Mặc dù được đánh giá là một vị quân chủ nổi danh với tài dùng binh, dùng người xuất sắc, thế nhưng Tào Tháo lúc sinh thời lại có một tật xấu để lại tai tiếng ngàn đời. Đó là thói phong lưu, háo sắc và sở thích cướp vợ thiên hạ.
Thế nhưng ngay cả khi sở hữu cả hậu cung đồ sộ với số lượng thê thiếp đông đảo thì vị quân chủ họ Tào ấy cho tới lúc qua đời vẫn khôn nguôi hối hận và nhung nhớ về một người phụ nữ.
Nhân vật đã để lại cho Tào Mạnh Đức nỗi nuối tiếc cả đời ấy chính là Đinh phu nhân – người vợ cả quyết tâm dứt áo gia đình khỏi Tào phủ năm nào.
Cuộc sống hôn nhân bất hạnh của người phụ nữ đầu tiên trở thành vợ Tào Tháo
Mặc dù là người vợ cả được Tào Tháo yêu chiều hết mực, nhưng cuộc sống hôn nhân của Đinh phu nhân lại phải trải qua hết bi kịch này đến bi kịch khác. (Ảnh minh họa).
Đinh phu nhân là chính thất của Tào Tháo – vị quân chủ đặt nền móng cơ sở hình thành cho nhà Tào Ngụy vào thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa.
Sinh thời, Tào Mạnh Đức vốn là người túc trí, đa mưu, nhưng lại sở hữu thói xấu là vô cùng háo sắc. Thậm chí vị quân chủ này còn có một sở thích không lấy gì làm vẻ vang, đó là thích chiếm đoạt thê thiếp của kẻ thù.
Cũng bởi vậy mà có ý kiến đã từng chỉ ra rằng, thói phong lưu, háo sắc khét tiếng chính là một trong số những rào cản khiến vị quân chủ túc trí đa mưu ấy có phấn đấu của đời vẫn chưa thể nhất thống thiên hạ.
Tuy nhiên dù người đẹp vây quanh nhiều không kể xiết, nhưng Tào Mạnh Đức lúc sinh thời vẫn kính trọng và yêu thương người chính thất họ Đinh hơn cả.
Những nguồn sử liệu còn lưu lại vốn không đề cập rõ Đinh phu nhân quê quán ở đâu, xuất thân trong gia cảnh thế nào. Mối tình của bà với Tào Tháo trước khi thành thân cũng không được ghi chép rõ ràng.
Thế nhưng thông qua một số chi tiết trong các tài liệu chính sử cùng nhiều giai thoại dân gian, có thể khẳng định rằng vị quân chủ phong lưu khét tiếng như Tào Tháo từng rất mực yêu thương người vợ cả của của mình.
Sự ân cần, chu đáo và hết lòng của người vợ cả họ Đinh đã khiến Tào Tháo vô cùng yêu thương, kính trọng bà. (Ảnh minh họa).
Năm xưa, Đinh phu nhân là người đầu tiên được Tào Tháo cưới về và cũng là vợ cả danh chính ngôn thuận của ông. Tương truyền rằng bà vốn là một người phụ nữ đảm đang, tháo vát, giỏi quán xuyến việc gia đình và quản lý mọi việc trong nhà đâu ra đó.
Vốn là một người phụ nữ sở hữu nhiều đức tính, lại theo trượng phu từ lúc đại nghiệp còn chưa thành, nên việc vị phu nhân này được chồng rất mực ưu ái, ngưỡng mộ và tin tưởng cũng là điều dễ hiểu.
Chỉ tiếc rằng dù đã thành thân với Tào Tháo đã lâu, nhưng Đinh phu nhân lại không thể sinh hạ con cái. Sau này người thị nữ theo hầu bà là Lưu thị đã sinh cho Tào Tháo hai người con trưởng. Đó là trưởng nam Tào Ngang và trưởng nữ Thanh Hà công chúa.
Vì Lưu thị không may qua đời sau khi sinh con gái, nên những người con đầu tiên của Tào Tháo đều do một tay Đinh thị chăm bẵm, dạy dỗ cẩn thận như con ruột.
Vốn phải chung sống với một người chồng khét tiếng phong lưu, lại không sinh hạ con cái, niềm an ủi duy nhất cho vị phu nhân ấy là những người con nuôi do chính mình chăm sóc. Cũng kể từ đó, người con trưởng Tào Ngang cũng trở thành niềm hy vọng lớn nhất của bà.
Mặc dù những vị công tử, tiểu thư ấy đã trở thành chỗ dựa giúp bà trụ vững trong hậu cung ngày càng đông đúc của Tào Tháo. Thế nhưng chính tình cảm mẹ con thắm thiết lại trở thành một trong những lý do khiến Đinh phu nhân lâm vào bi kịch sau này.
Hại chết con trưởng vì thói phong lưu, Tào Tháo tự tay đẩy vợ cả và đường cùng
Thói háo sắc và sở thích cướp vợ người cảu Tào Tháo thậm chí đã trở thành một "thương hiệu" không mấy vẻ vang cảu nhân vật lịch sử này. (Ảnh minh họa).
Tương truyền rằng, công tử Tào Ngang dưới sự dìu dắt và dạy dỗ của Đinh phu nhân đã trở thành một thiếu niên văn võ song toàn, 19 tuổi đã được phong làm Hiếu liêm và nhanh chóng có thanh thế trên chiến trường thời ấy.
Thế nhưng cổ nhân có câu "trời cao đố kỵ anh tài", Tào Ngang đã không may bỏ mạng trong một trận chiến không đáng có, mà nguyên nhân của trận chiến ấy lại có liên quan trực tiếp tới thói trăng hoa của người cha Tào Tháo.
Sử cũ ghi lại, vào năm Kiến An thứ hai, Tào Tháo xuất quân đi chinh phạt Trương Tú ở An Dương. Họ Trương này lúc đầu vốn đã đầu hàng, nhưng vì biết được chuyện Tào Tháo làm chuyện càn rỡ với chính người thím mình nên đã không chịu nổi nhục nhã mà đem quân đánh lén trong đêm.
Trận tập kích của Trương Tú khiến quân Tào không kịp trở tay. Hậu quả là trong lần đó, Tào Tháo vì mỹ nhân mà vuột mất một thành trì, hơn nữa còn mất đi viên hổ tướng Điển Vi, người cháu Tào An Dân và người con cả Tào Ngang.
Cũng trong lần ấy, Tào Tháo vốn đã bị trúng tên, may mắn có cưỡi ngựa Tuyệt Ảnh chạy nhanh nên mới thoát nạn. Tương truyền rằng, Tào Ngang khi đó bị trọng thương đến mức không thể cưỡi ngựa đã nhường lại con chiến mã này cho phụ thân mình chạy thoát trong lúc nguy cấp.
Cái chết của người con cả Tào Ngang đã trở thành nguyên nhân khiến mối quan hệ hôn nhân của Tào Tháo và Đinh thị xuất hiện rạn nứt không thể hàn gắn. (Ảnh minh họa).
Một thời gian sau, Tào Tháo một lần nữa đem quân tấn công Trương Tú và giành được thắng lợi. Thế nhưng khi đó vì muốn chiêu binh mãi mã đối đầu với Viên Thiệu, ông đã quyết định bỏ qua thù cũ, phong cho họ Trương làm Dương Vũ tướng quân, cũng nạp thím của Trương Tú làm thiếp.
Nếu cái chết của Tào Ngang đã khiến Đinh thị suy sụp, thì hành động này của Tào Tháo đã chạm tới ranh giới tình cảm cuối cùng của vị phu nhân này. Kết quả là trước mặt nhiều người, Đinh phu nhân đã phẫn uất mà chất vấn chồng mình:
"Ông hại chết Tào Ngang của ta, chẳng lẽ không có lấy nửa điểm hối hận, thương tiếc nó hay sao?".
Dù cho Tào Tháo có giải thích, thế nhưng trong mắt của người vợ cả khi đó, mọi lý lẽ của ông thực chất chỉ để biện bạch cho thói phong lưu mà thôi.
Tào Tháo trước giờ vốn giữ hình tượng uy nghiêm, bất luận là người thân hay quân sĩ đều phải tỏ ra cung kính. Thế nhưng vợ cả lại lớn tiếng mắng mình trước mặt người khác, điều này khiến ông cả giận, bèn sai thuộc hạ đuổi Đinh thị về nhà mẹ đẻ.
Bản thân vị quân chủ họ Tào ấy cũng không ngờ rằng, việc làm này đã trở thành quyết định khiến ông tới lúc chết vẫn không khỏi ân hận.
Kết cục không thể vãn hồi khiến Tào Mạnh Đức đến chết vẫn hối hận
Việc đuổi vợ cả về nhà mẹ đã trở thành một trong những quyết định khiến Tào Tháo tới lúc chết vẫn không khỏi nuối tiếc. (Ảnh minh họa).
Vốn nặng lòng với người vợ cả, Tào Tháo dự định chờ Đinh phu nhân hết giận mà hồi tâm chuyển ý. Trong suy nghĩ của ông, cảnh nghèo túng khó khăn ở nhà họ Đinh đâu thể bằng cuộc sống cơm áo không lo như ở Tào phủ.
Thế nhưng điều nằm ngoài dự đoán của Tào Tháo lại là, Đinh phu nhân ngay ở thời điểm rời đi đã quyết chí không bao giờ quay trở lại nơi này.
Trong suốt những ngày tháng về nhà mẹ đẻ, bà âm thầm sống trong cảnh thanh bần, ngày ngày chăm chỉ kéo lụa dệt vải. Tào Tháo dù nhiều lần phái sử giả tới tận nơi đón về, nhưng những người này thậm chí còn không thể bước qua cửa vào nhà họ Đinh.
Vì muốn đưa vợ cả trở về, vị quân chủ họ Tào ấy đã buộc phải xuống nước và tìm đến tận nhà mẹ vợ. Khi ông đến nơi, tất cả mọi người trong Đinh phủ đều vì kính sợ mà ra cúi chào, duy chỉ có Đinh phu nhân vẫn ở trong phòng dệt làm việc.
Tào Tháo thấy vợ không ra đón, liền tìm đến tận phòng. Theo ghi chép của "Ngụy lược", khi ở nơi này đối mặt với sự yên lặng và thờ ơ của Đinh phu nhân, vị quân chủ vốn nhìn thiên hạ bằng nửa con mắt ấy đã khép nép mà thỉnh cầu:
"Nàng hãy quay lại nhìn ta một chút, cùng ta quay về vương cung, có được không?".
Thế nhưng đúng như câu "hữu cầu vô ứng", Đinh thị chỉ dùng sự im lặng đáp lại lời thỉnh cầu của chồng mình.
Tào Tháo dần nhận ra sự cứng rắn và cương quyết của vợ, cũng hiểu ra rằng mọi chuyện không thể vãn hồi như xưa. Ông chỉ còn biết cất tiếng thở dài, đến bước chân cũng trở nên luống cuống, dồn dập hỏi Đinh thị hết câu này tới câu khác:
"Phu nhân, nàng quyết tâm đoạn tuyệt tình nghĩa phu thê với ta ư?".
"Nàng thực sự muốn như vậy hay sao?".
Sau nhiều câu hỏi không được đáp lại, Tào Tháo chỉ đành rời khỏi phòng và lên xe về phủ, mang theo nỗi day dứt tội lỗi cùng cảm giác tiếc nuối không nỡ rời xa.
Qua lần ấy, Tào Tháo đã quyết định để Đinh thị ở lại đó, còn cho bà tùy ý lấy người khác. Thế nhưng suốt quãng đời còn lại, Đinh phu nhân không hề tái giá và sống đến hết đời ở nhà mẹ đẻ.
Cuộc hôn nhân tan vỡ với người vợ cả Đinh thị đã trở thành một trong những điều hối tiếc hiếm hoi trong cuộc đời của vị quân chủ họ Tào ấy. (Ảnh minh họa).
Cũng theo ghi chép của Ngụy lược, dù cho Tào Mạnh Đức sau này có thê thiếp đầy đàn, nhưng cả đời vẫn khôn nguôi những hối hận, day dứt đối với người vợ cả.
Năm xưa khi lâm trọng bệnh và biết mình không thể qua khỏi, ông đã để lại một lời than đầy nuối tiếc:
"Ngẫm lại trong suốt cuộc đời ta, người khiến ta không nỡ rời xa nhất chính là Đinh phu nhân.
Ta đối với nàng không hề phụ bạc, chỉ là làm sai một điều khiến mọi thứ chẳng thể như xưa, khiến phu nhân và ta trở nên quyết liệt.
Nếu sau khi chết, quả thực có linh hồn, có một thế giới khác, nếu gặp lại Tử Tu (chỉ Tào Ngang), nó hỏi ta rằng ‘Mẹ con đâu rồi", ta biết trả lời làm sao đây…". (Trích Ngụy lược).
Có lẽ trong suốt cuộc đời của Tào Tháo, người phụ nữ duy nhất khiến vị quân chủ cả đời "thà phụ thiên hạ" đến lúc chết vẫn không khỏi hối hận, chỉ có một mình Đinh phu nhân mà thôi.
Về phần vị phu nhân họ Đinh ấy, có ý kiến cho rằng bà là một người phụ nữ cương nghị, bản lĩnh, có ý kiến cũng khẳng định bà chắc chắn còn tình cảm với Tào Tháo và cũng hiểu rõ hơn ai hết sự yêu thương, kính trọng mà chồng dành cho mình.
Chỉ tiếc rằng, Đinh phu nhân vĩnh viễn không thể quên được nỗi đau vì mất đi con cái cùng mối hận về thói phong lưu và việc làm vô tình vô nghĩa của chồng mình. Và có lẽ đây cũng chính là lý do khiến bà quyết "dứt áo ra đi" khỏi Tào phủ, chấp nhận sống đến cuối đời trong cảnh bần hàn, cô quạnh.
*Dịch từ báo nước ngoài.