Mặc dù ra sức phủ nhận trách nhiệm trong tấn thảm kịch S-200 bắn nhầm máy bay IL-20 của Nga, thế nhưng thái độ những ngày qua của Israel cho thấy chính quyền nước này hiểu được sự giận dữ của Moscow.
Bằng chứng là việc quốc gia này cầu thị trong việc điều tra nguyên nhân thảm kịch. Dẫu vậy, giới chuyên gia cho rằng sẽ rất khó khăn cho Tel-Aviv nếu muốn Moscow bỏ qua hoàn toàn "trách nhiệm" trong thảm kịch máy bay IL-20.
Bởi ngay sau vụ việc, Hải quân Nga đã triển khai 14 tàu chiến tham gia cuộc tập trận lớn trên Địa Trung Hải (kéo dài từ 19/9-26/9). Đáng chú ý, trong cuộc tập trận, Nga đã tiến hành thiết lập vùng cấm bay quanh không phận Israel từ vùng FL000 đến FL190.
Tuy nhiên, một cuộc tập trận xem ra là chưa đủ hình thành biện pháp răn đe, ngăn ngừa tái lặp hành động tương tự trong tương lai. Điều quan trọng ở đây, không chỉ là đề phòng hành động "láu cá" bên ngoài mà còn phải giúp đồng đội vững vàng hơn.
Dẫu sao, dù tiêm kích Israel có thực sự đã "đẩy chiếc IL-20 vào chỗ chết" hay không, nhưng nếu phòng không Syria không "hoảng hốt" ấn nút thì thảm kịch có lẽ đã không xảy ra.
Cho nên, để không tái lặp tình huống tương tự, một trong các biện pháp cấp bách nhất với Nga hiện nay là hỗ trợ các đồng nghiệp Syria "tiến bộ".
Quân đội Nga có thể đưa các chuyên gia tới đào tạo, thậm chí là huấn luyện nâng cao cho các sĩ quan binh sĩ Syria vận hành các hệ thống tên lửa phòng không. Và đây cũng là cơ hội để Moscow có thể xuất khẩu các hệ thống tên lửa tầm xa hiện đại như S-300 cho Syria.
Tên lửa phòng không 2K12 Kub (SA-6) đã "cũ mèm" của Syria.
Hiện nay, ngoài một số đơn vị trang bị các hệ thống tên lửa mới như Buk-M2E và Pantsir-S1, đa phần lực lượng phòng không Syria vẫn đang sử dụng các loại tên lửa lỗi thời như S-75 Dvina, S-125 Pechora, 2K12 Kub và S-200 Angara.
Thực ra, Moscow từng nhiều lần phát đi thông điệp trang bị cho Damascus hệ thống S-300.
Tuy nhiên, sức ép của các bên liên quan tới cuộc nội chiến Syria (Mỹ, Israel) đã buộc Nga phải "chùn bước".
Ví dụ như hồi tháng 4/2018 đã rộ lên thông tin Nga sẽ chuyển giao S-300 cho Syria nhưng Tổng thống Putin trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã phủ nhận việc này vào tháng 5.
Vì vậy, thảm kịch bắn nhầm lần này là một cơ hội không thể tốt hơn nếu Moscow thực sự muốn bán hệ thống S-300 cho Syria. Dĩ nhiên, Damascus từ nhiều năm nay vẫn mong muốn được sử dụng loại tên lửa cực kỳ hiện đại này.
Theo bản tin trên kênh Zvezda hồi tháng 4/2017, Nga muốn chuyển giao các hệ thống S-300PMU2 "Favorit" cho Syria. Đây cũng là phiên bản S-300 mà Nga đã bán cho Iran.
S-300PMU2 được thiết kế để bảo vệ các mục tiêu chính trị hành chính, kinh tế quân sự quan trọng trước các cuộc tiến công của không quân, tên lửa hành trình chiến lược và tên lửa đường đạn chiến thuật và chiến dịch-chiến thuật trong điều kiện có đối kháng chiến đấu và đối kháng điện tử.
Hệ thống S-300PMU2 có thể tác xạ đồng thời 6 mục tiêu, có thể dẫn đồng thời 12 quả tên lửa. Tầm bắn với mục tiêu khí động từ 3-200km , mục tiêu đường đạn từ 5-40km. Độ cao tiêu diệt mục tiêu khí động từ 10m tới 27km, mục tiêu đường đạn từ 2-25km.
Bản tin của truyền hình Nga khả năng Nga có thể chuyển giao S-300PMU2 cho Syria hồi tháng 4/2017