Câu chuyện thú vị về hành trình trưởng thành của những đứa trẻ được thể hiện qua những bước nhảy hiphop, dancesport, đương đại của các vũ công nhí - là chủ đề của vở đại vũ kịch "Qua nay mai" vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong 2 đêm 29 và 30/10. Chương trình thu hút sự quan tâm của không chỉ riêng khán giả có mặt tại Nhà hát Lớn mà ở rất nhiều diễn đàn nghệ thuật, đặc biệt ở lĩnh vực nhảy múa.
84 vũ công nhí tập luyện gần nửa năm trời
Vở đại vũ kịch "Qua nay mai" được chia thành 3 phần rõ rệt với câu chuyện dòng chảy thời gian xuyên suốt từ quá khứ, hiện tại tới tương lai. Phần 1 mang tên "Qua" khắc họa những kỷ niệm ấu thơ với hình ảnh đồng quê cùng những âm thanh quen thuộc như tiếng đùa vui của đám trẻ bên lũy tre làng. Bằng các thể loại nhảy street dance như Hiphop, Poping, Breaking dance kết hợp đương đại, các vũ công nhí đã tái hiện một cách sinh động các trích đoạn: Rối, Mưa, Câu cá, Trăng tròn, Trung thu Hà Nội, Đánh trận giả…
Cảnh trong vở đại vũ kịch "Qua nay mai".
Phần 2 "Nay" là không gian của hiện tại - nơi được xem là món quà cho mỗi chúng ta để có thể từ đó nhìn về quá khứ hoặc mơ về tương lai và trân trọng chính giây phút này. Phần diễn này bao gồm các trích đoạn: Thức giấc, Phố phường, Kỷ niệm, Thời học sinh và được thể hiện qua các thể loại nhảy Dancesport Latin như: Samba, Cha cha, Rumba, Jive, Paso Standard, Slow Waltz, Tango, Quickstep, Slow Foxtrot, Viennese Waltz mang hơi thở hiện đại.
Phần diễn cuối cùng mang tên " Mai" là những bức tranh trừu tượng nhưng tươi đẹp phản ánh ước vọng và sự tưởng tượng của mỗi người về tương lai. Bức tranh này được khắc họa qua các trích đoạn: Giấc mơ không có thật, Ra đồng không trung, Bong bóng, Sương khói ngũ mệnh, Qua – Nay – Mai. Đây là phần diễn quy tụ các thể loại nhảy: đương đại, dân gian đương đại, hiện đại kết hợp street dance trên nền nhạc hiện đại, viễn tưởng.
Sức hấp dẫn của vở đại vũ kịch " Qua nay mai" chính là những màn nhảy múa chuyên nghiệp từ các vũ công nhí với kịch bản lớp lang, chặt chẽ và đầy hứng thú. Với thời lượng 120 phút biểu diễn, vở đại vũ kịch quy tụ tới 84 vũ công nhí trải qua gần nửa năm tập luyện vất vả dưới sự đào tạo, dẫn dắt của vợ chồng nghệ sĩ Nguyễn Viết Thành và Chu Quỳnh Trang cùng đội ngũ biên đạo: Vũ Tùng Phương, Nguyễn Minh Cường, Trịnh Hoàng Khải...
Tái hiện vẻ đẹp của văn hóa truyền thống Việt qua nghệ thuật nhảy múa
Đặc biệt, yếu tố khiến "Qua nay mai" chinh phục công chúng đó chính là thông qua các loại hình nghệ thuật nhảy múa sôi động, vở vũ kịch đã tái hiện được vẻ đẹp kỳ vĩ của văn hóa truyền thống Việt, từ miền biển, nông thôn thanh bình đến những nét độc đáo của Hà Nội ba sáu phố phường… "Tôi muốn truyền đi cảm hứng yêu văn hóa truyền thống tới thế hệ trẻ thông qua các loại hình nhảy múa", nghệ sĩ Nguyễn Viết Thành (Thành Big Toe) cho biết.
Vẻ đẹp văn hóa Việt được tái hiện trên sân khấu vũ kịch.
Chỉ ra mắt khán giả duy nhất trong 2 đêm diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đại vũ kịch " Qua nay mai" kết thúc trong sự tiếc nuối của khán giả và các vũ công nhí. Đây là sân chơi hiếm hoi dành cho các vũ công nhí, nơi các em được thỏa sức sống với đam mê, được tìm hiểu sâu sắc về nghệ thuật nhảy múa, đồng thời được thể hiện bản thân, tiếp cận với một sân khấu chuyên nghiệp và có hành trình đầy cảm xúc, màu sắc trong tuổi thơ của mình.
"Để tập luyện cho một đêm diễn, các vũ công nhí phải mất rất nhiều thời gian. Chính vì vậy nếu thương mại hóa, diễn liên tục nhiều đêm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc học tập và cuộc sống của các con. Về phía khán giả, khi vở diễn có sự hạn chế về số lượng vé, đêm diễn sẽ tạo ra sự háo hức, chờ đợi và trân trọng. Cũng như một món ăn, dù ngon tới đâu nhưng nếu ăn nhiều cũng không còn hấp dẫn nữa. Quan trọng chúng tôi luôn muốn đem đến không gian nghệ thuật đặc sắc, mới lạ nhất cho khán giả và các vũ công nhí nên việc hạn chế số đêm diễn và số lượng vé là điều cần thiết", nghệ sĩ Chu Quỳnh Trang cho biết.