Đến Thái Lan nếu muốn trải nghiệm cảm giác khác bên ngoài thành phố Bangkok nhộn nhịp thì Chiang Mai chắc chắn là lựa chọn không tồi.
Nơi đây thu hút du khách khắp nơi ghé thăm bởi sự cổ kính, nhịp sống chậm rãi và nhất là cảnh đẹp thiên nhiên thơ mộng.
Chính vì những điểm hấp dẫn ấy nên Chiang Mai ngày càng nhận được nhiều sự hưởng ứng của du khách và từ đó các dịch vụ du lịch cũng nở rộ.
Tha Pae Gate là 1 trong những địa điểm hút khách ở Chiang Mai nhờ nét đẹp trộn lẫn giữa cổ điển và hiện đại, đặc biệt hơn cả là khu vực bức tường chụp ảnh cùng bồ câu vô cùng ảo diệu.
Được biết, đàn chim kia chính là "sản phẩm" của Noon, 30 tuổi, người phụ nữ thu phí 1 USD (khoảng 23 nghìn đồng) cho dịch vụ vẫy cờ làm các chú chim bay lên, phụ trợ cho nhiếp ảnh gia có được shot hình lung linh nhất.
Do đàn bồ câu được xem là chi tiết chủ chốt trong khung hình nên mọi người không ngần ngại bỏ tiền ra để hưởng dịch vụ của Noon, nhất là du khách người Trung Quốc.
Thu nhập trung bình 1 ngày của người phụ nữ này rơi vào khoảng 16 USD (khoảng 372 nghìn đồng), đủ để cô trang trải chi phí học tập của con gái. Đúng là đằng sau một bức ảnh đẹp chính là công sức của rất nhiều con người.
Đây không phải là lần đầu tiên người ta phát hiện ra những mánh lới chụp ảnh của dân "sống ảo". Cổng thiên đường ở đảo Bali (Indonesia) từng khiến dân mạng vô cùng mê mẩn bởi cảnh đẹp tựa chốn bồng lai tiên cảnh.
Thế nhưng, khi mọi người kéo nhau đến đây thì phát hiện ra sự thật phũ phàng rằng làm gì có thiên đường ở hạ giới, tất cả sự lung linh đều đến từ kỹ thuật chụp và chỉnh ảnh của nhiếp ảnh gia mà thôi.
Chính vì vậy nên mọi người cần hết sức tỉnh táo trước những bức ảnh sống ảo trên mạng để tránh gặp phải trường hợp "hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa".
Tất cả là nhờ vào kỹ thuật chụp và chỉnh ảnh của nhiếp ảnh gia.