Hậu "địa chấn chính trị", Nga có Thủ tướng mới: Bao nhiêu người Nga không đồng tình với đề xuất của TT Putin?

Hồng Anh |

Nước Nga và cả thế giới đều vô cùng bất ngờ trước cơn "địa chấn chính trị" ở nước này, tất cả bắt đầu từ những đề xuất trong Thông điệp Liên bang của Tổng thống Putin.

Thông thường, những tuyên bố lớn của chính phủ Nga thường sẽ được phát trên sóng truyền hình quốc gia trực tiếp hoặc gần như ngay lập tức, nhưng hôm thứ 4 (15/1) vừa qua là một ngoại lệ.

Hôm 15/1, Tổng thống Vladimir Putin đã đọc bản Thông điệp Liên bang trước Quốc hội Nga sớm hơn mọi năm, trong đó tập trung vào các vấn đề đối nội, đặc biệt là việc sửa đổi Hiến pháp để gia tăng quyền lực của Quốc hội. Không lâu sau đó, (cựu) Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cùng nội các chính phủ của ông đã bất ngờ tuyên bố từ chức.

Thế nhưng, theo CNN, phải mất 20 phút sau đó, kênh truyền hình Russia 24 (thường phát sóng các tin tức về chính phủ Nga) mới tạm dừng chương trình thảo luận về một đề xuất khác của Tổng thống Putin để thông báo về quyết định chấn động của chính phủ.

Đây chỉ là một trong nhiều dấu hiệu nhỏ cho thấy hầu hết tất cả mọi người đều vô cùng bất ngờ về quyết định từ chức của ông Medvedev và chính phủ của ông, một động thái được giải thích là nhằm mở lối cho Tổng thống Putin sửa đổi Hiến pháp.

Nói về động thái gần đây của vị Tổng thống Nga, truyền thông phương Tây cho rằng điều này nằm trong kế hoạch thâu tóm quyền lực của ông Putin. Nói đơn giản hơn, phương Tây tin rằng bằng cách hạn chế quyền lực của người kế nhiệm, ông Putin sẽ trở thành nhà lãnh đạo trọn đời của nước Nga sau năm 2024, khi nhiệm kỳ Tổng thống của ông kết thúc.

Chỉ trong vài giờ đồng hồ sau bài phát biểu Thông điệp Liên bang và sau tuyên bố chấn động của chính phủ Nga, ông Putin đã đề cử một gương mặt mới, ít người để ý để thay thế cho ông Medvedev. Đó là ông Mikhail Mishustin, người đứng đầu Cơ quan Thuế Liên bang Nga (tương đương cấp Bộ trưởng), một chuyên gia IT và có phong cách của một nhà kỹ trị.

Trước thời điểm được Tổng thống Putin đề cử với Quốc hội Nga, thông tin về ông Mishustin trên trang bách khoa toàn thư mở Wikipedia thậm chí còn chưa có phiên bản tiếng Anh.

Sau khi truyền thông Nga bắt nhịp, những lời khen ngợi dành cho ông Putin bắt đầu xuất hiện. Tổng biên tập hãng tin RT đã chia sẻ trên Twitter rằng bà đã nhận được những cuộc gọi bày tỏ sự kinh ngạc và cả sự hài lòng trước sự lựa chọn của nhà lãnh đạo Nga. "Tôi không nghĩ rằng ông Mishustin sẽ được đề cử, điều đó tuyệt vời đến khó tin. Đây là tất cả những gì chúng ta cần trong thời điểm hiện tại", họ đã nói như vậy.

Trong khi đó, vẫn còn một số báo khác nghi ngờ về những đề xuất của Tổng thống Putin trong bản Thông điệp Liên bang, nhất là khi chi tiết về những nội dung sửa đổi vẫn chưa được công bố.

Hậu địa chấn chính trị, Nga có Thủ tướng mới: Bao nhiêu người Nga không đồng tình với đề xuất của TT Putin? - Ảnh 2.

Tổng thống Vladimir Putin và tân Thủ tướng Mikhail Mishustin. Ảnh: Sputnik/Reuters

Người dân Nga nghĩ gì về cơn "địa chấn chính trị" ở nước này?

Theo khảo sát mới của Trung tâm Nghiên cứu quan điểm công chúng Nga (VTSIOM) với sự tham gia của hơn 1.600 người từ 80 vùng lãnh thổ của Nga, đa số những người được hỏi cho biết họ có "cảm xúc tích cực" sau khi xem/nghe Thông điệp Liên bang của Tổng thống Putin.

Trong đó, những cảm xúc tích cực bao gồm sự tôn trọng, hy vọng, tự hào, tin tưởng và niềm tin vào tương lai.

Cụ thể, những đề xuất được nhiều người tham gia khảo sát ủng hộ nhất liên quan tới lợi ích sát sườn họ là vấn đề nhân khẩu (44%), tiếp đến là giáo dục (15%) và thứ 3 mới là sửa đổi Hiến pháp (10%).

Khảo sát của VTSIOM cũng đã ghi nhận một bộ phận nhỏ những người được hỏi có ý kiến tiêu cực về một vài nội dung trong Thông điệp Liên bang của Tổng thống Putin, bao gồm: 3% không hài lòng về kế hoạch sửa đổi Hiến pháp, 1% không đồng tình với đề xuất gia tăng quyền lực của Quốc hội, và 0,5% phản đối đề xuất việc ưu tiên Hiến pháp Nga hơn luật pháp quốc tế.

Theo chuyên gia của VTSIOM, số người phản đối những đề xuất (nói chung) được ông Putin đưa ra trong Thông điệp Liên bang rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 2-4% dân số Nga.

Hãng tin CNN cũng đã tiến hành phỏng vấn một số cư dân Moskva về những biến động gần đây trên chính trường Nga, và kết quả cho thấy nhiều người dường như khá thờ ơ.

"Điều này quả thực rất bất ngờ đối với tôi, nhưng tôi cho rằng việc thi thoảng thay đổi chính phủ như vậy cũng là chuyện thường thôi. Tôi không biết liệu thay đổi này có giúp tình hình cải thiện không. Có khả năng là dù những gương mặt mới được bổ nhiệm nhưng chính sách nhìn chung sẽ không có thay đổi lớn", một người có tên là Lyudmila Petrova chia sẻ với CNN.

Một người đàn ông tên Igor yêu cầu giấu họ của mình cho biết: "Tôi chẳng biết gì về người vừa được đề cử làm Thủ tướng mới, không biết là ông ấy tốt hay không tốt".

Cơn "địa chấn chính trị" ngày 15/1 ở Nga đã xảy ra sau khi Tổng thống Putin phải đón nhận những thông tin không vui trong năm 2019. Đó là chuỗi ngày nhiều thành phố của Nga rung chuyển vì biểu tình, và chỉ số tín nhiệm của người dân đối với ông Putin sụt giảm - một phần vì kinh tế khó khăn và cải cách lương hưu khiến nhiều người bất mãn của ông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại