Hành vi chống đối, cản trở và gây nguy hiểm cho Cảnh sát giao thông sẽ bị xử lý như thế nào?

T.Hà |

Bộ Công an mới đây đã trả lời thắc mắc của người dân về hành vi chống đối, cản trở và gây nguy hiểm cho Cảnh sát giao thông sẽ bị xử lý như thế nào.

Pháp luật hiện hành quy định xử lý thế nào hành vi chống đối CSGT?

Mới đây, công dân Phạm Hương Giang đã gửi câu hỏi về cho Bộ Công an như sau: "Thời gian gần đây, nhiều người dân đang có chất kích thích trong người như rượu, bia tham gia giao thông bị lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, kiểm soát, đo nồng độ cồn đã có những hành động không hợp tác, chống đối bất chấp gây nguy hiểm đến tính mạng của lực lượng Cảnh sát giao thông. Bộ Công an cho tôi hỏi, hành vi chống đối, cản trở và gây nguy hiểm cho lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ bị xử lý như thế nào?".

Trả lời vấn đề này, Bộ Công an cho biết:

Căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội (Hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ) hoặc xử lý hình sự theo quy định tại Điều 330 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội chống người thi hành công vụ.

Hành vi chống đối, cản trở và gây nguy hiểm cho Cảnh sát giao thông sẽ bị xử lý như thế nào?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản

Điều 21 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP:

Hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, giúp sức cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

2. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật;

b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;

c) Tổ chức, xúi giục, giúp sức, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

3. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ;

b) Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ;

c) Đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ.

Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015:

Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, mức cao nhất cho tội này có thể phạt tù lên đến 07 năm.

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới quy định thế nào?

Điều 72 của Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà Bộ Công an mới trình Quốc hội cũng có nội dung đề xuất về việc xử lý các trường hợp không tuân thủ yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của CSGT và có hành động cản trở, chống lại người thi hành công vụ.

Hành vi chống đối, cản trở và gây nguy hiểm cho Cảnh sát giao thông sẽ bị xử lý như thế nào?- Ảnh 2.

Ảnh minh họa. Nguồn: Bộ Công an

Các biện pháp được đề xuất bao gồm việc giải thích rõ ràng cho người vi phạm về hành vi của họ, quyền lợi và nghĩa vụ, thuyết phục họ chấm dứt vi phạm và tuân thủ kiểm tra, kiểm soát.

Trong trường hợp người vi phạm có hành vi chống lại người thi hành công vụ, dựa vào tình huống và mức độ nguy hiểm của hành vi, người thi hành công vụ có quyền sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí theo pháp luật để ngăn chặn hành vi vi phạm và bảo vệ hợp pháp.

Đối với những trường hợp người lái phương tiện giao thông đường bộ không tuân thủ tín hiệu dừng xe và bỏ chạy, người thi hành công vụ có quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý vi phạm.

Theo Bộ Công an, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong những năm qua tuy đã có những chuyển biến nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc, còn nhiều diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông.

Bộ Công an đánh giá, tình trạng ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến, văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém. Các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông đường bộ diễn biến phức tạp. Các vấn đề về an ninh như biểu tình trái pháp luật, tụ tập đông người trên đường bộ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; đảm bảo sự điều chỉnh sát thực tế về mặt pháp lý; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại