổi, biểu hiện triệu chứng khá nặng, có té ngã, do đó chị nên đưa mẹ đi khám sức khỏe tổng quát, trong đó phải bao gồm các hạng mục sau: kiểm tra huyết áp, cholesterol máu, siêu âm doppler động mạch cảnh… để tìm nguyên nhân điều trị.

Nếu mẹ chị đang dùng thuốc huyết áp như tôi đã nói ở trên, nên trao đổi với bác sĩ đang điều trị, kê toa để có thêm hướng dẫn cụ thể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại