Một buổi tối đầu tháng 2 năm 2013, trời mưa rét căm căm, Hải (khi ấy 19 tuổi) xách xe máy ra đường đi chơi với bạn. Ngồi café "chém gió", Hải kể chuyện muốn sang Úc làm việc dù lúc đó mới chỉ đang là sinh viên năm nhất trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên hệ Cao đẳng.
Suốt thời gian gặp nhau, cả 2 đều rất vui. Tiếng cười của họ chỉ vụt tắt khi trên đường trở về, chiếc xe chạy qua một khúc cua, trời tối sầm và đèn chiếu của xe bỗng tắt ngấm. Mất phương hướng, Hải bóp phanh và vì đường quá trơn, xe xoay ngang rồi "xòe bánh" đổ giữa đường.
Vụ tai nạn không nghiêm trọng. Cậu bạn ngồi sau xe Hải bình an. Hải chỉ bị thương ở một bên chân. Cậu không thể ngờ rằng, cú ngã định mệnh ấy sẽ làm thay đổi toàn bộ cuộc đời mình, khởi đầu cho gần 7 năm ròng rã với 7 ca mổ cắt xương, xẻ thịt đau đớn tận cùng thân xác để cứu chữa chiếc chân nhiều lần đã có nguy cơ bị cắt cụt.
Hải nhập viện Việt Đức (Hà Nội) trong tình trạng gãy hở chân trái phức tạp, mất xương trên lồi cầu, liên lồi cầu xương đùi và nhiễm trùng. Một vài ngày sau ca mổ đầu tiên, Hải lên cơn sốt, nhiều tế bào cơ ở vết thương mưng mủ, hoại tử.
3 ngày sau, bệnh viện chỉ định một bác sĩ khác mổ cho Hải. Đó là vị bác sĩ mà cách đấy chừng 10 năm, lúc 19 tuổi giống như Hải, đang là sinh viên năm nhất ĐH Y Hà Nội cũng gặp một tai nạn gần tương tự.
Vì đập tay vào cửa kính, TS, BS Tùng từng bị thương khá nghiêm trọng ở tay trái. Anh bị đứt gân, dây thần kinh, tổn thương cơ… và phải làm phẫu thuật ghép nối. Khá lâu sau, vết thương mới hồi phục hoàn toàn. Đến bây giờ, nó vẫn còn để lại sẹo và mỗi lần nhìn vào đấy, BS Tùng lại tự nhủ: "Mình đã được các y bác sĩ tận tình giúp đỡ nên khi cầm dao mổ, nhất định phải cố hết sức chữa cho bệnh nhân khác".
Hồi đó, BS Tùng đỗ cùng lúc ĐH Y và ĐH Ngoại ngữ Hà Nội. Cảm giác của người đang tự tin bước sang trang mới cuộc đời hân hoan nhiều lắm chứ! Rồi tai nạn xảy ra, cả anh và Hải đều bị thương, chưng hửng giữa biển đời rộng lớn. Nó giống như một ngày bạn thấy vui phơi phới thì khi đi ngang qua phố, bị một người xa lạ hất ngay gáo nước lạnh vào người.
"Khi nhìn Hải, tôi hiểu tất cả những gì đang diễn ra trong tâm lý bệnh nhân, hiểu cả nỗi sợ mất đi tương lai tươi sáng mà mình đang sắp sửa bước vào".
Ngày đầu tiên Hải gặp BS Tùng là sau khi ca mổ cắt lọc cơ hoại tử kết thúc. Lúc đó, BS Tùng hỏi: "Cậu có quyết tâm giữ lại cái chân này không. Nó bị nhiễm trùng khá nặng đấy, có lẽ sẽ còn nhiều ca phẫu thuật đau đớn khác".
Khi nghe vị BS xa lạ chưa từng quen biết hỏi câu ấy, cảm giác của Hải chỉ gói gọn trong cụm từ "sốc toàn tập". Đó là lần đầu tiên cậu biết đến việc mình có thể bị cưa chân. Trước đó, chuyện chữa lành vết thương, đi lại bình thường với Hải gần như là điều đương nhiên.
"Tại sao bác lại hỏi như thế? Quyết tâm hay không là sao ạ, cháu không hiểu?", Hải ngước cặp mắt ngơ ngác nhìn BS Tùng.
Chân của cậu bị hoại tử khá nặng. Nếu cắt bỏ thì rất dễ. Tôi cũng nhàn mà cậu lại nhanh hồi phục. Đợi vết thương liền rồi ghép chân giả là xong… Nhưng tôi không muốn cắt cụt chân của ai. Tôi muốn cùng cậu tìm giải pháp tốt hơn, BS Tùng nói, ánh mắt của anh bất giác nhìn lại vết sẹo trên tay.
Nếu cháu muốn giữ chân thì sao? Có khó không và mất bao lâu mới đi lại bình thường? - Hải lại giương cặp mắt nhìn BS Tùng nhưng lần này, ánh mắt cậu đầy hy vọng. Có lẽ, cậu đã nghĩ, khả năng đi lại là chắc chắn 100% hoặc cho rằng, thời gian điều trị chỉ kéo dài vài tháng.
Nhưng BS Tùng nói anh không chắc chắn về thời gian, thậm chí cũng không dám cá 100% Hải sẽ đi lại bình thường. Anh chỉ có thể khẳng định, chân của Hải sẽ phải mổ nhiều lần. Nếu bây giờ cắt hết cơ hoại tử thì cái chân sẽ hỏng. Cần có thời gian cho những tế bào nửa sống, nửa chết phục hồi rồi tiếp tục loại bỏ tế bào hoại tử. Sau khi vết thương ổn định mới có thể ghép xương, ghép gân, rồi tập luyện, phục hồi chức năng. Ngần ấy việc cần nhiều thời gian, tiền bạc và cả sự cố gắng của bệnh nhân, người nhà và bác sĩ.
Hải lắng nghe rồi sau một hồi im lặng, cậu dứt khoát: Không bao giờ Hải muốn trở thành người khuyết tật. Quãng đường tương lai phía trước còn quá dài, đến bây giờ Hải mới chỉ đang ở vạch xuất phát. Cậu sẽ chẳng thể đi nổi nếu chỉ có một chân!
Lựa chọn đó khiến Hải phải đánh đổi bằng gần 4 năm gắn bó với giường bệnh, trải qua 6 ca mổ vô cùng đau đớn. Đã có lần, Hải bị cưa 5 - 6cm xương đùi. Trong khoảng thời gian dài, Hải luôn thấy hy vọng, thất vọng đan xen. Cậu cứ mổ rồi chờ đợi rồi lại mổ, cứ cố gắng trong trạng thái khá mù mờ vì không ai có thể định liệu chắc chắn cho tương lai của cái chân bị thương.
Thực tế, có những người mắc cùng một bệnh, cùng cách điều trị nhưng đáp ứng khác nhau. Quá trình điều trị càng dài, yếu tố phụ thuộc vào thể trạng, ý chí bệnh nhân càng nhiều. Nếu ngay từ đầu, Hải nói: "Bác phải chắc 100% chân sẽ khỏi, cháu mới mổ" thì có lẽ, BS Tùng cũng không dám đồng hành cùng cậu.
"Để đánh đổi uy tín lao vào những ca khó, phải thuyết phục cả hội đồng hội chẩn như trường hợp của Hải, tôi cần nhiều lòng tin từ bệnh nhân và người nhà" – BS Tùng cho biết.
Sau ca mổ lần 5 để ghép xương, Hải vẫn chưa thể đi lại bình thường. Nhiều khi buồn, ngồi nhìn chân bị thương, Hải lại tự hỏi: "Rõ ràng cái chân này là của mình, vì sao mình không thể điều khiển nó hồi phục lại như xưa?".
1,5 năm sau, BS Tùng trả lời Hải bằng ca mổ ghép gân tứ đầu đùi đầu tiên tại BV Việt Đức. Như mọi lần, anh chỉ có thể khẳng định, đây là ca mổ vô cùng cần thiết để bổ sung phần gân cơ bị mất, giúp Hải co duỗi chân và đi lại bình thường.
"Chúng tôi đã ghép gân đồng loại ở nhiều vị trí khác nhưng với gân tứ đầu đùi, đây là lần đầu". Theo BS Tùng, nối gân ở vị trí khớp gối rất khó vì sau ghép cần cố định để gân liền lại. Tuy nhiên, nếu bất động lâu, cơ sẽ dính, khớp cứng. Ở vị trí này, ghép nhiều hay ít gân đều có ảnh hưởng xấu.
Trải qua 5 lần phẫu thuật nhưng đến lần này, khi bước vào phòng mổ, Hải sợ đến nỗi toàn thân toát mồ hôi. Nguyên một buổi sáng, Hải chỉ được gây tê và hoàn toàn tỉnh táo để nhận biết tất cả mọi việc đang diễn ra. "Mổ xong ca ghép gân, mình ngất đi vì kiệt sức. Lúc thuốc tê hết tác dụng, cảm giác đau đớn kinh hoàng".
Trước ca mổ, nhiều người khuyên bố mẹ Hải không nên lãng phí tiền bạc. Nếu phẫu thuật không thành công, gia đình không chỉ tốn tiền mà vết thương có nguy cơ nặng hơn, nhiễm trùng hoặc không thể đi lại được nữa... Nhưng cuối cùng, Hải vẫn tin BS Tùng còn vị BS rất vui vì "tôi luôn nghĩ, BS có tâm là người không ngại cho bệnh nhân cơ hội".
Lòng tin của cặp BS – bệnh nhân "cứng đầu" cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng. 3 tháng sau, kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy vết nối gân ở chân của Hải tiến triển tốt. BS Tùng vui vẻ tuyên bố khép lại 4 năm dài đằng đẵng với 6 ca mổ mà bệnh nhân thì đau đớn, BS thì "căng não" xảy ra liên tiếp nhau. Lần đầu tiên, ông khẳng định 100%, Hải đã "cứu" chân thành công.
"Chiến công" đó khiến chàng trai 23 tuổi vui ra mặt. Chỉ nghĩ đến việc không phải quay lại phòng mổ từng khiến cậu sợ hãi, Hải đã thấy quá hạnh phúc. Nhưng phải đợi thêm 6 tháng cho vết thương ổn định, cậu bắt đầu tập vật lý trị liệu, chịu những cơn đau xé người rồi thêm 3 tháng nữa, chiếc chân ấy mới hồi phục chức năng.
Sau 4 năm bằng tất cả sự nỗ lực, quyết tâm, khát khao của Hải – mơ ước đi lại trên đôi chân của chính mình đã trở thành hiện thực. Một buổi sáng đầu năm 2017, Hải gặp lại những người bạn cũ. Tất cả đều thay đổi, ai cũng giàu có và trưởng thành nhiều hơn. Hải bất giác nhìn lại cái chân bị thương và tự thấy mình đang tiếp tục rơi vào cuộc khủng hoảng khác. Cậu nhận ra, 4 năm qua thế giới đã thay đổi quá nhiều còn riêng Hải, cậu chỉ có "chiến công" duy nhất là cứu chân thành công. Hải chẳng có gì, tình yêu, tiền bạc, bằng cấp… tất cả chỉ là con số 0 tròn tĩnh.
Lần đầu tiên, Hải tự hỏi: Bỏ ra 4 năm, khiến gia đình lao đao còn bản thân thì lỡ nhịp cuộc đời có phải là sự đánh đổi xứng đáng?
Cậu nhớ tới khoảng thời gian nằm viện, mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ mẹ hỗ trợ. Cuộc đua "super marathon" khiến bố mẹ Hải vắt kiệt sức chiến đấu. Trước ca mổ lần 4, BS Tùng nói với mẹ cậu nhiều khả năng sẽ phải cưa chân và có lẽ, sẽ cưa cụt hết phần đùi. Mẹ cậu nghe xong, không dám nói với ai nhưng Hải đã đoán được điều gì đang diễn ra. Lúc mẹ cậu quay đi, khóc nức nở một mình, Hải chợt thấy lòng đau thắt lại. Đến tận bây giờ, mỗi khi nhớ lại kỉ niệm ấy, cậu vẫn còn thấy đau và tưởng như, mọi chuyện mới chỉ xảy ra đâu đó ngày hôm qua.
Đó là lý do suốt 4 năm, Hải luôn thấy mình thức dậy giữa những cơn đau: Đau cả thể xác lẫn tinh thần. Thước phim cuộc đời cậu cứ theo mạch suy nghĩ ấy tua chậm lại. Hải tiếp tục nhớ về quãng thời gian 7 tháng sau khi bị tai nạn, người bạn gái quyết định chia tay, sang nước ngoài du học. Ngày bạn gái đến chào tạm biệt, Hải vẫn còn đang bó nẹp và chưa đi lại được. Cô gái khóc rất nhiều còn Hải thì không. Chẳng biết vì nỗi đau đang trải qua với cậu đã quá lớn hay vì Hải cố giữ bình tĩnh. Cậu chỉ kịp nói chúc bạn gái bình an và thành công với ước mơ của mình.
Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời này, Hải thấm thía câu nói của Trịnh Công Sơn: "Cuối cùng, lòng yêu thương cuộc sống cũng không giữ lại được đời người. Cuối cùng thì tình yêu cũng không giữ lại được người mình yêu".
Trong những lúc đau đớn ấy, Hải tự hỏi mình câu hỏi quan trọng rằng, cuối cùng thì điều gì mới là quan trọng nhất? Sức khỏe, thời gian, tiền bạc, tình yêu, gia đình hay ước mơ về tương lai tốt đẹp? Ở thời điểm cảm giác mất mát nhất cách đây 4 năm, Hải đã không thể trả lời. Cậu chỉ nghĩ duy nhất một điều, "bằng mọi cách phải cứu lấy cái chân bị thương".
Hơn 4 năm sau, lúc vẫn chưa kịp trả lời câu hỏi ấy, cậu tiếp tục bị tai nạn. Cuối năm 2017, một chiếc ô tô con đi ngược chiều đâm vào Hải (đang điều khiển xe máy) khiến cậu bị gãy xương mắt cá, cẳng chân ở đúng bên bị thương từng được ghép gân tứ đầu đùi.
BS Tùng gọi vui Hải là "thánh nhọ nhất Vịnh Bắc Bộ" vì có lẽ, không ai xui tạt mạng như thế. "Tôi đã giật thót tim khi nghe giọng Hải nói qua điện thoại: "Bác ơi, bác mổ cho cháu tốt lắm rồi, cháu đi lại được rồi, đã đi làm rồi thì trên đường về lại bị tai nạn gãy đúng chỗ bác mổ".
Quá lo lắng, BS Tùng đã tới viện để mổ cho Hải. Đến nơi, anh thở phào nhẹ nhõm hơn vì may quá, vết gãy không phải ở chỗ ghép nối lần trước. "Gãy chỗ nối cũ thì chắc Hải chỉ còn nước cắt chân nên tôi sợ", BS Tùng cười.
Ca mổ bắt vít tự do, cố định xương thành công và 2-3 tháng sau, Hải hồi phục, đi lại bình thường. Mỗi lần nhìn chiếc chân bị thương, Hải lại không tin nổi nó vẫn đang liền mạch trên cơ thể. Nhưng khi nghĩ lại 2 vụ tai nạn đã qua, cùng xảy ra trên đường trở về nhà, Hải có cảm giác chúng khác biệt lớn lao.
Nếu vụ tai nạn đầu kéo cuộc đời Hải lao vào con dốc đi xuống thì dường như, vụ tai nạn sau đã giúp Hải tìm ra câu trả lời cho vấn đề thắc mắc bấy lâu rằng cuối cùng, điều gì mới là quan trọng nhất?
"Bây giờ mình nghĩ, tính mạng và sức khỏe là 2 thứ quan trọng nhất. Với mình, có thể sống khỏe, gần gũi, báo hiếu cho cha mẹ, có một công việc nuôi sống mình, hỗ trợ gia đình thế là hạnh phúc rồi".
Hải thích nấu ăn nên cậu mở một quán bia và phục vụ thêm đồ ăn tại nhà. Ước mơ của Hải sau một vài năm nữa sẽ xây dựng một nhà hàng mới. Cậu cũng dự tính tháng 8 tới sẽ kết hôn.
Gần 7 năm sau lần bị tai nạn đầu tiên, cuộc sống của Hải mới thực sự bắt đầu tiếp nối vào chặng đường năm 19 tuổi. Quãng thời gian khá dài đã làm cậu lỡ đi nhiều thứ, mất cả tình yêu đầu đời nhưng sau cùng, Hải cũng kịp hiểu ra, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu một điều gì đó mới mẻ.
Cách đây chừng 1 tháng, BS Tùng gặp lại Hải. Anh cười không khép được miệng khi nghe cậu kể về dự định lấy vợ. Thăm khám xong, BS Tùng vỗ mạnh vai Hải trêu đùa: "May quá "thánh xui" nhất Vịnh Bắc Bộ đi lấy vợ rồi. Nói thật, tôi chỉ mong cậu khỏe mạnh, không phải gặp lại tôi. Mỗi lần nhìn thấy cậu, tôi sợ chết khiếp nhưng vẫn cố phải bình tĩnh đấy".
Hải nói cậu vừa quý mến, vừa nể phục BS Tùng vì anh luôn luôn là như thế: Vui vẻ, lạc quan và giúp bệnh nhân hết sức nhưng không cầu trả ơn, thậm chí cũng không cần bệnh nhân phải biết ơn.
Trong quãng thời gian hơn 10 năm cầm dao mổ, Hải là trường hợp BS Tùng gắn bó lâu nhất, mổ nhiều lần nhất và cũng có nhiều tình cảm đặc biệt nhất. Tấm lòng thấu cảm của anh dành cho Hải không chỉ vì trong quá khứ, ở độ tuổi tương tự, anh cũng bị tai nạn mà nỗi đau cùng cực cả về thể xác lẫn tinh thần của bệnh nhân, anh cũng có dịp trải nghiệm cách đây chừng 2 năm.
Nếu Hải mổ 7 lần, từng bị hoại tử thì chính BS Tùng cũng trải qua 5 ca mổ vì lý do tương tự. Năm 2017, khi vệ sinh bể cá và bị mảnh kính vỡ làm bị thương ở lưng, BS Tùng nhiễm vi khuẩn kỵ khí, vết thương cứ sắp liền lại bị nhiễm trùng, hoại tử.
Khi đến bệnh viện Kiến An (Hải Phòng), BS Tùng bị vết thương cũ làm cho đau đến không chịu nổi. Mổ xong cho bệnh nhân, anh nhờ bác sĩ viện Kiến An mổ cho mình. "Vì nhiễm vi khuẩn kỵ khí nên tôi yêu cầu họ không khâu vết thương lại mà cứ để hở như thế. Trên ô tô về Hà Nội, lần đầu tiên tôi đau khủng khiếp và thấy mình sợ chết!".
Trong lúc đau đớn đó, BS Tùng chợt nghĩ đến Hải – bệnh nhân đã nhiều năm chiến đấu với vết thương nhiễm trùng, hoại tử, phải cắt xương, xẻ thịt, nối gân. Những lúc như thế, có lẽ Hải còn đau hơn anh gấp nhiều lần. "Nhưng những trải nghiệm nhỏ của tôi cũng phần nào giúp tôi hiểu nỗi đau của bệnh nhân và luôn cố gắng vì họ.
Trong cuộc đời này, tai nạn có thể xảy đến vào lúc chúng ta không ngờ nhất nhưng sự thật là chẳng có tổn thương nào đủ sức đặt dấu chấm hết cho cuộc đời. Vì thế, hãy cứ tin tưởng và giữ cho mình thái độ sống lạc quan nhất có thể".