img

Ngày 5/11/1996, tại cuộc họp lãnh đạo các bộ ngành về việc chuẩn bị đàm phán kinh tế - thương mại với Mỹ, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế đối ngoại khi đó là ông Trần Đức Lương chỉ vào ông Nguyễn Đình Lương, quyết đoán: "Tôi quyết định cử đồng chí Nguyễn Đình Lương làm trưởng đoàn để chuẩn bị!". Lúc đó, ông Lương có nhiều kinh nghiệm trong các cuộc đàm phán với các nước trong khối xã hội chủ nghĩa và một số nước tư bản.

Trái lại, Joseph Damond (Joe) nhận nhiệm vụ trưởng đoàn đàm phán phía Mỹ khi mới ngoài 30 tuổi. Lúc đó Joe đang làm việc ở Phòng Đại diện Thương mại Mỹ và phụ trách Đông Nam Á.

"Tôi bắt đầu công việc từ năm 1994, và đã làm việc nhiều với Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, hay Singapore. Năm 1995, Tổng thống Clinton tuyên bố muốn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, và lúc đó tôi đã ở vị trí thúc đẩy hoạt động thương mại", Joe nói.

Đồng thời, ở cùng thời điểm, Mỹ đang có một nhóm lớn khác thúc đẩy việc Trung Quốc gia nhập WTO. Rõ ràng ưu tiên lúc đó là Trung Quốc, và trách nhiệm đàm phán với Việt Nam được giao cho Joe.

Nhưng còn một lý do khác nữa. Như Joe từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2011, nếu sếp trực tiếp của Joe, người phụ trách cả khu vực Đông Á muốn nhận trọng trách này, hẳn đã không đến lượt ông. Nhưng sếp của Joe, một người thuộc thế hệ chiến tranh Việt Nam, nói với Joe rằng, ông muốn cứu đời mình, bằng cách không tham gia vào các việc liên quan đến Việt Nam. Và như vậy, Joe trở thành trưởng đoàn đàm phán của phía Mỹ.

"Tôi cho rằng có sự may mắn nhất định khi tôi đã ở đúng thời điểm và đúng chỗ", Joe nói với phóng viên Trí Thức Trẻ khi nhìn lại quyết định này sau hơn 20 năm.

Hậu trường đàm phán BTA với Mỹ và mong muốn Việt Nam sẽ trở thành con hổ châu Á - Ảnh 1.

Cũng chính từ sự khác biệt về tuổi đời, và từ lý do mà mỗi người được chọn để đảm nhiệm vị trí này, mà tâm thế của hai đối tác đến từ hai nước rất khác nhau.

Cựu trưởng đoàn đàm phán của Mỹ từng thừa nhận, với ông, mọi chuyện dễ dàng hơn.

"Thành thật mà nói, Việt Nam thực sự không phải là mối đe dọa đối với nền kinh tế Mỹ. Ý tôi là, tôi có nhiều sự linh hoạt hơn", Joe nói.

Trong khi đó, ông Lương biết BTA là một "cục xương" khó, nuốt không được, nhả không xong. Dù vào thời điểm đó, hai nước đã bình thường hóa quan hệ và nghĩ đến một BTA nhưng một số người Việt Nam vẫn có tâm lý coi sự kiện này là "đàm phán với kẻ thù".

"Cuộc chiến tranh mà Việt Nam đã trải qua quá khốc liệt, không có nơi nào không có đau thương. Tâm tư của người Việt lúc đó cho rằng đưa Mỹ vào là không chấp nhận được", ông Lương nhớ lại.

Nhưng cả hai nhà đàm phán đều gặp nhau tại một điểm. Đó là sự quan trọng của Hiệp định này.

Là một nhà đàm phán kỳ cựu, ông Lương hiểu rằng, lúc đó, cả thế giới bám vào thị trường Mỹ để phát triển. Năm 1979, Trung Quốc phải ký với Mỹ mới xuất khẩu được hàng vào Mỹ, từ đó có nguồn lực để thực hiện được 4 hiện đại hóa. Nhật, Hàn Quốc, Singapore đều phải dựa vào thị trường Mỹ. Rời Mỹ là đói. Hơn nữa rời Mỹ thì không vào được WTO vì WTO là luật Mỹ. Không có BTA thì không vào được WTO và hội nhập với thế giới, ông Lương nhấn mạnh.

Lúc đó, toàn cầu hoá mới đang bắt đầu, và đã có những sự thành công lớn ở châu Á. Đã có nhiều nước chuyển dịch từ thu nhập thấp lên thu nhập trung bình và sau đó là thu nhập cao. Bản thân trưởng đoàn đàm phán phía Mỹ lúc đó cho rằng, Việt Nam sẽ sớm trở thành một con hổ châu Á.

"Chúng tôi muốn Việt Nam mở cửa thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Nhưng điều quan trọng là phải biến điều này thành một thỏa thuận vững chắc", Joe lý giải cho quyết định hướng tới một BTA với Việt Nam của Mỹ.

Hậu trường đàm phán BTA với Mỹ và mong muốn Việt Nam sẽ trở thành con hổ châu Á - Ảnh 2.
Hậu trường đàm phán BTA với Mỹ và mong muốn Việt Nam sẽ trở thành con hổ châu Á - Ảnh 3.

Ở thời điểm bắt đầu cuộc đàm phán, giữa hai nước vẫn có quá nhiều điểm khác biệt và hoàn toàn không hiểu gì về nhau. Hai nhà đàm phán, với cả khoảng cách chênh lệch về thế hệ, lớn lên và được giáo dục trong hai hệ thống hoàn toàn khác nhau, đều xa lạ với hệ thống kinh tế của quốc gia đối tác.

Kể từ sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, Mỹ và Việt Nam thời điểm đó gần như không có quan hệ thương mại. Thị trường Mỹ cơ bản là đóng cửa với các công ty Việt Nam và ngược lại.

Chỉ đến năm 1995, Tổng thống Clinton quyết định rằng đã 20 năm trôi qua, và đã đến lúc phải thay đổi. Một thế hệ đã qua đi, và đây là lúc để bắt tay hợp tác với Việt Nam, giống như mọi quốc gia, để lại quá khứ đằng sau và hướng tới tương lai, Joe kể lại.

Với Joe, đó cũng là lý do tại sao một người trẻ như ông được giao nhiệm vụ làm trưởng đoàn đàm phán. Thông thường sẽ là những người có nhiều kinh nghiệm hơn, nhưng không ai vào lúc đó có kinh nghiệm về việc này.

Khi mới bắt đầu đàm phán, Joe nói ông đã tổ chức một cuộc họp gồm các chuyên gia trong chính phủ Mỹ để hỏi họ về cơ chế kinh tế của Việt Nam, nhưng không ai nắm được thông tin, ngay cả các giáo sư tại các trường đại học. Hơn 20 năm trước, chưa có mấy quan chức Mỹ tới Việt Nam.

"Tôi nghĩ rằng cả tôi và ông Lương đã ở trong tình huống khá tương đồng. Tôi không biết gì về Việt Nam, và phải tìm hiểu về mọi thứ. Bạn chỉ có thể tìm những quyển sách về lịch sử Việt Nam, về văn hoá hay chính trị, nhưng về kinh tế thì không", Joe nhớ lại.

Hậu trường đàm phán BTA với Mỹ và mong muốn Việt Nam sẽ trở thành con hổ châu Á - Ảnh 4.

Ông Joe Damond - Nguyên Trưởng đoàn đàm phán BTA của Mỹ Hoa Kỳ trả lời phỏng vấn. Ảnh: Chí Cường

Khi cuộc đàm phán bắt đầu những vòng đầu tiên, Joe gọi đây như những "buổi học".

"Chúng tôi đã cùng nhau học hỏi, và học hỏi từ nhau, khi cùng đặt câu hỏi và trả lời những thắc mắc từ mỗi bên. Có lẽ tôi và ông Lương đã học hỏi nhanh hơn. Và điều tiếp theo là cần thuyết phục mọi người vượt qua những khác biệt để thúc đẩy quá trình đàm phán.

Mỹ muốn Việt Nam mở cửa nền kinh tế cho các doanh nghiệp Mỹ, và Việt Nam cũng muốn điều tương tự, nhưng cụ thể làm sao để hiện thực hoá điều đó? Thỏa thuận nên bao gồm những lĩnh vực nào? Làm sao để mô tả chúng? Đó là những nội dung trong vài năm đàm phán đầu tiên, Joe mô tả.

Mặc dù cả hai cùng bước về phía nhau đầy thiện chí nhưng việc đàm phán không hề dễ dàng.

Joe chia sẻ, ông biết rằng đối tác của mình đã phải thuyết phục một số bộ phận ở Việt Nam lúc đó. Bởi thời điểm đó vẫn có những nghi ngờ rằng sau chiến tranh, người Mỹ muốn làm khó Việt Nam và muốn "thống trị" nền kinh tế Việt Nam.

"Thời điểm đó nhiều người Việt Nam cảm thấy lo lắng về việc mở cửa kinh tế. Họ lo rằng nền kinh tế sau đó sẽ bị kiểm soát, các công ty lớn của Mỹ sẽ gia nhập, chiếm lĩnh thị trường. Điều đó đã gây trở ngại trong quá trình đàm phán.

Nhưng quan điểm của tôi là chúng ta không có sự lựa chọn, hoặc đóng cửa hoặc mở cửa như thế giới đang làm. Các công ty Việt Nam cũng phải học để thích nghi. Và rõ ràng 20 năm sau, tôi nghĩ rằng đó là cách tiếp cận đúng đắn. Tôi luôn nói với các đồng nghiệp bên phía Việt Nam rằng cách duy nhất để các bạn trở nên cạnh tranh trên thị trường toàn cầu là phải mở cửa cho cạnh tranh từ bên ngoài", Joe nói.

Hậu trường đàm phán BTA với Mỹ và mong muốn Việt Nam sẽ trở thành con hổ châu Á - Ảnh 5.

Còn với cựu trưởng đoàn đàm phán Việt Nam, các nội dung của BTA cũng không hề đơn giản. Trước đây, khi đàm phán với Liên Xô, ông có thể chỉ cần 3 tiếng đồng hồ là có hiệp định, cả tiếng Việt cả tiếng Nga, nhưng làm BTA với Mỹ thì không thế.

"BTA là một thứ mới toanh!", ông Lương nói, dường như cảm xúc khi lần đầu "chạm" với một nền kinh tế thị trường vẫn chưa thể quên.

Đi tìm kiếm kinh nghiệm từ những người đi trước, hay các nước bạn bè trong khối xã hội chủ nghĩa, kết quả đều không khả quan.

Đầu tiên, ông Lương vào Sài Gòn gặp những người trước đây từng làm việc hoặc học ở Mỹ, trong đó có giáo sư Nguyễn Xuân Oánh, từng làm ở IMF hai nhiệm kỳ. Nhưng cũng không thu được kết quả gì. Thời họ học, chủ yếu là những năm 60 của thế kỷ trước, là GATT chứ không phải WTO.

"Khăn gói quả mướp" sang các nước bạn bè ở Đông Âu thì có Ba Lan cũng vừa ký với Mỹ một BTA. Nhưng họ nói rằng đó thực ra chỉ là "passport" (hộ chiếu) để gia nhập EU và NATO thôi, nên Mỹ đưa ra cái gì, họ chấp nhận cái đó.

Đến Hungary, ông Lương gặp người bạn cũ đang là Trợ lý Bộ trưởng Thương mại đề nghị giúp đỡ. Vị Trợ lý Bộ trưởng nhận lời và hứa sẽ cử chuyên gia đàm phán quốc tế giỏi của Hungary sang giúp, chỉ cần Bộ Thương mại Việt Nam gửi thư chính thức xin một khoản tiền 300.000 USD để chi phí cho các chuyên gia.

Nhưng không may là khi về nước, còn đang bận lo xin chữ ký, dấu má thì ông Lương nghe tin đảng Dân chủ cầm quyền của Hungary đã mất quyền lãnh đạo và đảng Thanh niên lên thay.

Hậu trường đàm phán BTA với Mỹ và mong muốn Việt Nam sẽ trở thành con hổ châu Á - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Đình Lương - Nguyên Trưởng đoàn đàm phán BTA của Việt Nam trả lời phỏng vấn. Ảnh: Thanh Phạm

Ông Lương nghiên cứu tất cả các hiệp định Mỹ đã ký với các nước. Ông nói với Joe: "Kinh tế Việt Nam và kinh tế Trung Quốc cơ chế giống nhau, giờ ta lấy hiệp định của Mỹ ký với Trung Quốc năm 1979, trong đó chủ yếu là Mỹ dành tối huệ quốc cho Trung Quốc để bàn cho nhanh".

Đáp lại đề xuất này, Joe nói: "Ông đã thẳng thắn thì tôi cũng thẳng thắn. Mỹ coi hiệp định với Trung Quốc là một sai lầm ngu xuẩn (stupid mistake) của Mỹ. Kỳ này Mỹ và Trung Quốc đàm phán WTO, Mỹ sẽ sửa bằng được sai lầm đó".

Phía Mỹ gửi cho ông Lương một bản phác thảo hiệp định, ông trình lên cấp trên và nhận được phản hồi là những điều kiện này, phải 20 năm nữa Việt Nam mới đáp ứng được.

"Trao đổi với Joe, tôi biết là Joe buồn. Joe buồn, tôi cũng buồn. Việc đàm phán từ đó cứ dậm chân tại chỗ", ông Lương nói.

Sau khi nhiều phương án không thành, chính phủ Việt Nam đồng ý cho ông Lương thuê cả tư vấn Mỹ.

Nhưng Việt Nam lại không có kinh phí. Bà Ginny Foote, lúc đó là Chủ tịch Hội đồng thương mại Việt - Mỹ, đã xin tiền các tập đoàn Mỹ mời các giáo sư các trường Đại học Mỹ sang giảng bài về WTO và hội nhập và giới thiệu Dan Price - người từng có thời gian dài làm cho cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ, và quan trọng nhất là từng đàm phán BTA giữa Mỹ và Liên Xô - cho ông Lương. Chính Dan Price đã có đóng góp lớn cho bản thiết kế điều chỉnh của Việt Nam gửi cho phía Mỹ một năm sau đó.

Bên cạnh đó, tháng 4/1997, ông Lương tiếp cận được những nội dung mà Trung Quốc thảo luận với phía Mỹ về việc gia nhập WTO. Trong đó, Bắc Kinh đã mở cửa gần hết các lĩnh vực.

Sau khi đánh giá tình hình, ông Lương soạn một bản thảo mới. Tháng 5/1998, khi bản hiệp định do ông Lương viết lại được gửi đến Joe bằng máy fax, nút thắt mới được gỡ và cuộc đàm phán mới đi vào thực chất.

Hậu trường đàm phán BTA với Mỹ và mong muốn Việt Nam sẽ trở thành con hổ châu Á - Ảnh 7.

Sau nhiều năm đàm phán, năm 1999, cả hai nước đã ở rất gần một hiệp định.

Vòng đàm phán cam go nhất ở thời điểm năm 1999 tại Hà Nội, hai nước đã đạt được thoả thuận về mặt nguyên tắc, nhưng còn khoảng 11-12 điểm chưa thống nhất. Có rất nhiều vấn đề mà ông Lương chưa có được sự đồng thuận từ phía Việt Nam, Joe lý giải.

Hai người đã phải thức một hay hai đêm để thảo luận. Sau những đêm rất dài đó, ông Lương và Joe đã có thể hoàn thành hầu hết nội dung trong bản dự thảo hiệp định và tưởng chừng đã sẵn sàng ký vào đúng hội nghị cấp cao tại Auckland, New Zealand.

Joe chia sẻ ông đã nghĩ đến cảnh tượng Tổng thống Bill Clinton đứng đằng sau chứng kiến, còn ông lật giở từng trang hiệp định cho trưởng Đại diện Thương mại Mỹ ký, hoàn thành BTA với Việt Nam.

Nhưng năm đó, việc ký BTA đã không thành.

"Tôi thực sự thất vọng. Cả tôi và ông Lương đều nghĩ rằng chúng ta sẽ đạt được hiệp định. Cả hai bên đã rất nỗ lực để hoàn thành tất cả các chi tiết kỹ thuật, như tôi đã nói, đó là 130 trang văn bản, nhưng rồi không rõ hiệp định có được ký nữa hay không. Đó có lẽ là giai đoạn khó khăn nhất", Joe nhớ lại cảm xúc lúc đó.

Kết quả này làm cho kết quả mấy năm trời đàm phán gần như có thể sụp đổ. Thậm chí Joe đã nghĩ đến việc bắt đầu lại quá trình đàm phán 5 năm một lần nữa.

Hậu trường đàm phán BTA với Mỹ và mong muốn Việt Nam sẽ trở thành con hổ châu Á - Ảnh 8.

Phía Mỹ cương quyết không cho phép Joe liên lạc với ông Lương. Họ lo ngại rằng đó là một chiến thuật đàm phán nào đó của phía Việt Nam để đạt được một thỏa thuận tốt hơn. Họ nói với Joe: "Joe, anh không thể đến Việt Nam, anh không được tiếp xúc với ông Lương nữa".

Về phía Việt Nam, lúc đó đã có một tín hiệu tích cực. Chính phủ Việt Nam quyết định giao cho Phó Thủ tướng Vũ Khoan chịu trách nhiệm hoàn thành hiệp định.

Phía Mỹ rất tôn trọng ông Khoan. Họ biết ông là một nhà ngoại giao nghiêm túc, và phía Việt Nam sẽ không giao việc này cho ông nếu họ không nghiêm túc trong việc hoàn thành hiệp định. Đó là một tín hiệu tích cực giúp đưa thỏa thuận đi đúng hướng trở lại, Joe nói.

Đó là lý do vì sao ông Vũ Khoan đến Washington và cuối cùng hai nước đã ký hiệp định vào ngày 14/7/2000.

Hậu trường đàm phán BTA với Mỹ và mong muốn Việt Nam sẽ trở thành con hổ châu Á - Ảnh 9.

Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan và Đại diện thương mại Hoa Kỳ Charlene Barshefsky ký Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ vào tháng 7/2000 tại Thủ đô Washington D.C. Ảnh Lê Chi-TTXVN

Hậu trường đàm phán BTA với Mỹ và mong muốn Việt Nam sẽ trở thành con hổ châu Á - Ảnh 10.

Với Joe, đàm phán với một đối tác hoàn toàn khác biệt là những trải nghiệm bất ngờ. Nhưng điều khiến Joe bất ngờ nhất, đó là mối quan hệ cởi mở giữa hai người. Cuộc đàm phán đem lại cho cả Joe và ông Lương những người bạn vong niên thân thiết.

"Tôi hiểu rằng Mỹ và Việt Nam ngoài chuyện bình thường hóa quan hệ còn phải tính đến xây dựng quan hệ đối tác, quan hệ làm ăn lâu dài, muốn thế thì phải tin nhau", ông Lương lý giải về lòng tin mà hai người dành cho nhau.

"Khi có lòng tin rồi, mọi chuyện đều thuận lợi", ông Lương nói.

Hậu trường đàm phán BTA với Mỹ và mong muốn Việt Nam sẽ trở thành con hổ châu Á - Ảnh 11.

Đối diện với một đối tác mà chính Joe mô tả là khôn ngoan và cứng rắn, nhưng với Joe, cuộc đàm phán hoàn toàn không như một cuộc chiến, hay có tâm lý thù địch. "Mọi thứ diễn ra rất tự nhiên", Joe nói.

Joe từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2011 rằng, nếu không phải là ông Lương mà là một người khác, hoàn toàn có thể là một thái độ cố gắng áp đảo người đối diện, nhất là với một người còn trẻ như Joe, mới 33-34 tuổi.

"Ông Lương không hề "làm trò" (play game) trong khi đàm phán, mà rất thẳng thắn, và yêu cầu điều tương tự từ phía tôi, khi hai bên ngồi vào bàn đàm phán", Joe kể lại.

Không phải lúc nào hai nhà đàm phán cũng đồng ý với nhau. Nhưng đàm phán là quá trình giải thích và tìm kiếm sự tin tưởng ở mỗi bên, thay vì đe doạ hay gây sức ép. Khi ông Lương nói rằng Việt Nam chưa sẵn sàng với điều khoản nào đó, thì hai bên sẽ thảo luận cần thời gian bao lâu để có thể thay đổi.

"Chúng tôi đã thực hiện quá trình đàm phán bằng cách tin tưởng và trung thực với nhau. Ông Lương cũng có lúc cứng rắn nhưng không phải là người áp đặt. Ông Lương là người có tầm nhìn và ông thấy rằng đây là con đường để Việt Nam phát triển kinh tế trong những thập kỷ tới", Joe nhận định.

Tương tự, mô tả về đối tác của mình, ông Nguyễn Đình Lương nói "Joe là một ‘anh luật sư’ giỏi, đứng đắn. Những đề xuất của Joe đưa ra đàng hoàng, nghiêm túc, mở lối thoát cho kinh tế Việt Nam".

Quan trọng nhất, theo ông Lương, đối tác của ông ở phía Mỹ là người hiểu Việt Nam, hiểu là Việt Nam đang trong thời kỳ chuyển đổi và mọi thay đổi đều cần thời gian. "Joe chân thành, thực sự muốn Việt Nam phát triển", ông Lương nói.

Nhắc lại về BTA giữa hai nước sau hơn 20 năm, Joe nói cả hai người đều hạnh phúc và tự hào về những gì đã đạt được. BTA giữa Mỹ và Việt Nam thực sự là một thỏa thuận toàn diện mở ra cho cả hai quốc gia.  "Vào khoảnh khắc khi chúng tôi thành công, ông Lương và tôi đã có thể lùi lại một bước và nhận ra, chúng tôi đã vun đắp một mối quan hệ vững mạnh và tình bạn là chìa khóa của điều đó", Joe chia sẻ.

Hậu trường đàm phán BTA với Mỹ và mong muốn Việt Nam sẽ trở thành con hổ châu Á - Ảnh 12.
Hậu trường đàm phán BTA với Mỹ và mong muốn Việt Nam sẽ trở thành con hổ châu Á - Ảnh 13.
Đoàn Lan Hương
Chí Cường, Thanh Phạm, Tuấn Mark, NVCC
Bạch Quả