Trên chuyên mục hàng tuần của báo Telegraph, ông Johnson tuyên bố rằng nước Anh có thể sẽ thực thi một hệ thống thủ tục nhập cư đặc biệt, đồng thời đảm bảo Anh vẫn có thể tiếp cận với thị trường chung châu Âu trong tương lai.
Ông cũng đảm bảo rằng những người bỏ phiếu ủng hộ Anh ở lại EU rằng London sẽ tiếp tục củng cố quan hệ ngoại giao với EU và nhận định chiến thắng 52 – 48 của phe Brexit “không phải là một chiến thắng áp đảo”.
Thêm vào đó, ông Johnson cũng khẳng định rằng thay đổi duy nhất sau khi Anh rời EU đó là đất nước sẽ không phải chịu ảnh hưởng bởi những luật lệ “khác thường và thiếu minh bạch” của EU.
Ngoài ra, ông cũng phủ nhận việc Thủ tướng Scotland Nicola Sturgeon kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc độc lập khỏi Vương quốc Anh, bởi ông cảm thấy Scotland “không thực sự có ý định trên”.
Ông Johnson cũng tin rằng Anh giờ đây có thể có quan hệ tốt đẹp hơn với EU nhờ các hoạt động thương mại tự do.
Thị trưởng London cho biết ông mong muốn đoàn kết lại một nước Anh bị chia cắt về lòng người. Ông Johnson bộc bạch: “Đã có hơn 16 triệu người bỏ phiếu muốn Anh ở lại EU.
Họ là những người hàng xóm, anh và chị em trong một gia đình và họ đã làm điều mà họ tin là đúng. Trong chế độ dân chủ, đa số luôn đánh bại thiểu số, song mỗi người đều có quyền bình đẳng”.
“Chúng ta, những người đã thắng sít sao phải làm tất cả để những người bỏ phiếu ở lại EU có thể an tâm. Chúng ta phải xây dựng quan hệ và chủ động hóa giải những bất đồng giữa hai bên”, ông Johnson viết thêm.
Ông Johnson cũng tiết lộ viễn cảnh mà ông nhìn thấy ở Anh thời hậu Brexit. “Tôi phải nhấn mạnh rằng Anh là một phần của châu Âu, điều đó trước này vẫn sẽ không thay đổi”, ông viết.
“Châu Âu vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với Anh trên rất nhiều lĩnh vực, trong đó có nghệ thuật, khoa học, giáo dục đại học và cải thiện môi trường. Quyền lợi của người dân EU đang sinh sống tại Anh vẫn sẽ được bảo vệ, cũng như những người Anh đang sống tại EU.
Hai bên vẫn sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động thương mại tự do, và cánh cửa đầu tư vào thị trường chung châu Âu của các công ty Anh vẫn sẽ rộng mở”, ông nói thêm.
“Thay đổi duy nhất đó là Anh sẽ thoát khỏi hệ thống luật lệ khác thường và thiếu minh bạch của EU, những điều luật mà Tòa án Tối cao Châu Âu đã áp dụng mà các nước không có quyền phủ quyết.
Đây là một cơ hội bằng vàng cho Anh, khi chính phủ có thể thông qua những đạo luật và thiết lập mức thuế đúng với tình hình kinh tế ở Anh”.
“Chính phủ Anh sẽ có thể chủ động kiểm soát vấn đề nhập cư, với một hệ thống thủ tục đặc biệt phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp Anh. Một khoản tiền lớn trước đây sẽ được gửi tới Brussels giờ đây sẽ được dùng cho mục đích y tế.
Anh cũng sẽ có thể có những thỏa thuận tự do thương mại với những nền kinh tế phát triển trên thế giới, trước đây không thể xảy ra do Anh là một phần của EU”, ông Johnson kết luận.