Hậu quả khủng khiếp nếu nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia phát nổ

Mai Trang |

Trong khi một vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia không phải là điều không thể xảy ra, các chuyên gia cho rằng mối lo ngại lớn nhất là rò rỉ phóng xạ có thể xảy ra do hậu quả của cuộc xung đột Nga – Ukraine.

Một binh sĩ đứng gác gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters

Một binh sĩ đứng gác gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã đưa ra cảnh báo về vụ pháo kích xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do Nga kiểm soát ở Ukraine, cho rằng tình hình hiện tại có nguy cơ dẫn đến “thảm họa hạt nhân”.

Cả Nga và Ukraine đều công khai cáo buộc nhau đã tấn công nhà máy. Trong khi đó, IAEA kêu gọi cả hai bên “kiềm chế tối đa” xung quanh khu vực này.

Tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là cơ sở lớn nhất ở châu Âu và là một trong số 10 nhà máy lớn nhất thế giới. Zaporizhzhia tạo ra 50% năng lượng có nguồn gốc từ hạt nhân của Ukraine. Nhà máy này có tổng công suất khoảng 6.000 MW, đủ cung cấp điện cho khoảng 4 triệu ngôi nhà.

Nhà máy Zaporizhzhia nằm ở bờ Nam sông Dnipro, gần thị trấn Enerhodar thuộc vùng Zaporizhzhia. Nhà máy cách thủ đô Kiev khoảng 550km về phía Đông Nam và cách Chernobyl khoảng 525km về phía Nam, nơi xảy ra sự cố hạt nhân tồi tệ nhất thế giới năm 1986.

Hiện tại, nhà máy do các nhân viên Ukraine vận hành nhưng do các đơn vị của quân đội Nga kiểm soát.

Theo IAEA, nhà máy Zaporizhzhia có tổng cộng 6 lò phản ứng hạt nhân, mỗi lò tạo ra 950 MW. Một MW sẽ cung cấp năng lượng cho 400-900 ngôi nhà trong một năm.

Hôm 9/8, công ty điều hành nhà máy điện hạt nhân của Ukraine Energoatom cho biết các lực lượng Nga đang chuẩn bị “kết nối nhà máy với lưới điện Crimea”.

Michael Black, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Hạt nhân tại Đại học Hoàng gia London, nói rằng mối lo ngại chính là việc kết nối nhà máy với lưới điện Crimea có thể làm gián đoạn nguồn điện ngoại vi cho các lò phản ứng.

Trong một cuộc phỏng vấn với AP vào tuần trước, Rafael Mariano Grossi, Tổng giám đốc của IAEA, mô tả tình hình hiện tại ở nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là “hoàn toàn mất kiểm soát”.

“Mọi nguyên tắc về an toàn hạt nhân tại nhà máy đã bị vi phạm. Điều này cực kỳ nghiêm trọng và nguy hiểm”, ông Grossi nói.

IAEA cũng cần thực hiện các cuộc kiểm tra rất quan trọng để đảm bảo rằng vật liệu hạt nhân đang được bảo vệ an toàn, “và có rất nhiều vật liệu hạt nhân ở đó cần được kiểm tra”, ông Grossi nói.

Liệu nhà máy Zaporizhzhia có thể phát nổ?

“Nếu nhiều yếu tố thảm khốc kết hợp với nhau, một vụ nổ có thể sẽ xảy ra. Rất khó để nói liệu điều này có xảy ra hay không và hậu quả của nó là gì. Nó phụ thuộc vào việc vụ nổ xảy ra như thế nào”, chuyên gia Ross Peel tại Đại học King's College London cho biết.

Giới chuyên gia lo ngại các vụ pháo kích xảy ra xung quanh cơ sở hạt nhân Zaporizhzhia có nguy cơ gây thiệt hại cho nhà máy, bao gồm cả các lò phản ứng.

“Các lò phản ứng hạt nhân cần được làm mát liên tục bằng nước. Nếu dòng nước bị cắt theo một cách nào đó, lò phản ứng có thể mất khả năng làm mát, nhiên liệu sẽ bắt đầu tan chảy. Điều này sẽ tạo ra áp lực lớn và mọi thứ có thể phát nổ”, Giáo sư MV Ramana về hạt nhân tại Đại học British Columbia giải thích.

Về hậu quả của một vụ nổ nhà máy điện hạt nhân, các chuyên gia cho rằng điều này sẽ gây ra các cuộc sơ tán trên diện rộng và tác động của rò rỉ phóng xạ có thể sẽ được cảm nhận trong nhiều năm tới.

“Hàng trăm nghìn người sẽ cố gắng chạy trốn khỏi khu vực xảy ra cháy nổ”, ông Ramana nói.

Một vụ nổ nhà máy điện hạt nhân cũng có thể gây ra một số căn bệnh do ngộ độc bức xạ cấp tính hoặc ung thư.

“Những người tiếp xúc với lượng phóng xạ không quá lớn vẫn có thể bị ngộ độc bức xạ cấp tính. Điều này xảy ra trong vài ngày đến vài tuần, thậm chí đến vài tháng. Đối với những người tiếp xúc với mức độ phóng xạ thấp hơn, có những trường hợp có thể bị ung thư trong những năm tiếp theo”, ông Ross nói thêm.

Những tình huống nào khác có thể xảy ra?

Bên cạnh kịch bản nổ lõi lò phản ứng hạt nhân, điều các chuyên gia lo ngại hơn là thiệt hại đối với các hệ thống làm mát bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng và các lò phản ứng.

Nếu việc làm mát không được thực hiện, điều này có thể khiến tích tụ nhiệt không kiểm soát, dẫn đến sự nóng chảy và hỏa hoạn cũng như phát tán bức xạ.

“Chúng tôi rất sợ phóng xạ. Phóng xạ xảy ra trong mọi trường hợp sẽ đều rất thảm khốc. Chúng tôi thực sự không biết ống khói chứa chất phóng xạ sẽ lan đến đâu.

Chất phóng xạ có thể di chuyển đến bất cứ đâu, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết”, Amelie Stoetzel, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại Đại học King’s College London, nói.

Do vị trí địa lý của nhà máy Zaporizhzhia, một lượng phóng xạ có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khu vực nào của châu Âu.

“Zaporizhzhia nằm ở giữa lục địa. Vì vậy, bất kể gió thổi theo hướng nào, vẫn sẽ có khu vực bị ô nhiễm”, ông Ramana nói.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng khó có thể đưa ra bất kỳ dự đoán nào trong giai đoạn này.

“Điều chắc chắn duy nhất mà chúng tôi biết là hoạt động quân sự xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia sẽ gây ra rủi ro. Điều đó sẽ diễn ra chính xác như thế nào là điều rất khó dự đoán”, ông Ross nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại