Hậu bầu cử, nhóm cực đoan California kêu gọi tách khỏi nước Mỹ, trở thành quốc gia độc lập

Linh Nguyễn |

Chủ tịch chiến dịch kêu gọi ly khai"Calexit" cho rằng mối liên hệ chính trị - văn hóa giữa California và toàn thể nước Mỹ đang kìm hãm tiềm năng phát triển thực sự của California.

California phải ganh đua với các nước, chứ không phải với 49 bang còn lại của nước Mỹ

Một tổ chức chính trị cực đoan tại California bày tỏ mong muốn thoát khỏi nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của Donald Trump bằng cách rời khỏi nước Mỹ.

Chiến dịch Yes California Independence (tạm dịch: "Vì một California Độc lập" - PV) nhắm tới mục tiêu đưa ra dự luật trưng cầu dân ý chính thức vào năm 2018. Nếu được thông qua, dự luật này sẽ đưa bang California trở thành một đất nước riêng biệt.

Mặc dù nghe rất xa vời, bản kế hoạch khó tin này bắt đầu thu hút sự chú ý của dư luận sau kết quả bầu cử chấn động tối thứ Ba (08/11). Shervin Pishevar, một nhà đầu tư "thiên thần"(đây là thuật ngữ chỉ những cá nhân giàu có, cấp vốn cho một doanh nghiệp hoặc tổ chức, bù lại họ sẽ có quyền sở hữu một phần tổ chức đó - PV) nổi tiếng đã hứa hẹn sẽ rót khoản đầu tư kếch xù vào chiến dịch này.

Trong một thông cáo chính thức, chiến dịch Yes California khẳng định: "Với vai trò là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới, California sở hữu tiềm lực kinh tế mạnh hơn Pháp và còn đông dân hơn Ba Lan. Khi xét trên nhiều khía cạnh, California sánh vai và ganh đua trên tầm quốc gia, chứ không phải với 49 bang còn lại."

Louis Marinelli, nhà hoạt động chính trị thẳng thắn và là chủ tịch của Yes California, mường tượng California là một thể chế độc lập trong lãnh thổ Mỹ, giống như Scotland và Vương quốc Anh.

Không có hướng đi cụ thể cho việc California sẽ kiến nghị với chính phủ liên bang theo cách nào để ly khai. Hiến pháp Mỹ miêu tả quy trình để một bang tham gia vào liên bang, nhưng chưa có giao thức cho một quốc gia muốn phân tách.

Nhưng ông Marinelli đã tìm ra lối "đi đường vòng". Khả năng cao lối đi này sẽ là một dự luật được cử tri California thông qua.

Theo Los Angeles Times, vào năm 2015, ông Marinelli đã bỏ ra 1.800 USD để đưa 9 đề xuất ly khai vào một dự luật của toàn bang. Kết quả là chẳng có đề xuất nào nhận được đủ 400.000 chữ ký để xuất hiện trong dự luật. Vì vậy, Marinelli và những người chung chí hướng phải bắt đầu lại từ con số không.

Hậu bầu cử, nhóm cực đoan California kêu gọi tách khỏi nước Mỹ, trở thành quốc gia độc lập - Ảnh 1.

Dòng tweet của YesCalifornia khẳng định "California là một quốc gia, không phải một bang. Đây là chiến dịch giúp California ly khai và trở thành một nước độc lập." Ảnh: Twitter YC

Chiến dịch Yes California hiện nay đặt mục tiêu thu thập đủ chữ ký để đưa cuộc trưng cầu dân ý vào dự luật năm 2018, khi người dân California sẽ bầu chọn vị Thống đốc tiếp theo.

Hai lựa chọn

Nếu phần lớn người dân tuyên bố ủng hộ cuộc ly khai theo phong cách Brexit, chiến dịch sẽ đi theo một trong hai hướng dưới đây. Cả hai hướng này đều dựa vào một trường hợp được đưa ra trước Tòa án Tối cao Mỹ vào năm 1869 - Texas vs. White - có liên quan đến khả năng ly khai của một bang.

Theo một thông cáo từ Yes California, đây là hướng đi thứ nhất:

"Một thành viên của ủy ban đại diện liên bang California tại Washington sẽ kiến nghị Sửa đổi Hiến pháp Mỹ, cho phép bang California rút khỏi Liên bang. Sửa đổi này sẽ phải được 2/3 Hạ viện và 2/3 Thượng viện chấp thuận. Nếu Sửa đổi được thông qua, nó sẽ được gửi tới chính quyền 50 bang cân nhắc (nhằm thỏa mãn yêu cầu "được sự chấp thuận của các bang" trong vụ Texas vs. White).

Để được chấp nhận, Sửa đổi này sẽ phải được chính quyền của ít nhất 38 trên 50 bang thông qua.

Và dưới đây là hướng đi thứ hai:

"California có thể kêu gọi một buổi Đại hội nhóm họp toàn bang (đang được tổ chức nhằm mục đích giải quyết các sửa đổi hiến pháp khác ngay lúc này), và Sửa đổi cho phép California quyền độc lập sẽ phải được 2/3 ủy viên tham gia Đại hội ủng hộ.

Nếu được thông qua, Sửa đổi này sẽ được gửi tới chính quyền 50 bang để cân nhắc. Để được chấp nhận, Sửa đổi này sẽ phải được chính quyền của ít nhất 38 trên 50 bang thông qua.

Chưa có bang nào từng ly khai liên bang thành công, mặc dù Texas đã nỗ lực hết mình hồi đầu năm nay.

Eric McDaniel, trợ lý giáo sư Chính phủ thuộc Đại học Texas ở Austin (Texas) trả lời tờ Texas Tribune hồi tháng Sáu khi cơn khủng hoảng Brexit lên đến đỉnh điểm: "Cuộc nội chiến đóng vai trò rất lớn trong việc thiết lập quyền lực chính phủ liên bang, và quy định rằng chính phủ liên bang sẽ đưa ra quyết định cuối cùng trong những vấn đề như thế này."

Ông Marinelli thừa nhận rằng phía trước còn một chặng đường rất dài.

"Những sự kiện chính trị và văn hóa đang xảy ra tại Mỹ vô cùng khác biệt so với tình hình tại đây," ông Marinelli trả lời tờ LATimes vào năm 2015.

"Tôi muốn California được phát triển đúng tiềm năng, và tổ chức của chúng tôi cảm thấy mối liên kết chính trị - văn hóa với Mỹ đang kìm hãm điều đó."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại