Hậu khủng hoảng S-400: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có phải đã thành "người của Nga trong NATO"?

Quốc Vinh |

Các chiến lược gia Lầu Năm Góc chắc chắn coi thỏa thuận S-400 là một phần trong kế hoạch của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm làm suy yếu NATO, và thương vụ này chắc chắn sẽ tăng cường ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông.

Trôi vào ảnh hưởng của Nga

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tham dự lễ khai mạc triển lãm hàng không quốc tế MAKS 2019 của Nga vào cuối tháng 8 vừa qua, với tư cách là khách mời của người đồng cấp Vladimir Putin.

Mặc dù là thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục trượt vào phạm vi ảnh hưởng của Điện Kremlin, được minh họa bằng các cân nhắc liên quan đến việc mua chiến đấu cơ Su-35 và Su-57 của Nga, trong lúc các lô hàng S-400 thứ hai vừa được chuyển giao – chuyên gia Aykan Erdemir từ Quỹ Bảo vệ Dân chủ viết trên Globalist.

Mặc dù vậy, chuyến thăm của ông Erdogan tới Moscow ít liên quan đến việc mua sắm vũ khí. Thay vào đó, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào tình trạng bế tắc và mong chờ một sự giúp đỡ của Tổng thống Putin trong việc ngăn chặn sự tiến công của lực lượng quân Chính phủ ở Idlib.

Gần đây, các lực lượng Chính phủ Syria đã bao vây một đài quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ ở Morek, phía Nam tỉnh Idlib. Trước đó, không quân Syria đã lần đầu tiên tấn công vào đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đang trong nỗ lực tiếp tế cho các vị trí bị bao vây.

Giữa cuộc đối đầu quân sự đó, Tổng thống Putin đã từ chối nhận cuộc gọi từ người đồng cấp Erdogan trong vài ngày.

Sau đó, Điện Kremlin đã thông báo cho Ankara, Tổng thống Nga có thể gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ tại triển lãm hàng không MAKS. Do đó, ưu tiên thực sự cho chuyến đi được sắp xếp vội vàng của ông Erdogan tới Moscow là ngăn chặn kịch bản các tiền đồn và binh sĩ khác của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib phải chịu số phận tương tự.

Trước cuộc họp tại Moscow, người phát ngôn của Tổng thống Putin khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ là "đối tác rất thân thiết", là "đồng minh của chúng tôi".

Tuy nhiên, tất cả những gì ông Erdogan có được trong chuyến thăm là những tiềm năng mới về hợp tác quốc phòng trong tương lai, trong khi không nhận được sự nhượng bộ nào về vấn đề Idlib.

Các lực lượng của Damascus không chỉ tiếp tục tiến công mà còn tung hỏa lực nhằm vào các mục tiêu gần một trạm quan sát khác của Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày hôm sau.

Người của Nga trong NATO?

Hậu khủng hoảng S-400: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có phải đã thành người của Nga trong NATO? - Ảnh 1.

Đợt giao hàng S-400 thứ hai tiếp tục khiến Mỹ nổi giận.

Việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục gần gũi với Tổng thống Nga đã thu hút sự chú ý của Quốc hội Mỹ. Chỉ vài giờ sau khi đợt giao hàng S-400 thứ hai xuất hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ và lời ám chỉ mua Su-57 tại MAKS 2019 của ông Erdogan, đã tiếp tục có những lời kêu gọi Tổng thống Donald Trump trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày hôm sau, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố rằng, trừ khi hệ thống S-400 bị loại bỏ hoàn toàn khỏi đất Thổ Nhĩ Kỳ, nếu không, Ankara sẽ không thể tham gia lại chương trình phát triển F-35.

Với hàng loạt những tình tiết mới bùng nổ liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ, giới phân tích cho rằng, Tổng thống Putin đang tiếp tục gặt hái lợi ích từ người đồng cấp Erdogan.

"Nếu Mỹ và các đồng minh xuyên Đại Tây Dương không chịu phát triển một chiến lược đối kháng phối hợp, Nga sẽ còn tiếp tục khai thác Erdogan – nhà lãnh đạo được coi là ‘người đàn ông của Nga trong NATO’", chuyên gia Erdemir ví von.

Đồng quan điểm, cây bút Neville Teller viết trên Israel Hayom đã mô tả hành động hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ không khác gì đưa người Nga vào trong nội bộ NATO.

"Các chiến lược gia Lầu Năm Góc chắc chắn coi thỏa thuận S-400 là một phần trong kế hoạch của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm làm suy yếu NATO, và thương vụ này chắc chắn sẽ tăng cường ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông", Teller nhận định.

"Mọi hoạt động trong tương lai của NATO sẽ phải tính đến sự hiện diện của hệ thống S-400 ở Thổ Nhĩ Kỳ - một tác động gây rối cho liên minh phương Tây rất đúng ý ông Putin".

Về mặt tích cực, thỏa thuận S-400 đã vạch ra một con đường mới, tích cực hơn, nhằm thay đổi sự đổ vỡ trong quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra vào năm 2015, khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay Nga ở biên giới phía Nam với Syria.

Nếu tranh chấp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ dẫn đến việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Ankara, đó sẽ là yếu tố làm căng thẳng mối quan hệ chặt chẽ và lâu dài giữa quân đội Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại