Đó là thông tin được chuyển tải trong một báo cáo nội bộ dài 29 trang của Lầu Năm Góc, theo hãng tin Sputnik News.
“Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ đã không chiến đấu với một kẻ thù có khả năng gây ra sự gián đoạn thảm khốc của chuỗi cung ứng quân sự cũng như triển khai nhân sự và vật liệu”, theo báo cáo của Ủy ban Khoa học Quốc phòng (DSB).
Do đó, công việc hậu cần của Lầu Năm Góc đã bị “bỏ bê” và “thiếu hụt kinh niên”, báo cáo lưu ý.
Báo cáo dẫn lời chủ tịch DSB Craig Fields nhận định nếu không trang bị các nguồn lực cho nhân viên quân sự, “sự phát triển các chiến thuật và công nghệ tiên tiến sẽ không có cơ hội để thể hiện vai trò quan trọng của chúng”.
“Lực lượng đặc nhiệm đã phát hiện những thiếu sót đáng kể mà nếu không được giải quyết sẽ gây nguy cơ cho khả năng của Mỹ trong việc phô diễn sức mạnh và cầm cự cuộc chiến chống lại một đối thủ chiến lược”, các tướng Mỹ đã nghỉ hưu Paul Kern và Duncan McNabb viết trong lời tựa.
“Các mạng quân sự và thương mại dễ bị do thám, thao túng và tấn công. Các giải pháp công nghệ đối với những vấn đề này đã hoặc sẽ có trong tương lai gần. Bộ phải nhanh chóng áp dụng chúng”, các tướng lĩnh nhấn mạnh.
Theo báo cáo, các thiếu sót bao gồm các ưu đãi không tương thích giữa quân đội và cơ sở công nghiệp và tình trạng thiếu hụt các cuộc tập trận thực tế có thể phản ánh chính xác những mối đe dọa và năng lực của công tác hậu cần, theo báo cáo.
Một lỗ hổng khác mà công tác hậu cần cần giải quyết đang hiện hữu ở các mạng thông tin hậu cần. “Các mạng hậu cần quân sự và thương mại đang có rủi ro cao”, báo cáo nêu rõ, đồng thời lưu ý rằng các đối thủ của Mỹ hiện đã “phá vỡ” những hệ thống thông tin hậu cần thương mại của nước này.
Các công nghệ như blockchain sẽ giúp ích cho những nỗ lực bảo vệ cũng như hiện đại hóa các hệ thống hậu cần của Mỹ, báo cáo cho biết.
Được công bố vào tháng 11-2018, báo cáo của DSB không cung cấp chi tiết về chi phí hiện đại hóa công tác hậu cần.