Tiếng đàn guitar Hawaii được công nhận là một bản sắc cho quần đảo và bang "phía tây nhất" này của nước Mỹ. Từ ngày 12.1 vừa qua, đảo này còn nổi danh trên thế giới nhờ chuyện báo động nhầm về bị tên lửa tấn công. Báo động nhầm chứ không phải thử còi báo động hay tập luyện cho trường hợp khẩn cấp.
Lần đầu tiên kể từ sau khi kết thúc chiến tranh Lạnh đến nay, ít nhất thì cũng trong thời gian 38 phút, hơn 1,5 triệu người ở Hawaii phải trải nghiệm cảm giác bị tấn công tên lửa thật sự. Nguyên do chỉ đơn giản là một động tác nhấn con chuột trên màn phím máy tính.
Hành động chỉ có như vậy mà tác động lại có tầm chính trị an ninh thế giới và hệ luỵ lại có thể ám ảnh cả một thời kỳ dài.
Chuyện vừa rồi này ở Hawaii cho thấy sai lầm hoặc hành vi vô thức của một cá thể có thể đưa đến thảm hoạ chung như thế nào. Một động tác nhấn con chuột ở máy tính hay một lần bấm nút có thể đưa ngay đến xung đột vũ trang, thậm chí cả sử dụng vũ khí hạt nhân.
Sẽ như thế nào nếu hệ thống bị xâm nhập và quy trình ra lệnh tấn công phủ đầu hay phòng thủ hoặc trả đũa bị thao túng thông qua mạng Internet và khi hai phía liên quan bị mắc bẫy của bên thứ ba. Hawaii đã cho thấy an ninh của thế giới nói chung và của mọi quốc gia, mọi khu vực trong thế giới hiện đại ngày nay dễ bị tổn thương ra sao.
Chuyện vừa rồi này ở Hawaii còn bộc lộ bốn điều chẳng hay ho gì đối với nước Mỹ.
Sau 38 phút báo động nhầm, chính quyền bang Hawaii mới đưa ra thông báo đính chính: "Không có mối đe dọa nào" tới người dân. Ảnh: Reuters
Bất cập từ cảnh báo nhầm
Thứ nhất, nỗi lo ngại bị bên ngoài tấn công vào lãnh thổ của Mỹ không chỉ có thật mà đã luôn thường trực đối với nước Mỹ và dân Mỹ. Thời còn chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đề phòng bị tấn công.
Thời nay, Mỹ đề phòng bị Triều Tiên tấn công tên lửa và sự đề phòng này chẳng khác gì sự công nhận Triều Tiên đã có đủ khả năng đe doạ trực tiếp an ninh đối với các khu vực lãnh thổ của Mỹ. Như thế có nghĩa là vị thế của Triều Tiên đã khác trước rất cơ bản trong quan hệ giữa hai nước này.
Thứ hai, chuyện này bộc lộ rõ ràng nhiều bất cập trong hệ thống báo động sớm và hệ thống phòng thủ của Mỹ.
Từ mùa hè năm ngoái, phía Mỹ đã tăng cường những biện pháp đối phó với nguy cơ bị Triều Tiên tấn công tên lửa ở Hawaii. Người dân nơi đây được hướng dẫn tỉ mỉ và thường kỳ tập luyện về phải làm gì mỗi khi có hiệu lệnh báo động bị tấn công và trong trường hợp thật sự bị tấn công.
Vào đúng 11h45 của ngày làm việc đầu tiên hàng tháng đều có chuyện kéo thử còi báo động, dài 50 giây, nghỉ 10 giây và lại hú còi 50 giây. Ngoài ra còn có cảnh báo đến từng người sử dụng điện thoại di động thông minh và trên các biển quảng cáo công cộng của bang.
Giới quân sự Mỹ vẫn luôn quả quyết là chỉ cần đúng có 5 phút là sẽ phát hiện được ra ngay địa điểm phóng tên lửa tấn công Hawaii nhờ cả mạng lưới vệ tinh quân sự và do thám, hệ thống ra đa trên đất liền và trên những con tầu chiến. Vậy mà vừa rồi phải sau tận 38 phút thì ở Hawaii mới phát hiện ra là báo động giả.
Trong khi Mỹ biết rằng hiện tại Triều Tiên đã làm chủ được công nghệ tên lửa đủ để chỉ cần không đầy 30 phút là có thể vươn tới được Hawaii của Mỹ. Những bất cập như thế này không thể không làm suy yếu tác động răn đe và doạ dẫm của Mỹ đối với Triều Tiên.
Thứ ba, chuyện vừa rồi ở Hawaii cho thấy cả trong liên lạc gữa chính quyền trung ương ở Washington và Hawaii cũng có vấn đề. Trong khi ở Hawaii người dân bị báo động thật thì tổng thống Mỹ Donald Trump và cộng sự lại cho rằng đấy chỉ là cuộc tập luyện nên không có phản ứng gì ngay lập tức, để rồi cuối cùng được biết là báo động nhầm.
Những kẽ hở về an ninh như thế thật có thể đưa lại những quyết định vô cùng nguy hại cho nước Mỹ và cả thế giới bên ngoài.
Thứ tư, chuyện vừa rồi ở Hawaii cho thấy cái hoảng loạn có thể nhanh chóng thế chỗ trạng thái yên bình như thế nào ở Mỹ. Và đi cùng với điều này là hiểm hoạ từ những quyết định vội vàng, dựa trên cơ sở thông tin không xác thực và áp lực không có nhiều thời gian để tỉnh táo suy ngẫm thấu đáo về đối phó và trả đũa, kể cả sử dụng đến vũ khí hạt nhân.
Thời cuộc đã làm cho chuyện vừa rồi ở Hawaii lẽ ra chỉ là chuyện đơn giản trở thành chuyện lớn.
Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.