Đó là loại lụa có mặt gợn sóng, chìm nổi từng đường nét. Nắng sớm chiếu vào tấm áo thiên thanh làm nổi lên hoa lụa vàng óng.
8 giờ sáng, tiếng máy dệt đã vang khắp 7 tổ dân phố thuộc phường Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội). Nhiều chủ tiệm cũng bắt đầu mở cửa hàng và sắp xếp lại vị trí các cây lụa. Mai trắng, cánh chuồn là một vài mẫu hoa đang được ưa chuộng thời gian gần đây.
Lụa vân là sản phẩm đặc biệt của Vạn Phúc. Mặt lụa gợn sóng, chìm nổi từng đường nét. Nắng sớm chiếu vào tấm áo thiên thanh làm nổi lên hoa lụa vàng óng.
68 năm trước, cụ Đỗ Quang Vĩnh là học sinh trường trung học Chu Văn An. Để ghi danh vào trường công lập này, cụ phải vượt qua kỳ thi tuyển nghiêm ngặt. Chuyện học hành đã được quan tâm hơn từ khi gia đình trở nên khá giả với nghề lụa. Làng Vạn Phúc đã có người học ở ngôi trường phổ thông truyền thống bậc nhất Việt Nam. Và tình cờ, con đường từ nhà đến trường của học sinh Vĩnh cũng là hành trình lụa Hà Đông lên phố.
Lụa Hà Đông được bày bán trong các cửa hiệu ở Hàng Ngang, Hàng Đào. Đó cũng là tuyến phố giàu có, nức tiếng với những sản phẩm thời trang thượng hạng. Từng có thời, Hàng Đào được người Tây gọi bằng cái tên ngắn: "Rue de la soie" – Phố lụa.
Ở Vạn Phúc, mỗi hộ gia đình có một khung dệt, nhiều hơn thì 10 - 12 khung. Chân lật, tay giật là những động tác quen thuộc của người làng khi đó. Lụa hoa cần sự phối hợp giữa hai nghệ nhân. Người trên kéo, người dưới lao thoi... nhịp nhàng sớm hôm mới dệt ra vài mét. Không nhiều lụa hoa được sản xuất, lụa vân còn hiếm hơn. Phần lớn lụa xuất bán cho các nhà buôn Hàng Ngang, Hàng Đào là lụa trơn, mộc. Các chủ tiệm ở Hàng Ngang, Hàng Đào phải lo việc tẩy, nhuộm lụa Hà Đông trước khi bày bán.
Theo ông Vĩnh, nghề nhuộm phức tạp và không thể chỉ dựa vào ghi chép hay sách vở mà làm được. Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội khóa 3, ông Vĩnh có dịp được tham quan nhà máy tại Trung Quốc. Khu vực dệt được tự do tìm hiểu, còn cửa vào khu nhuộm bị đóng kín. Nhuộm như thế nào để không phai, tạo ra nhiều màu lụa,... là bí quyết riêng không ai muốn chia sẻ.
Khi xem hàng trơn trên phố tơ lụa, việc nhận biết lụa Hà Đông chỉ có thể thông qua sự nhạy cảm của bàn tay. Tấm hàng phải mỏng, nhẹ, sợi dệt không nhẽo, không xô, khoác lên người mà thêm được phần thanh nhã,... mới đích thực là sản phẩm của người Vạn Phúc. Bởi tấm lụa được dệt nên nhờ sự khéo léo của đôi bàn tay, thứ không thể bắt chước được.
Năm 1938, sản phẩm của một làng nghề nhỏ bé đã xuất hiện tại Đấu xảo Quốc tế Paris. Hai khung dệt nữa được mang sang để phục vụ việc trình diễn kỹ nghệ tại Pháp. Toàn bộ chi phí do chính quyền bảo hộ tài trợ. Nhiều hàng dệt nhận được sự quan tâm của khách tham quan và đã sớm bán hết. Thực tế đủ thuyết phục ban tổ chức trao danh hiệu "Sản phẩm đệ nhất vùng Đông Dương" cho người làng Vạn Phúc.
Trong hơn chục người tham dự Đấu xảo, có ba nghệ nhân Vạn Phúc ở lại Pháp. Họ muốn học tập kỹ thuật phương Tây để phát triển làng nghề: Nguyễn Văn Chính học kỹ thuật nhuộm; Nguyễn Văn Huy, Đỗ Đình Lương học về kỹ thuật dệt.
Trước đó nhiều năm, người làng bắt đầu chú ý đến hai loại máy mới xuất hiện ở nhà máy dệt Nam Định: Một là, máy cuốn vải; Hai là, máy Jacka với hệ thống 900 - 1.000 kim. Học hỏi từ máy móc Pháp, thợ trong làng đã nhanh chóng sản xuất rồi cung cấp cho các nhà.
Máy cuốn Tây có 5 bánh răng không thích hợp với khung cửi cổ. Sáng kiến được thợ làng đưa ra là cải tiến chúng thành vít vô tận. Khi lật vít đó thì trục cuốn chuyển động. Việc tự động cuốn vải vào giúp giảm thời gian đổ, cuốn, căng sợi mỗi khi dệt được vài mét lụa.
Máy Jacka thay thế thợ kéo sợi dọc và giúp nâng cao năng suất làm lụa hoa. Phục vụ cho việc này cần đến những người thiết kế mẫu. Họ sẽ vẽ lại các mẫu hoa truyền thống lên tấm giấy ô ly. Dựa theo bản vẽ này, nghệ nhân đục lỗ trên các tấm bìa. Nhiều tấm bìa được nối với nhau để thành bộ mẫu hoa. Để dệt nên 1 cm lụa hoa, máy Jacka phải đọc tới 50 bìa trong bộ mẫu.
"Đối với lụa vân, phải lắp thêm go võng để 2 sợi dọc bắt được với nhau. Lại có bộ mẫu hoa để điều khiển sợi vào vắt chéo với nhau. Các sợi vặn với nhau tạo nên "lỗ", sợi không vặn thị sắp xếp cạnh nhau bình thường. Mây trên lụa (lụa vân) được tạo nên nhờ sự sắp xếp các điểm vặn và không vặn" - nghệ nhân Đỗ Văn Hiển, cháu nội của cụ Đỗ Đình Lương, miêu tả cách làm bộ mẫu hoa.
Thay vì vẽ tay, giờ đây, nghệ nhân Đỗ Văn Hiển sử dụng máy tính để thiết kế hoa lụa. Phần mềm đục lỗ của Viện Kinh tế Kỹ thuật Dệt may cũng hỗ trợ ông trong việc tạo bộ mẫu. Khâu thiết kế và làm bộ mẫu hoa được rút ngắn xuống còn 5 ngày.
"Nếu dùng máy Jacka điện tử thì chỉ hơn 1 ngày là có thể ra vải. Nhưng với máy dệt công nghiệp, sợi thường đứt. Phải dệt bằng những máy đang thấy ở đây mới phù hợp. Vạn Phúc đã phối hợp được nhiều yếu tố để sản xuất lụa tơ tằm. Quan trọng là ở bộ hoa chứ không phải máy" – ông Đỗ Văn Hiển khẳng định.
Một máy Jacka bị hỏng khiến việc dệt bị ngưng trệ. Trong bộ quân phục, ông Phạm Khắc Hà vịn tay vào song cửa, bước lên cao để sửa chữa. Bà nhà cũng nhanh chóng kéo cầu dao điện. Bên cánh cửa dẫn xuống xưởng dệt, có một bức ảnh Đại đội U13 đặc công (Sư đoàn 305), chụp khi diễn ra chiến dịch Nguyễn Huệ (1972).
"Sau chiến tranh, tôi vẫn tiếp tục với nghề dệt. Nó là nghề chính của gia đình, làm từ ngày tôi còn nhỏ. Nghề cũng đã giúp gia đình tôi lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Đứa nào cũng tốt nghiệp đại học, trong khi nhà chỉ trông vào sản xuất tơ lụa" – nghệ nhân Phạm Khắc Hà chia sẻ.
Tơ lụa dệt xong sẽ được bán tại kiốt 5 khu "Trung tâm kinh doanh lụa Vạn Phúc chất lượng cao". Đó là cửa tiệm ông Hà may mắn "gắp phiếu" được cách đây vài năm. Nhiều hộ khác hội đủ nhiều tiêu chí ưu tiên nên được gắp phiếu nhiều lần. Còn hộ ông Hà chỉ được một lần duy nhất.
Yêu cầu bắt buộc đối với những hộ kinh doanh trong Trung tâm là phải bày bán sản phẩm địa phương. Ngoài vải và quần áo lụa, có thể nhập thêm các hàng thủ công của những làng nghề khác, nhưng tuyệt đối không được kinh doanh sản phẩm nước ngoài.
Vụ bê bối tơ lụa mang tên KhaiSilk đã khiến sản phẩm của Vạn Phúc bị nhiều người đặt dấu hỏi. Sự nghi ngại càng gia tăng khi các sản phẩm từ nhiều quốc gia khác cũng xuất hiện trên Phố Lụa. Nhiều buổi làm việc đã diễn ra giữa làng nghề và cơ quan chức năng. Kết luận cuối cùng khẳng định, sản phẩm bày bán trong Trung tâm hoàn toàn đáp ứng yêu cầu xuất xứ. Những tấm lụa ngoại chỉ có ở các cửa hàng bên ngoài, nhưng nguồn gốc cũng được người bán công khai.
Trên tay hai tấm lụa, ông Phạm Khắc Hà nhanh chóng nêu lên đặc điểm của từng loại: "Chỉ thoáng qua cũng có thể nhận ra hàng Trung Quốc, bởi lụa Vạn Phúc đều do nghệ nhân trong làng thiết kế hoa, nên nhìn là biết. Từ 2014, Cục Sở hữu trí tuệ cấp thương hiệu "Lụa Hà Đông" và dòng chữ này cũng được in lên biên vải. Ngoài ra, sản phẩm lụa Hà Đông được dệt hoa nên hai mặt vải đều như nhau. Một chiếc khăn có thể dùng cả hai mặt, khác hẳn các sản phẩm lụa in của KhaiSilk".
Sản lượng toàn làng năm 2017 ước đạt 1,5 triệu mét lụa các loại. 2 triệu mét là mục tiêu của năm 2018. Thách thức lớn nhất của làng không phải là số máy dệt cần mua thêm. Hiện tại, sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ không còn chặt chẽ như thuở lụa được mang lên Hàng Ngang, Hàng Đào. Một số nhà đã cạn vốn.
"Vạn Phúc cũng còn nhiều khó khăn về lao động, cách làm thủ công. Điều khó là các sản phẩm không thể đồng đều như nhau được. Chính vì vậy, sản phẩm lụa Vạn Phúc chỉ xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Còn sản xuất nhiều để xuất chính ngạch thì không. Họ biết là hàng thủ công nhưng vẫn cần đạt một tiêu chuẩn nào đó để sản phẩm đồng đều. Điều đó là không thể đối với Vạn Phúc" – Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc nói.
Theo Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam, chỉ một phần nhu cầu của khâu ươm của ngành dâu tằm tơ được đáp ứng, hàng nghìn tấn tơ phải nhập khẩu để làm gia công mỗi năm. Trong đó, Trung Quốc đang là địa chỉ cung cấp rất nhiều nguyên liệu và sản phẩm cho ngành dâu tằm tơ Việt Nam như trứng tằm, cây dâu, máy ươm tơ, tơ....
Năng suất cao cũng là lý do khiến nông dân Việt thích nuôi giống tằm từ Trung Quốc. Ngay tại địa phương có diện tích nuôi trồng lớn như tỉnh Lâm Đồng, giống tằm Trung Quốc cũng phổ biến. Đây là giống tằm lưỡng hệ, cho từ 750 – 800 mét tơ/kén. Trong khi đó, giống tằm đa hệ, cổ truyền từ xưa tới nay chỉ cho 280 – 300 mét tơ/kén.
Hiện tại, với 5.000 ha dâu tại Lâm Đồng thì ngay cả khi việc nuôi tằm hoàn toàn thuận lợi, số kén thu về cũng không đủ đáp ứng công suất của 40 dãy ươm tơ tự động đang có. Khi 2 nhà máy của Trung Quốc (đang xây dựng) đi vào hoạt động, nguồn nguyên liệu sẽ còn khan hiếm hơn và giá chắc chắn sẽ bị đẩy lên cao. Do đó, Hiệp hội dâu tằm tơ Việt Nam đã đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng quan tâm đến vùng nguyên liệu trước khi cấp phép kinh doanh cho doanh nghiệp ươm tơ.
Trong thời gian dài, hai mâu thuẫn cơ bản trong ngành dâu tằm tơ vẫn chưa được giải quyết: Một là, mâu thuẫn giữa nhu cầu tơ chất lượng cao phục vụ cho dệt lụa với khả năng cung cấp tơ chất lượng trung bình và thấp do điều kiện tự nhiên, trình độ kỹ thuật của người nuôi tằm cũng như công nghệ ươm tơ. Hai là, mâu thuẫn giữa tính chất sản xuất hàng hóa cao với tính chất sản xuất thủ công quy mô nhỏ.
"Với quỹ đất như hiện nay, việc xây dựng vùng chuyên canh rất khó. Chỉ có thể để người dân tự phát triển diện tích trồng dâu và kết hợp với nhà doanh nghiệp, nhà khoa học để đưa các giống dâu mới vô. Ngoài ra, cần tạo điều kiện để ngành dâu tằm tơ chủ động được trứng giống tằm lai lưỡng hệ phục vụ bà con nông dân... Thực sự, ngành dâu tằm tơ của Việt Nam đã chưa được đầu tư đồng bộ" – ông Đặng Vĩnh Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam nhận định.
Thực trạng diễn ra tại vùng sản xuất tơ tằm lớn nhất cả nước cũng khiến người làng Vạn Phúc quan ngại. Khi doanh nghiệp Trung Quốc khánh thành nhà máy tại Lâm Đồng, "chất Việt Nam" trong sản phẩm cổ truyền sẽ là vấn đề lớn hơn nhiều câu chuyện KhaiSilk bán lụa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc lo rằng, những bó tơ nguyên liệu từ Bảo Lộc sẽ sớm mang mác ngoại. Điều này ảnh hưởng đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm lụa tơ tằm Vạn Phúc. Bên cạnh đó, ông cũng quan tâm đến vấn đề tài chính khi giá tơ có thể bị đẩy lên cao do tranh mua nguyên liệu kén. "Hiện tại, chưa thể biết được sau Tết sẽ như thế nào" – Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc chia sẻ.
Ở xưởng dệt của nghệ nhân Đỗ Văn Hiển, con trai ông đặt từng tấm bìa vào máy đục. Hưng (con trai ông) đang sao lưu lại các bộ mẫu hoa do nhà làm. Một vài bộ như vậy đã được chuyển vào nam cho các cơ sở khác sử dụng. Hàng chục năm qua, vẫn chưa có bộ mẫu hoa nào được đăng ký bản quyền.
Tại tiệm nhà ông Phạm Khắc Hà, một số hàng lụa vẽ hoa được bày bán. Phạm Khắc Hiếu, con trai ông Hà cho biết, đây là sản phẩm sẽ được gia đình quan tâm đầu tư thêm. Hoa vẽ nhiều màu sắc và dễ sáng tạo hơn so với việc sử dụng bộ mẫu để dệt hoa trên lụa. Nhu cầu khách hàng được đáp ứng kịp thời trong khi việc dệt lụa trơn cũng tốn ít thời gian hơn.
Nghề dệt lụa đã không đủ sức lôi cuốn lớp trẻ. Hiếu và Hưng cũng chỉ là số ít người mới vào nghề ở làng. Cách đây hai năm, Hiếu là một kỹ sư xây dựng, còn Hưng mới tốt nghiệp chuyên ngành tài chính – ngân hàng. Có nhiều lựa chọn tốt khiến những người khác không tiếp nối nghề truyền thống.
Cụ Đỗ Quang Vĩnh vẫn nhớ thuở còn là học sinh trung học Chu Văn An. Một phần bảng luôn luôn được dành để ghi dàn bài. Đó là nội dung cốt lõi của bài học mà giáo viên nào cũng muốn học sinh hiểu. Đó cũng là thời gian lụa Hà Đông được chở lên phố, theo những thương nhân Hàng Ngang, Hàng Đào đến đất Hồng Kông, Nhật Bản, Pháp,...
Sau gần một thế kỷ, "Rue de la soie" vẫn tấp nập. Nhưng trong những ngôi nhà ống kéo dài đến phía chợ Đồng Xuân, người ta sẽ không tìm thấy tấm lụa mộc, chưa qua tẩy nhuộm từ Hà Đông. Giờ đây, Phố Lụa là tên con đường nhỏ ở phường Vạn Phúc. Tơ lụa nhập khẩu cũng được bày bán giữa làng lụa danh tiếng đất Việt.
Có một chữ "nhưng" rất oan nghiệt đang đeo đuổi ngành dâu tằm, tơ lụa Việt Nam. Theo nhà thiết kế Minh Hạnh, lụa Việt Nam vẫn được những thương hiệu nổi tiếng bậc nhất thế giới đặt hàng. Nhưng không bao giờ chúng ta có thể tìm được những tấm lụa óng ả với dòng chữ "Made in Vietnam".
"Rất nhiều người đã nhìn lụa Việt Nam đúng với hình ảnh ‘thằng bán tơ’ trong Truyện Kiều. Đó không phải là chân dung lụa Việt Nam ngày hôm nay!" – nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ.