Sau khi phân tích 21 nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện các phương pháp chế biến khác nhau ảnh hưởng tới hàm lượng chất chống oxy hóa, các hợp chất trong rau.
Mà những chất này vốn được chứng minh có thể giúp chống lại ung thư, bệnh tim mạch, tiểu đường, loãng xương và bệnh thoái hóa thần kinh.
Hầu hết các phương pháp nướng, luộc, nấu và nấu bằng lò vi sóng đều phá vỡ các “mô rau", phá hủy một số chất chống oxy hóa. Luộc có thể làm các chất oxy hóa bị mất đi bởi vì các hợp chất chống lại bệnh tật thường sẽ tan trong nước nóng.
Trong khi luộc rau làm giảm lượng polyphenol, một loại chất chống ôxy hóa giúp chống lại việc tạo lập các gốc tự do dư thừa trong cơ thể, lên tới 38% thì phương pháp hấp rau lại làm tăng hàm lượng polyphenol tới 52%.
Theo Tiến sỹ Elizabeth H. Jeffrey, chuyên gia ngành khoa học dinh dưỡng tại Trường Đại học Illinois (Mỹ), hấp có xu hướng làm tăng nồng độ polyphenol bởi quá trình làm nóng này rất nhẹ nhàng và không làm rau bị ngập trong nước.
Mức nhiệt nhẹ giải phóng một số polyphenol từ những liên kết ngăn cản cơ thể tiêu hóa chúng, đặc biệt là khi chúng ta ăn rau tươi.
Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là việc chế biến bằng lò vi sóng hoặc xào nấu là không tốt. Khi chế biến bằng cách như vậy thì lượng chất chống oxy hóa sẽ thấp hơn so với những món hấp.
Cho dù bạn nấu rau bằng phương pháp nào, chỉ cần đừng nấu quá chín bởi các nhà khoa học đã chứng minh, nấu rau quá lâu hay chế biến ở nhiệt độ quá cao có nguy cơ phá hủy nhiều chất chống oxy hóa.
Hãy để nồi rau ra khỏi bếp khi chúng vừa tới độ giòn. Bạn cũng có thể dùng dĩa xiên vào rau để chúng nhanh chín nhưng không nên thái nhỏ bởi sẽ làm mất đi các chất dinh dưỡng trong rau.
* Theo Prevention