Hậu duệ các anh hùng Tam Quốc và lý do "không thể ngóc đầu"

Trần Quỳnh |

Sinh ra trong những gia tộc quyền thế, nhưng con cái của các danh tướng Tam Quốc lại trở thành nỗi thất vọng đối với hậu thế vì những nguyên do dưới đây.

Phàm là người đã đọc qua "Tam Quốc diễn nghĩa", hẳn sẽ nghe tới câu: "Một Lữ hai Triệu ba Điển Vi, bốn Quan năm Mã sáu Trương Phi." Chỉ vẻn vẹn có 14 chữ, nhưng câu văn ấy đã điểm mặt, chỉ tên 7 danh tướng nổi danh nhất thời Tam Quốc.

Chỉ tiếc rằng, trong số những vị tướng tài ấy, người thì "tuyệt tự", người lại có những hậu duệ khiến cho gia tộc "không thể ngóc đầu lên nổi".

Ngán ngẩm "hậu duệ" của những vị tướng tài Tam Quốc

Sinh thời, Lữ Bố chỉ để lại duy nhất một người con gái có tên Lữ Linh Khởi. Với thân phận nữ nhi, Linh Khởi không thể kế nghiệp thanh danh, võ công của cha mình, mà chỉ trở thành một nước cờ để thông hôn trên bàn cờ chính trị của Lữ Bố.

"Võ thần" Triệu Vân có hai con trai là Triệu Thống và Triệu Quảng. Chính sử không ghi chép nhiều về con trưởng của ông. Riêng người con thứ thì trở thành thuộc cấp của Khương Duy và chết tại trận Đạp Trung.

Hy sinh để bảo vệ Tào Tháo, Điển Vi là người hiếm hoi khiến kẻ "gian hùng" nổi tiếng nhất Tam Quốc phải rơi nước mắt. Ông có một người con trai tên là Điển Mãn, được Tào Phi phong chức Đô úy. Nhân vật này không được chính sử ghi chép nhiều, cũng không có công trạng nổi bật.

Có nhiều hậu duệ hơn Điển Vi, nhưng số phận của hậu duệ Quan Vân Trường lại có kết cục không mấy khá khẩm.

Con trưởng Quan Bình theo Quan Vũ chinh chiến, bị Đông Ngô bắt giết cùng cha vào năm 219. Quan Hưng lớn lên tại Ích Châu, được Gia Cát Lượng yêu mến, phong làm Thị trung và Trung giám quân.

Con trưởng mất sớm, con thứ lại theo nghiệp quan văn, võ công của Vân Trường chẳng còn người kế nghiệp. Quan Bình chết trận, Quan Hưng cũng chỉ làm quan được một thời gian rồi qua đời sớm.

Hậu duệ các anh hùng Tam Quốc và lý do không thể ngóc đầu - Ảnh 1.

Những danh tướng Tam Quốc đều là những bậc "hổ phụ" nhưng lại không sinh được "hổ tử". (Ảnh minh họa: nguồn internet).

Theo các nguồn khảo cứu, Mã Siêu có hai người con trai. Trong số đó, con trưởng Mã Thu chết dưới tay Trương Lỗ, con thứ Mã Thừa lại không lập nên công trạng vẻ vang, ít được chính sử nhắc tới.

So với những danh tướng cùng thời, Trương Phi là người may mắn hơn cả.

Con trưởng Trương Bào là một viên tướng trẻ có tài, từng theo Lưu Bị đánh Đông Ngô, sau lại cùng Gia Cát Lượng bình định Nam Trung, đánh Tào Ngụy. Chỉ tiếc anh hùng thường đoản mệnh, Trương Bào chết trận khi tuổi đời còn trẻ, chưa lập được công trạng vẻ vang.

Con thứ của ông là Trương Thiệu từng làm quan tới chức Trung Thượng thư Bộc xạ, cũng có thể coi là đại thần có vai vế trong triều, nhưng vẫn thua xa so với sự nghiệp và danh tiếng lẫy lừng của phụ thân.

Điều gì đã khiến cho các danh tướng "khét tiếng" Tam Quốc lại có những hậu duệ xấu số, yếu kém, thậm chí khiến cho gia tộc "không thể ngóc đầu lên nổi" như vậy?

Cám cảnh hậu duệ của võ tướng làm… quan văn

Được hậu thế tôn xưng là "Võ thánh", nhưng tiếc rằng nghiệp võ của Quan Vân Trường lại không hề có người kế nghiệp.

Con trưởng là võ tướng Quan Bình không may mất sớm, con thứ Quan Hưng lại trở thành quan văn, nghiệp nhà binh của gia tộc họ Quan nổi danh Tam Quốc cũng vì vậy mà "đứt gánh giữa đường".

Hậu duệ các anh hùng Tam Quốc và lý do không thể ngóc đầu - Ảnh 2.

Nghiệp binh gia của "võ thánh" Quan Vũ không có người thừa kế ngay cả khi ông có tới hai người con. (Ảnh: nguồn internet).

Có thể dễ dàng nhận thấy, những hậu duệ của các võ tướng Tam Quốc như Quan Bình, Mã Thu, Trương Bào đều hi sinh trên trận mạc khi tuổi đời còn rất trẻ.

Phàm là những bậc làm cha mẹ, mấy ai muốn thấy con mình đói khát, bán mạng nơi sa trường hay phải chịu cảnh "da ngựa bọc thây".

Thấu hiểu được những rủi ro tứ phía trên chiến trường, các vị phu nhân của những danh tướng kia đều nỗ lực hướng con mình đi trên con đường ít chông gai hơn cha mình. Đó chính là con đường đọc sách, thi cử, trở thành văn nhân, trí thức.

Ngàn lẻ lý do khiến danh tướng Tam Quốc… "tuyệt tự"

Vào thời phong kiến, không có con trai nối dõi tông đường bị xem là điều "bất hạnh" của gia môn. Đối chiếu với cách hiểu này, một danh tướng như Lữ Bố vẫn bị coi anh hùng "bất hạnh".

Từ cổ chí kim, anh hùng tướng lĩnh trong thiên hạ "tuyệt tự" chủ yếu xuất phát từ các nguyên nhân chính dưới đây:

Thứ nhất: Nhân duyên trắc trở.

Tướng lĩnh thời loạn là những người quanh năm bận rộn việc quân chính, ngày ngày bôn ba nơi sa trường. Những người ấy bên cạnh thì bề bộn công vụ, bên trên lại phải lo toan cho quân chủ, được tiếng là "tướng" những vẫn mang phận tùy tùng.

Trong một môi trường làm việc với sức ép cao và tần suất nguy hiểm lớn như vậy, bản thân họ đều rất đỗi mệt mỏi. Bởi vậy, mỗi khi có thời gian, những tướng lĩnh ấy đều tranh thủ hưởng thụ, tìm mỹ nữ tâm sự, ca múa, bồi rượu.

Tiếc thay, những mối quan hệ "trai anh hùng – gái thuyền quyên" ấy chỉ như nước chảy mây trôi. Bởi vậy mà Cao Thích trong bài thơ "Yên ca hành" đã từng viết đôi câu:

"Chiến sĩ quân tiền bán tử sinh

Mỹ nhân trướng hạ do ca vũ."

(Chiến sĩ ra trận nửa tử nửa sinh,

Mỹ nhân dưới trướng còn ca vũ).

Phải chăng, nhân duyên trắc trở chính là lý do khiến một số ít những danh tướng thời xưa chịu cảnh "đơn côi lẻ bóng" đến nỗi không có nổi một hậu duệ?

Hậu duệ các anh hùng Tam Quốc và lý do không thể ngóc đầu - Ảnh 3.

Gia đình vừa là ước mong lại vừa là gánh nặng đối với những người tướng sĩ trong buổi loạn lạc.(Tranh minh họa).

Thứ hai: Gia thất chưa yên, mộ đã xanh cỏ

Những danh tướng thời xưa phần lớn đều là bậc anh hùng thời loạn, xuất thân áo vải. Vì thế, ngày ngày họ đều ra sức lập công, thi nhau liều chết để gây dựng được "sự nghiệp", có được thanh danh, tước vị..

Chỉ tiếc rằng, đa số những danh tướng ấy chưa kịp yên bề gia thất, chưa kịp hoàn thành đại nghiệp, thì đã vội trở thành những nấm mồ xanh cỏ, thứ để lại chỉ là tiếng tăm cho hậu thế mà thôi.

Nỗi niềm muôn thuở của "con ông cháu cha"

Không kể tới những trường hợp danh tướng không có con trai hoặc con trai mất sớm, đại bộ phận hậu duệ của các tướng lĩnh Tam Quốc đều "không thể ngóc đầu lên được" vì những lý do sau đây:

Đầu tiên, phải kể tới việc những người được coi là "con ông cháu cha" này không có nhiều tài, nhưng lại…lắm tật.

Sinh trưởng trong gia tộc có vai vế và thanh danh hiển hách, phần lớn tầng lớp con cháu này đều mang bản tính ngang ngược, việc lớn làm không thành, việc nhỏ lo không xong, nhanh chóng chìm vào xa hoa, trụy lạc.

Tiêu biểu phải kể tới Chu Dận – con trai của danh tướng khai quốc công thần nhà Đông Ngô là Chu Du.

Hậu duệ các anh hùng Tam Quốc và lý do không thể ngóc đầu - Ảnh 4.

Năm xưa, Chu Du nổi danh là một mãnh tướng oai phong, lẫm liệt, tài hoa, lễ độ, thậm chí từng đánh bại quân Tào trong trận đại chiến Xích Bích. (Tranh minh họa).

Vì con trưởng mất sớm, Chu Dận kế nghiệp thay cha, từng làm quan tới chức Đô úy, nắm trong tay ngàn binh, lại được liên hôn với hoàng thất. Sau khi Tôn Quyền xưng đế, Chu Dận được phong làm Hương hâu.

Nhưng chỉ một thời gian sau đó, ông bị giáng làm thứ dân và phải chuyển về Lư Lăng Quận chỉ vì ham mê tửu sắc.

Năm Xích Ô thứ hai, Gia Cát Cẩn và Chu Nhiên cầu xin Tôn Quyền phục chức cho Chu Dận. Hoàng đế lưỡng lự hồi lâu mới đồng ý. Chỉ tiếc rằng, thánh chỉ chưa tới nơi, Chu Dận đã chết bệnh ở Lư Lăng Quận.

Sự nghiệp lẫy lừng của Chu gia cũng vì thế mà tiêu tùng trong tay người con thứ này.

Bên cạnh đó, ta không thể không thừa nhận rằng vầng hào quang và thanh thế quá lớn từ các danh tướng lão làng ấy đã trở thành rào cản với chính những hậu duệ của họ.

Những người như Lữ Bố, Điển Vi, Quan Vũ, Trương Phi… kẻ hùng bá một phương, người giúp quân chủ lập nên đại nghiệp. Ngược lại, con cái của họ khi sinh ra đã qua buổi loạn li, đại cục đã định, ngay tới cơ hội lập công cũng rất ít ỏi, chẳng khác nào anh hùng không có đất dụng võ.

Cổ nhân Trung Hoa có câu: "Quân tử chi trạch, ngũ thế nhi trảm" (ơn trạch người quân tử, chỉ năm đời là dứt). Dân gian lại lưu truyền câu nói: "Ai giàu ba họ, ai khó ba đời".

Vậy nhưng, vầng hào quang chói lóa của các danh tướng Tam Quốc, lại dễ dàng bị dập tắt chỉ sau một thế hệ, khiến cho hậu thế không khỏi tiếc nuối.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại