Hành trình của nữ đạo diễn đưa phần mộ cô thanh niên xung phong 'về' với gia đình sau 58 năm

Nhật Vũ |

Sau 58 năm kể từ ngày nữ thanh niên xung phong hy sinh và nằm lại cánh rừng ấy, tới tháng 4/2023, gia đình mới đến được phần mộ với sự giúp đỡ của Thu Trang và những người bạn.

Câu chuyện về phần mộ của nữ thanh niên xung phong

Đạo diễn Nguyễn Thị Thu Trang (nghệ danh Nhân Sơn) trầm tư kể lại cho tôi câu chuyện về phần mộ nữ thanh niên xung phong đã hy sinh ấy. Nhân Sơn bảo để có được ngày hôm nay, ngày mà gia đình chuẩn bị đưa phần mộ của bà về với gia đình, là cả một hành trình dài.

Cùng với đó là sự góp sức của những người bạn, người chú cũng như những người bảo vệ cánh rừng già nơi nữ thanh niên xung phong (TNXP) yên nghỉ.

Những ngày đầu tháng 2/2023, Nhân Sơn được một nhà sản xuất phim mời tham gia trong vai trò giám đốc bối cảnh cho dự án phim chiến tranh thời kỳ chống Mỹ, được quay tại Việt Nam.

Với một dự án phim lớn, lại là thời kỳ những năm 1965, Nhân Sơn cùng đồng nghiệp phải đi tìm ở rất nhiều tỉnh/thành từ Bắc vào đến miền Trung, trong đó có huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Do những dấu tích của chiến tranh đã phai mờ theo năm tháng, bối cảnh rừng núi ở Thanh Hoá lại quá rộng, Nhân Sơn không thể tìm được vị trí cần thiết. Theo tư vấn của một người bạn sống ở Thanh Hoá, cô đã đến khu vực rừng Quốc gia Bến En để nghỉ ngơi và chờ ngày hôm sau tiếp tục làm việc.

Nhờ sự giúp sức của ban quản lý rừng nơi đây, Nhân Sơn được cán bộ kiểm lâm và anh Hà Văn Hoàng - bảo vệ rừng - đưa vào khu rừng sâu thuộc xã Xuân Bình (Như Xuân, Thanh Hoá). Theo như các cán bộ giới thiệu thì đây là một nhánh của đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ chiến tranh.

Anh Hoàng và Nhân Sơn bên cạnh phần mộ nữ thanh niên xung phong

Trên đường đi, ngoài việc giới thiệu địa lý của khu rừng, anh Hoàng còn kể về việc trong một lần đi rừng cách đây 4 năm, anh đã phát hiện ra một ngôi mộ có khắc hình ngôi sao, trên bia mộ có đề tên: Lê Thị Thành - Tạ thế 5-6-65, tức là ngôi mộ đã nằm lại cánh rừng này 58 năm. Anh Hoàng sau khi phát hiện ra ngôi mộ cũng đã từng đưa thông tin lên mạng xã hội nhưng không thu về kết quả.

"Em bắt đầu hỏi nhiều lắm, em hỏi nhiều đến nỗi anh Hoàng thấy em nhiệt tình quá, anh mới kể hết là mộ nằm ở đâu, trông như thế nào, rồi gửi hình tấm bia ở phần mộ có ghi tên, năm mất và quê quán mà anh đã chụp cho em xem", cô chia sẻ.

Để đến được ngôi mộ đó, đoàn phải đi bộ thêm 3km đường rừng nữa, mà anh Hoàng cũng xác nhận để đến được ngôi mộ đó chắc chắn phải đi tìm lại đường, vì lâu lắm rồi anh cũng không vào đó.

Do thời gian không cho phép nên Nhân Sơn đành nhờ anh Hoàng sau này nếu có vào rừng hãy xác định lại vị trí của mộ, đánh dấu đường đi thật cẩn thận và thắp giúp mình nén hương. Còn bản thân cô tạm dừng công việc để vào thành phố Thanh Hóa liên hệ với những người bạn nơi đây nhờ giúp đỡ.

Hành trình đưa gia đình nữ thanh niên xung phong đến nơi bà yên nghỉ

Vào thành phố Thanh Hóa, nữ đạo diễn đã tìm gặp người bạn là nhà báo Nguyễn Quốc An (Đài Truyền hình Thanh Hóa). Nhân Sơn bắt đầu kể chuyện và nhờ anh An tìm lại thân nhân thông qua địa chỉ khắc trên bia mộ. Anh An đã nhiệt tình nhận lời.

Sau cuộc gặp giữa Nhân Sơn và nhà báo Quốc An ở Thanh Hoá. Anh An đã một mình kết nối và đi tìm thông tin về gia đình bà Lê Thị Thành, trong 2 tháng ròng rã ấy là bấy nhiêu những khó khăn gặp phải. Có những lúc dường như đã rơi vào ngõ cụt nhưng anh An và Nhân Sơn vẫn động viên nhau không bỏ cuộc.

Niềm vui cuối cùng đã đến với họ, anh An đã tìm được gia đình và thân nhân của nữ TNXP ấy ở tại Thôn 5, xã Nông Trường, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Trong cuộc tìm kiếm ấy, anh An còn gặp được ông Lê Trung Sơn- nguyên Chủ tịch Hội thanh niên xung phong tỉnh Thanh Hoá - nhân chứng sống về câu chuyện hy sinh của bà Thành.

Tuy tuổi cao và đang mang trong mình bệnh hiểm nghèo nhưng khi nghe anh An nói đã tìm được phần mộ của bà Lê Thị Thành, ông Sơn quyết tâm góp sức cùng 2 người.

"Khi được điều động lên khu vực Rừng Quốc gia Bến En làm cầu Sông Hận và sửa đường phục vụ cho cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, tôi đã chứng kiến bà Thành hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ (bị bom bi nổ) vào năm 1965. Bà được mọi người chôn cất ngay bên bờ suối", ông Sơn kể lại.

Hành trình đưa gia đình bà Lê Thị Thành đến nơi bà yên nghỉ

Đồng hành cùng nhà báo Quốc An còn có ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ông Lợi hứa sẽ hướng dẫn và hỗ trợ tối đa để sớm lấy lại danh dự và đề nghị cấp trên xem xét truy tặng bằng Tổ quốc ghi công cho bà Thành.

Ông động viên gia đình bà Lê Thị Thành: "Việc này rất gian nan và kiên trì, khó nhưng không có nghĩa là không làm được. Chúng ta được thừa hưởng nền hoà bình như ngày nay cần phải biết ơn đến những người đã ngã xuống vì nền độc lập. Họ xứng đáng được ghi danh để con cháu đời đời nhớ ơn.

Chúng ta hãy cùng nhau tìm thêm nhân chứng và các giấy tờ có liên quan đến bà Thành để đưa đến các cơ quan chức năng. Tôi cũng mong ngày bà Thành trở về sẽ có một lễ truy điệu thật trang nghiêm và được về đúng nơi đó là nghĩa trang liệt sĩ. Tôi sẽ theo các bạn và gia đình đến cùng".

Anh Trần Ngọc Thạch (SN 1973) là cháu ruột gọi bà Thành là dì cho biết, bà là người con thứ 5 trong gia đình có 7 anh chị em. Sau khi bà Thành mất, gia đình tổ chức đi tìm nhiều lần nhưng không có tin tức gì cả.

Nay nhận được thông tin đã tìm được phần mộ của bà, họ hàng người thân rồi những anh chị em của bà từ mọi miền Tổ quốc đều tập trung về nhà để cùng bàn bạc đưa bà về sau 58 năm xa cách.

"Gia đình thấy bà rồi cũng nôn nóng đưa bà về, để bà nằm trong rừng sâu gia đình cũng không muốn thêm ngày nào nữa".

Hành trình của nữ đạo diễn đưa phần mộ cô thanh niên xung phong về với gia đình sau 58 năm - Ảnh 3.

Từ trái qua: Đạo diễn Nhân Sơn, nhà báo Quốc An, anh Hoàng bảo vệ rừng, anh Thạch

Ngày 21/4, Nhân Sơn cùng nhà báo Quốc An và anh Hoàng đã đưa gia đình nữ TNXP vượt 14km đường rừng để vào đến phần mộ của bà. Những giọt nước mắt, những nỗi niềm của người thân trong gia đình đã tuôn rơi nơi bà yên nghỉ.

Theo thông tin phía gia đình, sau khi được sự tư vấn của các cấp chính quyền, các cá nhân thì gia đình đã đưa ra quyết định sẽ dừng việc đưa phần mộ của bà về quê, sau đây gia đình sẽ cố gắng đi tìm nhân chứng sống, giấy tờ có liên quan, đồng thời nhờ các báo đài đưa tin để có thể tìm được đầy đủ các căn cứ để bà Lê Thị Thành được công nhận là liệt sĩ.

Dù hành trình ấy là rất gian nan và khó khăn nhưng gia đình thực sự mong muốn ngày bà trở về sẽ được đón nhận xứng đáng với sự hy sinh của bà cho cuộc chiến tranh giữ nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại