Cựu danh thủ Thể Công một đời ngang dọc và cái kết "Mình ngu thì mình chết thôi"

Vũ Mạnh Hải (Linh Đan thực hiện) |

Cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải từng một đời ngang dọc trong màu áo Thể Công, chinh phục vô số danh hiệu nhưng sự nghiệp HLV khép lại bằng tâm sự đầy cay đắng.

Trong làng bóng đá Việt, có lẽ Vũ Mạnh Hải là nhân vật đặc biệt bậc nhất. Có tìm mỏi mắt cũng chẳng kiếm được ai trải qua đủ các nghề nghiệp liên quan đến bóng đá như cựu danh thủ của Thể Công này.

Ông xuất thân là một cầu thủ, giải nghệ chuyển sang làm HLV rồi bất ngờ dấn thân vào con đường báo chí với tư cách một phóng viên; làm cán bộ Tổng cục TDTT, được biệt phái sang Liên đoàn bóng đá Việt Nam và sau đó trở thành Tổng biên tập, sáng lập ra tờ Báo Bóng đá.

Ông Hải tâm sự, câu chuyện cuộc đời mình gắn liền với bóng đá kể từ khi bước chân vào Thể Công ở tuổi 15 và rồi trái bóng cứ thế lăn theo những ngã rẽ chẳng ai ngờ tới trong suốt những năm tháng tiếp theo của đời người.

"Bị gãy chân thì con làm thế nào? Tốt nhất ở nhà đi học đi!"

Tôi vào Thể Công năm 15 tuổi. Ngày đó thi tuyển trên khắp miền Bắc, với một số địa phương trọng điểm như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa… Hồi xưa người ta mê danh tiếng Thể Công lắm, cầu thủ trẻ sau khi được chọn lọc ở các tỉnh thì đưa về Thể Công thi tuyển.

Quá trình này cũng phải mất từ 1 tuần đến nửa tháng, với việc sinh hoạt, tập luyện, thi đấu, kiểm tra các kĩ năng. Tính ra với quy mô toàn miền Bắc như thế, tỉ lệ chọi cũng phải vào cỡ 1/500.

Ngày đó vừa thi tuyển lại còn vừa phải tránh máy bay nữa. Chiến tranh mà. Vòng thi cuối cùng diễn ra ở trường Sỹ quan lục quân đóng ở Sơn Tây bây giờ. Sau nhiều vòng tuyển, từ số lượng lớn ban đầu rút gọn còn 300 người, rồi rút tiếp xuống 100 khi đến vòng cuối này, chia làm 3 đội Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng. Cả ba đội đá với nhau, HLV ở ngoài quan sát đánh giá.

Có điều ngày xin vào Thể Công, mẹ tôi không muốn cho đi. Hồi đó người ta không biết đá bóng rồi sau này sẽ thế nào, mẹ tôi ở nhà cũng nghĩ theo cái nghiệp bóng đá này cũng chẳng có tương lai. Thực tình không ai muốn cho con theo cái nghề này cả.

"Thế bây giờ vào sân đá mà chẳng may bị gãy chân thì con làm thế nào? Tốt hơn hết ở nhà đi học đi". Tôi vẫn nhớ mãi câu mẹ hỏi mình ngày đó. Nhưng bản tính mình mê bóng đá quá rồi nên cuối cùng mẹ cũng đành phải chịu.

Cựu danh thủ Thể Công một đời ngang dọc và cái kết Mình ngu thì mình chết thôi - Ảnh 2.

Ông Vũ Mạnh Hải (trái) trong trận Thể Công gặp ĐT Cuba vào ngày 2/9/1970 tại sân Hàng Đẫy. Thể Công giành chiến thắng chung cuộc với tỉ số 3-2.

Tôi nhập ngũ năm 1965, được huấn luyện kĩ thuật cơ bản, đến tháng 11/1967 bắt đầu sang Triều Tiên tập huấn và đúng 1 năm sau thì trở về. Điều đó cũng phù hợp với kế hoạch huấn luyện vì đến năm thứ 3 thì cầu thủ phải được thi đấu cọ xát nhiều.

Phải nói rằng chỉ ở đấy một năm nhưng tôi có rất nhiều tình cảm đối với đất nước Triều Tiên. Chúng tôi luôn nhớ và không bao giờ quên ơn những người đã giúp đỡ mình. Chính vì sự giúp đỡ ấy mà 26 cầu thủ Thể Công có điều kiện trưởng thành và đóng góp nhiều cho thể thao Việt Nam sau này.

Chuyến xe lửa vạn dặm và kì tập huấn "vô tiền khoáng hậu"

Chúng tôi sang Triều Tiên trong giai đoạn 1967 - 1968, lúc đất nước đang rơi vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất. Chính vì vậy, rất nhiều trung tâm, cơ sở thể thao đã phải giải tán.

Đối với CLB Thể Công thời đó, lúc đầu chúng tôi tập luyện trên mặt sân rộng, nhưng không an toàn vì nếu để máy bay Mỹ phát hiện sẽ dễ bị ném bom. Sau đó, đoàn Thể thao quân đội chỉ giữ lại 4 đội là bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ và đội thể dục dụng cụ.

Để phát triển và nâng cao trình độ cho các vận động viên, lãnh đạo của đoàn đã liên hệ đưa chúng tôi sang Triều Tiên tập huấn. Dựa trên quan hệ thân thiết giữa Việt Nam với Triều Tiên thời đó, khi lãnh đạo của đoàn đặt vấn đề phía bạn nhận lời ngay.

Sở dĩ thời điểm ấy các lãnh đạo chọn Triều Tiên để tập huấn bởi đây là quốc gia ở châu Á, lại có quan hệ tốt với Việt Nam. Cùng với đó về bóng đá, Triều Tiên cũng vừa lọt vào tứ kết World Cup 1966.

Triều Tiên nhận lời để các vận động viên Việt Nam tập huấn trong 3 năm và lãnh đạo đã quyết định để 4 đội của Đoàn thể thao quân đội lần lượt sang. Trong đó CLB Thể Công được sang trước và tập huấn ở đó một năm.

Cựu danh thủ Thể Công một đời ngang dọc và cái kết Mình ngu thì mình chết thôi - Ảnh 3.

Đội trẻ Thể Công chụp ảnh tại tượng Thiên lý mã, biểu tượng chiến thắng của Triều Tiên.

Đoàn chúng tôi gồm 30 người trong đó có 26 cầu thủ và 4 cán bộ. Trưởng đoàn là bác Ngô Xuân Quýnh, đoàn phó kiêm HLV trưởng là bác Nguyễn Văn Tiền. Chúng tôi đóng giả làm một đội công nhân và được xe tải đón ở làng Đại Từ (thuộc huyện Hoài Đức bây giờ).

Chuyến xe đã đưa chúng tôi đến Bằng Tường (Trung Quốc), tại đây, cả đội lại lên tàu hỏa và đi qua Bắc Kinh rồi đến sông Áp Lục, thị trấn Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh (biên giới Trung Quốc - Triều Tiên). Đến đây cả đội tiếp tục đi tàu về Bình Nhưỡng. Hành trình từ Việt Nam sang Triều Tiên lúc đó hết sức bí mật.

Tại Triều Tiên, đời sống nhân dân của họ lúc đó rất tốt. Đất nước thanh bình và người dân thân thiện, vui vẻ. Nhân dân Triều Tiên đón tiếp chúng tôi giống như đón tiếp những người anh em, toàn đội được ở chung với tất cả các vận động viên tại Trung tâm thể thao quân đội nên chế độ ăn giống với VĐV của họ.

Hồi đấy khổ lắm, nhưng khi vào đến trung tâm được Triều Tiên phát cho từ cái bàn chải đánh răng, kim chỉ… để đảm bảo sinh hoạt hằng ngày khiến anh em hết sức cảm động.

Về điều kiện tập luyện, cán bộ của đoàn đã đặt vấn đề muốn Triều Tiên giúp về chuyên môn tập luyện giống như kiểu của họ nhưng không được chấp nhận. Triều Tiên đề nghị đoàn chúng tôi hãy tập theo cách của mình và họ sẽ lo hết yêu cầu. Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng bố trí cho Thể Công các trận để thi đấu, những vấn đề chuyên môn mình cần họ đều đáp ứng đầy đủ hết.

Hành trình khổ luyện trên xứ sở Nhân sâm

Chúng tôi coi Triều Tiên là bậc thầy. Chúng tôi tự mình huấn luyện lối chơi nhưng cũng đã học được phong cách và ý chí chiến đấu của họ.

Về trình độ, thời đó mình không là gì so với Triều Tiên. Họ vừa vào top 8 thế giới còn chúng ta đang lẹt đẹt ở Đông Nam Á. Ở một số giải trước đó như giải Việt - Trung - Triều - Mông thì Việt Nam với Mông Cổ luôn "đội sổ’’. Phải nói là chênh nhau rất lớn!

Bên cạnh đó, một số giải quốc tế khác thì Triều Tiên luôn được đánh giá rất mạnh. Về thể lực, Triều Tiên chơi ngang ngửa với các đội châu Âu. Lối đá của họ rất tiên tiến và hiện đại. Đây là những điều khi chúng tôi sang tập nhìn thấy ngay.

Cựu danh thủ Thể Công một đời ngang dọc và cái kết Mình ngu thì mình chết thôi - Ảnh 4.

Giải bóng đá hữu nghị Việt - Trung - Triều - Mông.

Khi xưa, chúng tôi cứ nói vui rằng "Triều Tiên ăn Sâm chạy suốt ngày", có nghĩa là riêng thể lực mình không theo được. Đối phương đá kinh khủng lắm, hồi đầu chúng tôi không thể chạy nổi với họ, trong sân chỉ theo được 45-60 phút là hết hơi.

Ở Triều Tiên chủ yếu là các đội bóng quân đội, chúng tôi đều thi đấu với họ cả. Mà không phải đá 90 phút đâu, mỗi trận lên tới 120 phút, 60 phút một hiệp. Lịch thi đấu cũng chẳng được 3 ngày/trận, hôm trước đá hôm sau lại ra sân "chiến" luôn.

Chúng tôi đá đến nỗi lúc đầu đăng kí 26 cầu thủ thì đến khi hết giải chỉ còn đúng 1 đội hình duy nhất. Nhưng bù lại điều đó giúp toàn đội có được sự tiến bộ, thể lực các đội miền Bắc phải chào thua hết, chỉ chạy được với Thể Công trong hiệp đầu thôi.

Hồi chúng tôi sang Triều Tiên tập huấn cũng chỉ mới 18, 19 tuổi. Nhờ sự giúp đỡ của bạn mà toàn đội có sự tiến bộ rất nhanh. Hầu hết các cầu thủ của Thể Công đều khoác áo ĐTQG và sau đó trở thành những ngôi sao như bác Nguyễn Trọng Giáp, Ba Đẻn, Vương Tiến Dũng hay Phan Văn Mỵ…

Cựu danh thủ Thể Công một đời ngang dọc và cái kết Mình ngu thì mình chết thôi - Ảnh 5.

Đi 1 năm về xong chúng tôi đánh bại được tất cả các đàn anh, vô địch ngay lập tức, không đối thủ nào đá lại được, chứ không phải kiểu chập chững như HAGL lúc ra đá V.League đâu.

ĐTQG lúc đó có 23 người thì Thể Công luôn chiếm đến 13. Tôi nhớ trận đấu giữa ĐT Việt Nam gặp Cuba năm 1970 tại Hà Nội chúng ta hòa 1-1, nhưng riêng đội Thể Công đá thì thắng Cuba 3-2.

Có thể nói, Thể Công đi Triều Tiên sau 1 năm về tạo một hiệu ứng rất lớn. Cứ nghe đến Thể Công là khán giả đến xem rất đông bất kể chiến tranh.

Đi thật xa Thể Công rồi chẳng thể trở về…

Bóng đá gắn bó với tôi như một định mệnh. Lúc bắt đầu không hề nhận được sự ủng hộ của gia đình, nhưng cuối cùng bóng đá lại gắn bó với tôi suốt cả cuộc đời. Dù đã trải qua rất nhiều lần chuyển nghề nhưng rồi tất cả đều liên quan tới bóng đá.

Sau 16 năm thi đấu cho Thể Công, tôi chính thức treo giầy vào năm 1981. Ngày ấy tôi mới ngoài 30 tuổi, bản thân cảm thấy thể lực mình vẫn tốt, vẫn đá được tiếp. Nhưng ở Thể Công người ta quy hoạch chọn tôi đi học để chuyển sang làm HLV.

Mà không phải ai cũng được quy hoạch thế đâu. Đồng thời các lớp kế cận, thế hệ của Quản Trọng Hùng bắt đầu lên, có người kế cận mình ở hàng tiền vệ nên tôi cũng nhất trí việc nghỉ đá bóng để đi học.

Cựu danh thủ Thể Công một đời ngang dọc và cái kết Mình ngu thì mình chết thôi - Ảnh 6.

Một trong những kỉ niệm đáng nhớ nhất ngày còn thi đấu của cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải là chuyến giao hữu tại Trung Quốc năm 1974. Ông cùng các đồng đội giành chiến thắng trước đội Bát Nhất với tỉ số 4-1. Ảnh: Đại tướng Văn Tiến Dũng động viên CLB Thể Công trong chuyến du đấu năm đó.

Tôi đi học 3 năm, đến năm 1984 thì trở về. Kế hoạch sau khi ra trường vốn đã được hoạch định sẵn rồi. Tôi sẽ đảm nhận công tác huấn luyện thế hệ Thể Công lứa 1984 của Đức Thắng, Hồng Sơn…

Lúc ấy tôi đã nhận quân rồi, đang chuẩn bị bước vào huấn luyện thì một hôm Thiếu tướng Ngô Hùng, Cục trưởng Cục Quân huấn cho gọi tôi, ông bảo: "Tướng Lư Giang, Tư lệnh Quân khu Thủ Đô muốn Thể Công cử một HLV sang huấn luyện đội chuẩn bị mùa giải 1985 và xin đích danh đồng chí. Đề nghị đồng chí nhận nhiệm vụ mới, về làm HLV trưởng Đội Quân khu Thủ Đô!"

Lệnh như vậy rồi thì mình sao cãi lại được. Nhưng trước khi đi lãnh đạo cũng bảo thêm: "Thôi cứ đi đi, Thể Công và Quân khu Thủ Đô cùng ở Hà Nội mà, cậu muốn về lúc nào mà chả được".

Hồi ấy mình cũng…ngây thơ, chẳng biết gì về công tác tổ chức. Mà thế hệ của tôi ngày đó là vậy, sống đơn giản, chẳng nghĩ gì xa xôi quá đâu. Nếu đá bóng thì phải đá tử tế, còn không thì cũng vui vẻ xin xung phong ra chiến trường. Tinh thần đó thấm nhuần từ ngày xưa rồi.

Cựu danh thủ Thể Công một đời ngang dọc và cái kết Mình ngu thì mình chết thôi - Ảnh 7.

Ông Vũ Mạnh Hải (hàng trên, thứ hai từ phải sang) trong đội hình Thể Công năm 1981, mùa bóng cuối cùng xỏ giầy ra sân thi đấu. Sau khi từ Triều Tiên về nước vào tháng 11/1968, ông đã cùng Thể Công vô địch giải hạng A miền Bắc trong các năm 1969, 1971, 1972, 1973, 1974, 1975, 1976, 1977, 1978 và 1979.

Tôi sang huấn luyện đội Quân khu Thủ đô trong 3 năm. Đội đang trong quá trình trẻ hóa, chế độ cũng không được như Thể Công, chưa kể lại có một vài vấn đề nhức nhối nên thành ra gặp rất nhiều khó khăn.

Mỗi đội bóng quân đội khi đó đều được Bộ cấp cho một khoản kinh phí hoạt động, ngoài ra Quân khu có thể cũng cho thêm một chút. Nhìn chung tính ra ngân sách như vậy đủ để đảm bảo cho đội bóng tập luyện, ăn ở, sinh hoạt.

Thế nhưng lại có sự cắt xén. Một đội bóng 20 người, đáng ra mỗi người được 1 quả bóng nhưng lại bị cắt chỉ còn 10 quả cho cả đội; giầy bata lẽ ra mỗi tháng đều phải được cấp mới thì cầu thủ 3 tháng mới được một đôi. Ngày đó không hiểu, tôi cứ phản ứng, vì như giầy bata thì chỉ tập 1 tháng thôi là đã bị rách rồi.

Nhưng rồi thôi lại nghĩ đội bóng cũng nghèo nên mình cứ cố gắng vậy. Đi đá giải suốt từ ngoài Bắc vào Nam không có máy bay, mà ô tô cũng làm gì có máy lạnh. Lên xe đi được một đoạn là cả đội mồ hôi nhễ nhại, không chịu được phải cởi trần hết cả ra.

Những đội như Quân khu Thủ Đô vất vả lắm, đi đến đâu cũng lại vào các tỉnh đội ăn nhờ, khó so được với Thể Công. Đơn giản như Thể Công đi xa có thể liên hệ máy bay quân sự, hay ô tô cũng tốt hơn, có máy lạnh. Về huấn luyện ở đó 3 mùa, tôi cũng chỉ có thể giúp đội bóng cố gắng trụ hạng chứ không thể lên cao hơn được.

Đến năm 1987, cũng do hoàn cảnh đất nước khi đó, Bộ Quốc phòng quyết định giải thể các đội bóng Quân khu, chỉ giữ lại duy nhất Thể Công làm đại diện cho khối quân đội. Người ta gọi tôi lên bảo bây giờ có hai lựa chọn: một là học cấp tốc tiếng Đức để đi xuất khẩu lao động, còn nếu đồng chí không đi, Quân khu sẽ giải quyết cho "về hưu một cục".

Tôi mới nghĩ trong đầu "Thôi kiểu này thì chết rồi". Thử sang Cục Quân huấn xin về lại Thể Công thì các ông ấy lại bảo hết biên chế rồi, lại còn cài thêm câu: "nói thật muốn ở được Thể Công thì phải thật xuất sắc, chứ bình thường thì giờ nhiều lắm".

Cán bộ chính sách họ nói với tôi như vậy, còn thực ra lãnh đạo cũng tránh mặt, chẳng cho tôi gặp. Lúc đấy đúng chẳng biết làm thế nào cả. Mình ngu thì mình chết thôi.

Ở tuổi 38, đứng trước viễn cảnh hết duyên với trái bóng và phải về hưu non, một bước ngoặt bất chợt xảy đến, làm thay đổi cả phần đời còn lại của ông Vũ Mạnh Hải. Thậm chí, theo một góc nhìn rộng hơn, nó còn tạo ra sự thay đổi và sức ảnh hưởng đến cả nền bóng đá Việt Nam.

Bước ngoặt đó diễn ra như thế nào? Xin mời độc giả đón đọc "Mấy lần "chết đi sống lại" vì… làm báo"


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại