Muhammad Iqbal hối hận vì quyết định bán thận của mình.
Bán thận: Cuộc sống thay đổi theo hướng tồi tệ
Muhammad Iqbal chia sẻ rằng, anh muốn chơi kabaddi - môn thể thao truyền thống như đấu vật ở Nam Á nhưng tình trạng sức khỏe ngày càng xấu đi không cho phép anh tham gia bất kỳ hoạt động nào gây căng thẳng về thể chất.
Muhammad Iqbal từng là một công nhân lò gạch ở Lahore nhưng giờ đây, anh không thể khuôn vác đồ nặng. Mọi việc bắt nguồn từ quyết định bán thận của Iqbal vào năm 2012.
Iqbal cho rằng, quyết định sai lầm đó đã làm thay đổi cuộc sống của anh theo hướng tồi tệ hơn.
“Năm 2012, tôi rơi vào tình trạng nợ nần”, Iqbal - hiện là cha của 8 đứa trẻ nói với phóng viên tờ DW (Đức) - “Khi đó, tôi sống trong một ngôi làng gần Lahore và làm việc tại nhà máy sản xuất gạch nung.
Tôi đã mượn 135.000 Rupee Pakistan (khoảng 1.600 Euro) từ ông chủ. Tôi đã làm việc suốt ngày đêm để có tiền trả nợ nhưng với mức lương ít ỏi, tôi không thể xoay xở được.
Tôi đã tuyệt vọng đến mức sẵn sàng làm bất cứ điều gì để kiếm tiền. Ashraf, một người anh họ của tôi đã gợi ý rằng, nên bán thận để trả nợ.
Tôi rùng mình khi Ashraf đưa ra ý tưởng đó nhưng cũng nghĩ rằng, nếu không bán thận, tôi không còn lựa chọn nào khác”.
Ashraf kéo áo lên, vết sẹo mổ lấy thận khá rõ. “Người anh họ trấn an tôi rằng, nhiều người vẫn sống tốt với một quả thận và quá trình phẫu thuật không phức tạp.
Tuy nhiên, tôi đã từng nghĩ, mình có thể mất mạng trong quá trình phẫu thuật”, Iqbal nói thêm.
Khi Iqbal đồng ý, Ashraf sắp xếp cuộc gặp với Faqir Hussain, một cư dân Lahore tham gia vào đường dây mua bán thận.
“Hussain đưa cho tôi 130.000 Rupee (khoảng 1.544 Euro). Khi tôi đòi nhiều tiền hơn, anh ta đã tăng lên 160.000 Rupee.
Đầu tiên, tôi được đưa đến một nơi ở Lahore để tiến hành xét nghiệm máu và chụp X-quang. Quá trình kiểm tra này để đảm bảo rằng, tôi không mắc bệnh tật gì nghiêm trọng”, Iqbal kể lại.
Sau đó, Iqbal được đưa đến Rawalpindi - một thành phố gần Thủ đô Islamabad để tiến hành phẫu thuật lấy thận.
“Tôi không nhớ rõ đó là ngày nào nhưng chắc chắn vào mùa đông năm 2012. Tất cả có 19 người được đưa lên xe buýt di chuyển từ Lahore và đến Rawalpindi.
Chúng tôi được đưa đến một phòng khám gần đường Grand Trunk. Phòng khám này thuộc sở hữu của Faqir Hussain.
Chúng tôi ở đó 15 ngày và phải làm thêm một số xét nghiệm. Một số người đã được đưa trở lại Lahore vì kết quả xét nghiệm cho thấy sức khỏe họ có vấn đề”, Iqbal nói.
Cầu cứu sự trợ giúp của Chính phủ
Các phương tiện truyền thông Pakistan cho hay, làn sóng ngày càng tăng số lượng người bán thận trên toàn quốc, đặc biệt là ở tỉnh Punjab.
Trong vài năm qua, cảnh sát đã bắt giữ nhiều người liên quan đến việc điều hành hoạt động kinh doanh bất hợp pháp này.
Ở Pakistan, việc buôn bán nội tạng, trong đó có buôn bán thận được thực hiện một cách bí mật, kín đáo nhằm trốn tránh cơ quan chức năng.
Iqbal cho biết, nơi mà anh tiến hành phẫu thuật lấy thận nằm trong một bệnh viện mắt. “Họ đã trang bị cơ sở vật chất hiện đại để phục vụ phẫu thuật lấy nội tạng.
Điều đáng quan tâm là nơi phẫu thuật được đặt trong tầng hầm của bệnh viện mắt”, Iqbal nói. Trước khi tiến hành phẫu thuật, người bán thận phải ký vào một bản cam kết hiến tặng để sau này không thể khởi kiện.
Iqbal chia sẻ rằng, việc bán thận không thể giúp anh giải quyết tất cả các vấn đề tài chính. “Trong số 160.000 Rupee, tôi đã phải chi khoảng 30.000 Rupee để mua thuốc sau phẫu thuật.
Tôi phải bán thêm cả xe kéo để lấy tiền trả nợ. Các khoản vay bắt đầu chồng chất lên một lần nữa. Vì sức khỏe yếu, tôi phải từ bỏ công việc tại lò gạch.
Tôi không thể làm việc thường xuyên. Hai cô con gái mới 12, 13 tuổi của tôi phải kiếm tiền bằng công việc giúp việc nhà.
Hai đứa kiếm được khoảng 13.000 Rupee mỗi tháng”, Iqbal chia sẻ và nhấn mạnh rằng anh hối hận vì đã bán thận.
Anh hy vọng, Chính phủ sẽ có giải pháp giúp những người lao động tay chân như anh thoát nghèo, không phải bán thận để kiếm tiền trả nợ.