Hậu quả khôn lường nếu xảy ra chiến tranh lạnh Mỹ - Trung

Minh Lan |

Nếu Mỹ và Trung Quốc không thể giải quyết tranh chấp thương mại hiện nay một cách có trách nhiệm, thế giới sẽ phải trả giá lớn vì sự thất bại của họ.

Nếu Mỹ và Trung Quốc không thể giải quyết tranh chấp thương mại hiện nay một cách có trách nhiệm, thế giới sẽ phải trả giá lớn vì sự thất bại của họ.

Vài năm trước, với tư cách là một đại biểu của phương Tây tới thăm Trung Quốc, tôi từng gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân. Chia sẻ với chúng tôi, ông Tập lập luận rằng Trung Quốc sẽ trỗi dậy trong hòa bình, và rằng các quốc gia khác như Mỹ, không cần lo lắng về "bẫy Thucydides". "Bẫy Thucydides" được đặt tên theo tên gọi của một sử gia Hy Lạp từng ghi chép lại nỗi sợ của Sparta trước cuộc chiến không thể tránh khỏi giữa họ và người Athen.

Trong cuốn sách “Destined for War: Can America and China Escape Thucydides’s Trap?” được xuất bản vào năm 2017, tác giả Graham Allison của Đại học Harvard cũng ghi chép lại 16 cuộc tranh chấp giữa một thế lực đã xuất hiện từ lâu và một thế lực mới nổi. Ông nhận thấy rằng có 12 trong số 16 mâu thuẫn đó gây ra chiến tranh.

Vì vậy, khi nói là những lời đó, ông Tập rõ ràng muốn chúng tôi tập trung vào 4 trường hợp còn lại.

Dù có những nhận thức khác nhau về "bẫy Thucydides" và việc lịch sử không có tính quyết định, Trung Quốc và Mỹ dường như đang rơi vào tình thế tương tự. Cuộc chiến thương mại giữa 2 quốc gia vẫn chưa có hồi kết nhưng có thể sẽ chuyển thành chiến tranh lạnh.

Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc đã khiến tình hình trở nên căng thẳng như hiện nay. Kể từ khi tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001, Trung Quốc được hưởng lợi từ hệ thống giao thương và đầu tư toàn cầu nhưng lại không thực hiện các nghĩa vụ và tự do hóa nhiều khía cạnh.

Theo Mỹ, Trung Quốc hưởng lợi một cách không công bằng thông qua hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc, trợ cấp cho các công ty trong nước và sử dụng các công cụ khác của chủ nghĩa tư bản. Đồng thời, chính phủ Trung Quốc ngày càng trở nên độc đoán, biến nước này trở thành một quốc gia theo chủ nghĩa Orwell (ý chỉ sự lừa gạt công khai, theo dõi ngầm và thao túng quá khứ bởi nhà nước toàn trị).

Về phần mình, người Trung Quốc nghi ngờ rằng mục đích thực sự của Mỹ là ngăn họ lớn mạnh hơn nữa hoặc tăng sức mạnh cũng như sự ảnh hưởng của họ ra thế giới. Theo quan điểm của người Trung Quốc, việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này tìm cách mở rộng sự hiện diện trên trường quốc tế là điều hợp lý. Các lãnh đạo Trung Quốc cũng sẽ cho rằng cơ chế của họ đã giúp cải thiện phúc lợi của 1,4 tỷ người dân Trung Quốc, hơn nhiều với những gì mà hệ thống chính trị bế tắc của Mỹ có thể làm được.

Không cần biết lý luận bên nào thuyết phục hơn nhưng những căng thẳng liên quan tới kinh tế, thương mại, công nghệ và địa chính trị có lẽ là điều không thể tránh khỏi. Cuộc chiến thương mại giờ đây có thể sẽ gây ra sự thù địch nhau vĩnh viễn. Điều này được thể hiện trong Chiến lược An ninh Quốc gia của chính quyền Tổng thống Donald Trump, trong đó coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh của Mỹ trên mọi lĩnh vực.

Theo đó, Mỹ đang mạnh tay hạn chế dòng vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các lĩnh vực nhạy cảm, đồng thời theo đuổi các biện pháp nhằm đảm bảo sự thống trị của phương Tây trong các lĩnh vực chiến lược như trí tuệ nhân tạo và 5G. Washington nhấn mạnh với các đối tác và đồng minh về việc không tham gia vào Vành đai - Con đường, một trương trình lớn của Trung Quốc nhằm xây dựng các dự án hạ tầng trên khắp lục địa Á – Âu. Chính quyền của ông Trump cũng ra lệnh cho hải quân Mỹ tăng cường tuần tra tại vùng biển ở phía đông và nam Trung Quốc.

Hậu quả của một cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ đáng sợ hơn chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô ngày xưa. Bởi, Liên Xô khi đó là một cường quốc đang suy tàn với mô hình kinh tế thất bại, còn Trung Quốc ngày nay sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới và tiếp tục tăng trưởng hơn nữa. Hơn nữa, Mỹ và Liên Xô ít giao thương với nhau, trong khi Trung Quốc hoàn toàn tham gia vào hệ thống giao dịch và đầu tư toàn cầu, đặc biệt là với Mỹ.

Vì vậy, một cuộc chiến tranh lạnh toàn diện có thể gây ra tình trạng phi toàn cầu hóa hoặc ít nhất là phân chia thế giới thành hai khối kinh tế không tương xứng. Trong cả hai trường hợp, việc giao thương hàng hóa, dịch vụ, dòng vốn, lao động, công nghệ và dữ liệu sẽ bị hạn chế nghiêm trọng.

Thế giới kỹ thuật số sẽ trở thành “splinternet”, tức là hệ thống mạng của phương Tây và Trung Quốc không kết nối với nhau. Trong bối cảnh Mỹ đang áp lệnh trừng phạt đối với ZTE và Huawei, Trung Quốc sẽ nhanh chóng tìm cách để đảm bảo rằng các công ty công nghệ lớn có thể tìm được nguồn cung đầu vào ngay tại thị trường trong nước, hoặc ít nhất từ các đối tác thương mại không phụ thuộc vào Mỹ.

Trong thế giới bị chia rẽ như vậy, Trung Quốc và Mỹ đều hy vọng các quốc gia khác sẽ chọn một phe để ủng hộ. Tuy nhiên, chính phủ của hầu hết quốc gia sẽ muốn duy trì mối quan hệ kinh tế tốt đẹp với cả 2 quốc gia này.

Cuối cùng, nhiều đồng minh của Mỹ lại đang hợp tác về thương mại và đầu tư với Trung Quốc nhiều hơn với Mỹ. Tuy nhiên, trong một nền kinh tế tương lai, nơi Trung Quốc và Mỹ đều kiểm soát việc tiếp cận với các công nghệ quan trọng như trí tuệ nhân tạo và 5G, các quốc gia khác sẽ không thể giữ lập trường trung lập. Mọi người sẽ phải chọn một bên và thế giới sẽ bước vào giai đoạn phi toàn cầu hóa kéo dài.

Dù có chuyện gì xảy ra, quan hệ Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ là một vấn đề địa chính trị quan trọng của thế kỷ 21. Một số tranh chấp là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, lý tưởng nhất là cả 2 quốc gia sẽ cố gắng xây dựng quan hệ, mở đường hợp tác ở một số lĩnh vực và cạnh tranh lành mạnh. Nếu được, Mỹ và Trung Quốc sẽ tạo ra một trật tự thế giới mới dựa trên nhận thức rằng thế lực mới trỗi dậy cần phải được trao một vai trong trong việc hình thành quy tắc và thể chế toàn cầu.

Nếu quan hệ Mỹ - Trung đổ vỡ, tức là Mỹ cố gắng phá hoại sự phát triển của Trung Quốc và kìm hãm đà tăng trưởng của nước này, trong khi Trung Quốc vẫn tích cực tăng sức ảnh hưởng lên châu Á và toàn thế giới, một cuộc chiến tranh lạnh trên mọi phương diện sẽ xảy ra. Không loại trừ khả năng xảy ra một cuộc chiến “nóng”. Trong thế kỷ 21 này, "bẫy Thucydides" sẽ nuốt chửng không chỉ Mỹ và Trung Quốc, mà là cả thế giới.

* Bài viết thể hiện quan điểm của Nouriel Roubini, một giáo sư của Viện Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York và CEO của Roubini Macro Associates. Ông từng là nhà kinh tế học cấp cao của Viện Quan hệ quốc tế tại Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Hiện ông làm việc cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại