Chị Tuyết chậm rãi kể, lần đó chị mới xin đi làm được một năm. Khoảng 12 giờ đêm, không còn bóng người qua lại trên phố, chị vẫn lúi húi quét đường. Bỗng một người đàn ông phóng từ con ngõ nhỏ gần đó tiến lại gần xe rác của chị cất tiếng gọi: “Em ơi”.
Chị Tuyết bên đồ nghề quen thuộc. Ảnh: Nhật Linh
Chị Tuyết rùng mình nhớ lại: "Theo phản xạ tôi quay ra thì thấy người đàn ông bảnh bao, mặc quần âu, áo sơ mi cắm thùng. Ông ta trông vô cùng lịch sự, đi chiếc xe máy super dream, loại xe thuộc hàng đẳng cấp thời điểm bấy giờ. Anh ta bất ngờ có những hành động khiếm nhã ngay trước mặt tôi".
Theo chị Tuyết, khi ấy, chị còn chưa lập gia đình, chứng kiến hành động bệnh hoạn của gã đàn ông ấy chị hốt hoảng vô cùng. Chị vứt cả đồ nghề, chạy một mạch về trụ sở mà vẫn chưa hoàn hồn.
Chị tâm sự: “Những chuyện như vậy không phải là hiếm. Đêm khuya, phụ nữ một thân một mình ở đường dễ trở thành đối tượng cho một số thành phần trêu chọc, gạ gẫm.
Tuy nhiên bản thân tôi cũng phải rèn cho mình một số kỹ năng tự vệ trong trường hợp khẩn cấp. Đặc biệt là số của công an phường và người thân luôn luôn cài ở chế độ sẵn sàng trong điện thoại. Có chuyện gì nguy hiểm tôi có thể gọi để được hỗ trợ kịp thời".
Vẫn theo lời chị Tuyết, cách đây vài năm một đồng nghiệp của chị khi đi làm đêm về đã từng bị cướp. Đối tượng là một nhóm thanh niên nghiện ngập.
Chị Tuyết cho biết, lần đó vào dịp Tết nên lượng rác thải ra nhiều, bạn chị kết thúc ca làm việc rất muộn. Khi đạp xe về, để đi tắt cho nhanh, chị này đạp xe băng qua khu vực bãi rác.
Nhóm nghiện thấy bạn chị đi một mình giữa khuya, chúng chặn xe lại, túm áo và giật luôn chiếc dây chuyền. Cú giật quá mạnh khiến chị bổ nhào xuống đất, ngã thâm tím mặt mày.
Thời khắc đó, chị lao công dù hoảng hốt, sợ hãi nhưng cũng phải tự trấn an bản thân phải bình tĩnh. Chị không giằng co với chúng tránh những nguy hiểm khác có thể xảy ra cho mình.
May mắn, nhóm nghiện lấy được dây chuyền xong thì bỏ đi, bạn chị Tuyết vừa đạp xe về nhà vừa run cầm cập. Dù mất tài sản nhưng chị vẫn mừng vì đã thoát được nguy hiểm.
“Gia đình chị ấy cũng khó khăn, sợi dây đó là món quà mẹ chị ấy tặng lúc lấy chồng...”, nghĩ đến người bạn của mình, chị Tuyết giọng nghẹn lại.
Sau sự việc của đồng nghiệp, chị Tuyết và các nữ công nhân trong tổ đều dặn lòng, khi đi một mình trong đêm phải tránh khu vực vắng người và tối tăm như khu bãi rác đó.
Tuy khó khăn, nhọc nhằn là vậy nhưng trong chặng đường hơn hai mươi năm gắn bó với nghề, chị Tuyết cũng từng trải qua những kỷ niệm ấm áp đến rung động lòng người.
Chị nhớ lại lần mình gặp tai nạn, được người dân tốt bụng giúp đỡ. Chị kể, cách đây chục năm, khoảng 11 giờ đêm, chị đang đẩy xe rác thì bị một người đi xe máy trong tình trạng say xỉn tông thẳng vào người chị từ phía sau.
Cú đâm mạnh khiến chị va vào xe rác, ngã vật ra đường, kẻ say kia cũng bất tỉnh. Chị đau nhưng đầu óc còn tỉnh táo, chị toan đứng dậy xem tình hình người đâm mình ra sao thì thấy đau nhói không đứng được.
Đau quá, chị Tuyết ngồi thụp xuống đất, mồ hôi túa ra như tắm dù tiết trời đang giữa mùa đông. Đêm đó, người qua lại vắng vẻ, thưa thớt nên chị không biết cầu cứu ai.
Lúc sau có vợ chồng anh xe ôm và vài người dân tốt bụng đi qua phát hiện, họ đưa chị và người say kia vào bệnh viện cấp cứu.
Thời đó, điện thoại di động còn rất hiếm nên chị không có điện thoại gọi cho chồng. Một người đi đường tốt bụng đã hỏi địa chỉ, tìm về tận nhà báo tin cho gia đình chị biết.
Ngoài ra, nhiều lần chị và các công nhân trong tổ đã kịp thời cứu người bị nạn. Gần đây nhất, vào dịp Tết Nguyên Đán, chị và các chị em trong tổ chuẩn bị tan ca thì chứng kiến chiếc xe máy đi ngược chiều đâm vào chị phụ nữ đi xe đạp. Hậu quả người phụ nữ đi xe đạp bị ngất còn người kia bị thương.
Chị Tuyết vội kêu các chị em trong tổ chạy lại đưa hai người bị nạn vào viện cấp cứu. Chị cắt cử một người ở lại trông xe và tài sản cho người bị nạn, còn mình và mọi người đưa nạn nhân vào viện.
Khi người phụ nữ tỉnh lại, chị lấy điện thoại thông báo cho người nhà đến. Tìm hiểu hoàn cảnh, biết người phụ nữ bị tai nạn có hoàn cảnh khó khăn, các chị đã tự động mỗi người đóng góp chút ít tiền ủng hộ họ đóng viện phí.
"Chúng tôi ai cũng nghèo nhưng thấy họ không may bị như vậy, cũng muốn giúp gì đó cho họ, trong lòng mới cảm thấy thanh thản được", chị bộc bạch.
Sau đó, các chị đợi đến khi người nhà họ vào, bàn giao tài sản, trao đổi tình hình người bị tai nạn mới yên tâm ra về.
Một tháng sau, chị gần như quên bẵng vụ tai nạn thì bất ngờ gia đình người phụ nữ đến cung đường xảy ra vụ tai nạn tìm chị.
"Họ tìm tôi chỉ để nói lời cảm ơn, sự ghi nhận của họ khiến chúng tôi thêm trân quý nghề mình đang làm", nữ lao công sinh năm 1975 mắt ánh lên niềm vui, hồ hởi nói.