Hậu xung đột biên giới, Ấn Độ tính lập liên minh đối phó Trung Quốc

Hồng Anh |

Đứng trước một Trung Quốc ngày càng được vũ trang tốt hơn, Ấn Độ đang tính đến việc mở rộng hợp tác quân sự với Mỹ và đồng minh của Washington.

Ấn Độ và Trung Quốc đã bắt đầu tiến trình rút quân một cách thận trọng tại một số địa điểm ở phía đông Ladakh, sau vụ đụng độ dữ dội tại khu vực biên giới ngày 15/6, gây nhiều thương vong cho binh sỹ của cả 2 nước.

Trung Quốc đang “mất” Ấn Độ

Vụ đụng độ này đã làm leo thang căng thẳng quan hệ giữa Bắc Kinh và New Dehli. Hai tuần sau đó, cả Ấn Độ và Trung Quốc đã điều thêm binh sỹ và tăng cường triển khai khí tài quân sự tại khu vực biên giới. Trong chuyến thăm bất ngờ tới Ladakh vào ngày 3/7, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố “kỷ nguyên của chủ nghĩa bành trướng đã chấm hết”.

Giới phân tích cho rằng, chuyến thăm của ông Modi tới khu vực tiền tuyến này nhằm gửi đi thông điệp sắc bén đến Trung Quốc, khẳng định Ấn Độ sẽ không nhượng bộ trong vấn đề chủ quyền. Về phía Trung Quốc, Bộ Ngoại giao nước này đã ra tuyên bố cảnh báo Ấn Độ không nên có “tính toán sai lầm về chiến lược”.

Trong lúc cuộc đàm phán giữa các chỉ huy quân sự không đạt được kết quả khả quan, sự can thiệp chính trị cấp cao, dưới dạng thức đàm phán giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval và Ngoại trưởng Trung QuốcVương Nghị đã giúp giảm căng thẳng. Mặc dù cả 2 bên đều nhắc lại cam kết “không cho phép bất đồng biến thành xung đột”, nhưng con đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn do sự thiếu chắc chắn trong thực hiện thỏa thuận vừa đạt được giữa hai quan chức cấp cao.

Cuộc đụng độ ngày 15/6 đã khiến cả Ấn Độ và Trung Quốc mất niềm tin vào nhau với tư cách là một “nhân tố đối thoại đáng tin cậy”, khiến hai bên phải xác định một khuôn khổ mới cho quan hệ song phương, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 đang gây ra cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng cho mỗi quốc gia.

Đã có nhiều lý do được đưa ra để giải thích tại sao cuộc đụng độ biên giới đẫm máu giữa Ấn Độ và Trung Quốc xảy ra, phá vỡ tinh thần của thỏa thuận biên giới năm 1993. Một số ý kiến cho rằng, điều này có thể bắt nguồn từ việc Ấn Độ tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng và kết nối tuyến đường bộ ở phía đông Ladakh – điều mà Trung Quốc luôn phản đối. Tiếp đến là việc New Dehli tước quy chế tự trị đối với bang Jammu và Kashmir, cải thiện quan hệ với Mỹ. Bất kể nguyên nhân nào đi chăng nữa thì vụ việc nói trên cũng khiến người ta liên tưởng đến chiến tranh biên giới Ấn Độ-Trung Quốc năm 1962.

Ông Uday Bhaskar – Giám đốc Hiệp hội nghiên cứu chính sách, tại New Dehli nhận xét, Chủ tịch Tập Cận Bình dường như đã đưa ra một tính toán chiến lược rằng Trung Quốc mới là bên quyết định sự thay đổi trạng thái của LAC và Ấn Độ không có bất cứ lựa chọn nào ngoài việc chấp nhận tuyên bố chủ quyền của nước láng giềng. Đồng thời Trung Quốc cũng tìm cách đẩy “trách nhiệm” của việc đưa ra “tính toán sai lầm” sang phía Ấn Độ.

Ở New Dehli từng có quan điểm cho rằng Trung Quốc đã “để mất” Ấn Độ do những hành động “thiếu suy nghĩ” ở thung lũng Galwan và lợi ích ngắn hạn mà Bắc Kinh đạt được tại LAC sẽ ảnh hưởng lâu dài đến vị thế của nước này.

“Sau vụ việc tại Glawan, giới tinh hoa của Ấn Độ dường như ngày càng khó tin tưởng Trung Quốc hơn. Họ cho rằng Bắc Kinh đã phá vỡ thỏa thuận kéo dài 4 thập kỷ và quan hệ giao thương tốt đẹp không có ích gì cho việc đảm bảo hòa bình”, ông Rajeswari Pillai Rajagopalan, chuyên gia thuộc Phòng Sáng kiến chính sách không gian và Hạt nhân của Tổ chức Nghiên cứu quan sát viên của New Delhi nhận định.

Ấn Độ có thể tạo ra liên minh chống Trung Quốc?

Theo giới phân tích, sẽ là kịch bản ác mộng đối với Trung Quốc khi rời xa Ấn Độ, trong lúc Bắc Kinh leo thang căng thẳng với Washington, hứng chịu nhiều chỉ trích liên quan đến chính sách ngoại giao, dịch bệnh Covid-19 và trong vấn đề Biển Đông. Mỹ đã điều 2 nhóm tác chiến tàu sân bay đến Biển Đông thách thức Trung Quốc. Đảng liên minh cầm quyền Nhật Bản cũng kêu gọi hủy chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi Luật an ninh quốc gia của Trung Quốc được áp dụng tại Hong Kong.

Ông Uday Bhaskar cho rằng, Trung Quốc có thể đối phó với sự phản kháng và phản đối về mặt ngoại giao trong thời gian ngắn, nhưng về lâu dài, điều này sẽ làm xói mòn mục tiêu của Bắc Kinh phấn đấu thành một cường quốc toàn cầu có trách nhiệm.

Hơn nữa, việc gây sức ép quá mức có thể đẩy Ấn Độ về phía Mỹ và các đồng minh, tạo ra một liên minh chống Trung Quốc. Đứng trước một Trung Quốc ngày càng “táo bạo” và được vũ trang tốt hơn, giới hoạch định chính sách Ấn Độ dường như đang tính đến bước đi mở rộng hợp tác quân sự với Mỹ và những nước có chung mối lo ngại về quyền lực của Bắc Kinh.

Ông Lin Minwang, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học Phúc Đán đánh giá, quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ đã phát triển lên cấp độ bán liên minh. Trong những năm gần đây, New Dehli đã ký một số thỏa thuận với Washington, trong đó có nhiều thỏa thuận quân sự quan trọng. Thủ tướng Modi cũng đưa ra kế hoạch về một “Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” để đảm bảo an ninh trên biển, tương tự như sáng kiến của Mỹ.

Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đang tìm cách củng cố sự hợp tác của nhóm "Bộ Tứ”. Bloomberg cho biết, Ấn Độ đang có kế hoạch mời Australia tham gia cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar cùng với Mỹ và Nhật Bản, trong một động thái có thể khiến Trung Quốc lo ngại. New Dehli dự kiến sẽ đưa ra lời mời chính thức vào tuần tới sau khi tham vấn với Mỹ và Nhật Bản.

Với việc Washington thể hiện sự sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia trong khu vực thông qua tăng cường triển khai lực lượng tại châu Á, và Trung Quốc gia tăng các hành động đe dọa an ninh, cuộc tập trận thường niên Malabar sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng vì nó giúp Ấn Độ gửi thông điệp cứng rắn đếnBắc Kinh, ông Rajagopalan đánh giá./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại