Chiếc khóa kéo, tuy không phải là một vật dụng gì đó to tát, nhưng nó lại xuất hiện rất nhiều trong cuộc sống thường ngày của chúng ta: trên chiếc áo khoác, chiếc quần, chiếc váy hàng ngày chúng ta mặc, trên chiếc ba lô, chiếc túi hàng ngày ta vẫn đeo, hay trên vỏ chăn, vỏ gối, cũng như vô số vật dụng khác.
Theo như một thống kê đươc thực hiện gần đây tại Mỹ, một năm họ tiêu thụ khoảng 4,5 tỉ chiếc khóa kéo, tương đương với khoảng 14 chiếc mỗi người.
Thế nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng, chiếc khóa kéo mà chúng ta quen thuộc ngày nay đã từng phải trải qua một thời kỳ hết sức khó khăn để có được chỗ đứng của riêng mình trên thị trường - khi mà trước đó đã có nhiều sản phẩm với chức năng tương tự như khuy cài, móc, hay dây buộc.
Mặc dù khóa kéo tiện lợi và chắc chắn hơn rất nhiều, nhưng "ở thời điểm mà chiếc khóa kéo ra đời, người ta vẫn cảm thấy chúng không thực sự cần thiết," theo lời nhà sử học Robert Friedel.
Kể từ lúc xuất hiện dưới dạng ý tưởng, chiếc khóa kéo đã phải tốn hàng thập kỷ, qua tay rất nhiều người để trở nên hoàn thiện, trước khi thực sự trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày.
Tuy là người đầu tiên nghĩ ra ý tưởng khóa kéo, nhưng sự bận rộn với những chiếc máy may đã không cho phép Elias Howe thực hiện ý tưởng của mình.
Ý tưởng về chiếc khóa kéo được cho là bắt nguồn từ Elias Howe, cha đẻ của chiếc máy may.
Mặc dù ý tưởng trên giấy của Howe vào năm 1851 trông có vẻ giống chiếc khóa kéo, nhưng cơ chế hoạt động của nó, theo lời nhà sử học Friedel, thì lại giống dải rút hơn.
Tuy nhiên đây cũng chỉ là phỏng đoán, bởi Howe chưa từng có vẻ gì là định biến ý tưởng của mình thành sản phẩm thực tế cả.
Sau khi tạo ra chiếc máy may, ông đã quá bận rộn tìm thị trường cho phát minh của mình, cũng như thường xuyên phải ra tòa để bảo vệ quyền sở hữu sáng chế khỏi vô số kẻ giả danh khác.
Thế nên, cuối cùng thì người được coi là "cha đẻ" của chiếc khóa kéo là kỹ sư cơ khí Whitcomb Judson, với sáng chế về chiếc khóa clasp cho giày vào năm 1983.
Cơ chế hoạt động chính của chiếc khóa này vẫn là chốt và móc, nhưng có kèm theo một cơ chế kéo khóa để dễ dàng gài chốt cho giày.
Tuy nhiên, khi Whitcomb trình làng sáng chế của mình tại hội chợ, chiếc khóa này thường xuyên bị tuột ra.
Chiếc khóa clasp do Whitcomb sáng chế năm 1893.
Thế nhưng, Whitcomb vẫn kiên trì với ý tưởng của mình, và ông còn mở hẳn một công ty tên Universal Fastener chuyên sản xuất và phân phối chiếc khóa clasp.
Nhưng cho tới tận năm 1904, sau 1 lần đổi tên công ty và nhiều lần cải tiến thiết kế, doanh số của chiếc khóa này vẫn chẳng đáng là bao.
Chiếc khóa clasp vẫn còn quá nhiều vấn đề để có thể thuyết phục khách hàng. Đến năm 1909, Whitcomb qua đời mà vẫn chưa được nhìn thấy phát minh của mình thành công trên thị trường.
Trong khoảng 2-3 năm tiếp theo, cũng có một số người cố gắng cải tiến thiết kế của Whitcomb, nhưng không ai thực sự thành công trong việc kiếm tiền từ nó cả.
Và rồi, năm 1912 đánh dấu một bước ngoặt lớn cho chiếc khóa kéo. Gideon Sundback - kỹ sư làm việc tại công ty của Whitcomb - đã đưa ra cải tiến mới cho chiếc khóa clasp bằng cách bỏ toàn bộ phần chốt và móc, thay vào đó là một hệ thống răng bằng thép sẽ khớp vào với nhau khi người dùng kéo khóa.
Đó cũng chính là bản mẫu đầu tiên của chiếc khóa kéo mà ngày nay chúng ta sử dụng. Gideon Sundback nhận bằng sáng chế cho thiết kế mới này vào năm 1917.
Cải tiến của Gideon Sundback.
Với thiết kế mới này, công ty cũng đổi tên thành công ty Khóa kéo không chốt (Hookless Fastener Company), và từ đây họ bắt đầu có được những khách hàng mới.
Một nhà may tại New York đặt mua những chiếc khóa kéo này để làm thắt lưng có túi đựng tiền cho thủy thủ vào hồi thế chiến thứ nhất.
Đến năm 1918, quân đội Mỹ cũng sử dụng chiếc khóa kéo cho đồng phục của phi công.
Năm 1923, công ty may mặc Goodrich sử dụng chiếc khóa kéo cho những chiếc giày cao su của mình, đồng thời đặt tên loại khóa này là "Zipper", phỏng theo âm thanh chúng ta nghe thấy mỗi khi kéo khóa.
Cùng với việc chiếc khóa kéo dần xuất hiện nhiều hơn trong đời sống, doanh số của công ty Khóa kéo không chốt cũng tăng lên đáng kể - từ 24.000 chiếc được bán ra năm 1917, đến năm 1934, họ đã bán được khoảng 60 triệu chiếc khóa kéo mỗi năm.
Đến năm 1937, công ty này đổi tên thành Talon, và đây cũng là cái tên mà họ dùng để gọi chiếc khóa kéo của mình.
Khi chiếc khóa kéo được ứng dụng trong lĩnh vực may mặc, giới thời trang khi ấy đã nổ ra một cuộc tranh cãi nảy lửa xem thứ nào phù hợp với khóa quần hơn: khóa kéo hay khuy quần.
Thế rồi, nhờ tính gọn gàng và chắc chắn của mình, chiếc khóa kéo đã giành chiến thắng - bởi nó giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ "hớ hênh" của các quý ông.
Không chỉ hấp dẫn cánh đàn ông, chiếc khóa kéo cũng dần nhận được sự chú ý của chị em phụ nữ.
Nhà thiết kế thời trang Elsa Schiaparelli là một trong những người đầu tiên sử dụng khóa kéo như một phụ kiện trong thiết kế của mình.
Đến năm 1947, hãng thời trang Levi's ra mắt chiếc quần Jeans có khóa kéo, và chiếc quần này được chị em ủng hộ hết sức nhiệt tình, do họ vẫn coi những chiếc khóa quần bằng khuy không được kín đáo cho lắm.
Ngày nay, chiếc khóa kéo đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Ngày nay, không chỉ có Talon, mà còn rất nhiều công ty khác cũng sản xuất khóa kéo. Trong đó, phổ biến nhất có lẽ là khóa kéo của công ty Nhật Bản YKK - hiện là công ty sản xuất khóa kéo lớn nhất thế giới.
Đặt trong bối cánh lúc bấy giờ, chiếc khóa kéo có lẽ không phải là một phát minh gì đó quá đột phá, cũng chẳng hề giải quyết vấn đề gì nhức nhối của xã hội cả.
Bản thân phát minh này cũng trải qua một thời gian dài thất bại trước khi có thể hoàn thiện mình.
Còn ngày nay, có lẽ thật khó để tưởng tượng cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao nếu thiếu đi những chiếc khóa kéo tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất quan trọng này.