Hành trình 40 ngày chữa bệnh cho con
Mẹ Quỳnh Bông (Hà Nội) kể, vào ngày 21/9/2016, chị đón con đi học về thì thấy mặt con vẫn bình thường.
Nhưng một lúc sau, khi nhìn con cười và khóc, chị phát hiện mắt và miệng bé bị lệch sang một bên rất rõ ràng.
Khoảng 19h ngày hôm ấy, mẹ Quỳnh Bông đến thăm khám bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Trung ương thì được bác sĩ chẩn đoán bị viêm dây thần kinh số 7 ngoại biên, bệnh chưa quá 48h nên rất dễ chữa khỏi và cho thuốc về uống.
Nhưng uống thuốc đến ngày thứ 5 thì con chị vẫn không có dấu hiệu đỡ bệnh mà còn bị lệch mặt nhiều hơn. Sau đó chị được giới thiệu đi chụp cộng hưởng não cho con để phát hiện điều trị đúng bệnh.
Đến ngày 29/9, được người quen giới thiệu, mẹ Quỳnh Bông đưa con đến nhờ bác sĩ ở Bệnh viện Châm cứu Trung ương để chữa bệnh cho con.
“Tại đây, bác sĩ nhìn đơn thuốc mình mang theo trước đó nói thuốc này không có tác dụng chữa khỏi bệnh, nó chỉ hỗ trợ.
Chụp cộng hưởng não cũng không để làm gì mà còn làm hại đứa bé. Để chữa được bệnh này, chủ yếu vẫn là châm cứu, rồi bắt đầu châm cứu trên mặt đầu và tay con mình phải đến 20 kim.
30 phút thì bác sĩ đưa mình một cục bông to bảo bác rút kim đến đâu thì thấm máu đến đấy. Rút kim xong, bác sĩ có tiêm 2 mũi vào thái dương con, lúc này nhìn mặt con đã sưng vù và bao nhiêu nốt tím ở các chỗ vừa rút kim.
Bác sĩ gọi sang đưa cho mình 1 lọ thuốc, bảo châm cứu thử 30 ngày, chữa đông tây y kết hợp, hàng ngày đèo con đến”.
Nhìn con cười và khóc, chị phát hiện mắt và miệng bé bị lệch sang một bên rất rõ ràng.
Nhưng vài ngày sau, em bé vẫn không đỡ bệnh mà còn bị sưng vù mặt, nốt tím khắp mặt. Xót con, mẹ Quỳnh Bông tiếp tục đi tìm bác sĩ khác.
May mắn là chị được một người từng có con mắc bệnh này chỉ đến bác sĩ chuyên điều trị châm cứu, có nhiều năm kinh nghiệm tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương.
“Bác sĩ châm 5 kim vào 5 huyệt chính rồi gói lá ngải cứu đốt hơ lên chỗ châm cứu 30 phút, sau đó xoa bóp cho con rất nhẹ nhàng và cẩn thận.
Chỉ khoảng 5 ngày, mình đã thấy con thay đổi rõ ràng. Bác sĩ chỉ châm 20 ngày rồi nghỉ 1 tuần, sau đó đến châm thêm 6 ngày là hoàn toàn khỏi bệnh”, mẹ Quỳnh Bông chia sẻ.
Vậy là sau 40 ngày dài đằng đẵng, chị đã may mắn tìm đúng thầy thuốc để chữa bệnh cho con.
Chị cũng đã chia sẻ hành trình tìm bác sĩ chữa bệnh cho con trên facebook cá nhân và cảnh báo phụ huynh có con về căn bệnh viêm dây thần kinh số 7 nguy hiểm này.
Chỉ cách đây ít ngày, chị Thu Huyền, sống tại Hải Phòng cũng chia sẻ về trường hợp cô con gái Trà My, 2 tuổi bị méo miệng, liệt mặt chỉ sau 1 đêm trời trở gió và phải mất hơn 1 tháng điều trị, con chị mới hoàn toàn khỏi bệnh.
Hành trình chữa bệnh của con gái chị Quỳnh Bông.
Liệt mặt vĩnh viễn nếu không điều trị kịp thời viêm dây thần kinh số 7
Bệnh viêm dây thần kinh số 7 không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng gây mất thẩm mỹ trên khuôn mặt.
Vào tiết trời chuyển lạnh đột ngột, trẻ rất dễ bị mắc phải căn bệnh này. Nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách, trẻ có thể bị liệt mặt, méo miệng vĩnh viễn.
Theo BS Vũ Hữu Ngõ (nguyên trưởng khoa Châm cứu và Dưỡng sinh, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương), bệnh viêm dây thần kinh số 7 hay còn gọi là liệt dây 7 ngoại biên, trong Đông y gọi là khẩu nhãn oa tà là một căn bệnh rất hay gặp ở trẻ em.
“Những nguyên nhân chính gây nên căn bệnh viêm dây thần kinh số 7 là do phong hàn, viêm tai giữa, zona thần kinh và có thể do chấn thương gây nên.
Một số biểu hiện thường gặp của căn bệnh ở trẻ nhỏ là súc miệng không được, mắt nhắm không khít.
Trẻ bị viêm dây thần kinh số 7 không bị đau hoặc có bất cứ cảm giác gì, chủ yếu là người ngoài nhìn vào sẽ thấy lệch mặt, méo miệng…”, BS Vũ Hữu Ngõ cho biết.
Cha mẹ luôn phải trang bị cho con thêm trang phục để tránh lạnh vào buổi sáng và buổi tối (Ảnh minh họa).
Theo chuyên gia, nếu không được điều trị kịp thời sẽ phải đối mặt với biến chứng liệt méo miệng, làm mất thẩm mỹ.
Khi bị liệt quá 2-3 năm thì sẽ trở thành tật. Khi trẻ dậy thì, trưởng thành thì cũng không thể làm thay đổi được hiện tượng liệt mặt này.
“Bệnh viêm dây thần kinh số 7 nếu chỉ dùng thuốc sẽ không thể trị khỏi bệnh hoàn toàn. Dùng thuốc chỉ là hỗ trợ, muốn khỏi hoàn toàn phải sử dụng châm cứu.
Đặc biệt, không được tiêm thuốc vào mặt. Đây là hành động rất nguy hiểm, có thể gây xơ cứng, liệt mặt vĩnh viễn”, BS Ngõ cảnh báo.
Đối với trẻ em bị liệt mặt, méo miệng, nguyên nhân thường là do gặp lạnh đột ngột. Do đó, để phòng tránh căn bệnh viêm dây thần kinh số 7, cha mẹ cần đảm bảo cơ thể của con luôn được giữ ấm, không được để con bị lạnh.
Đặc biệt vào giai đoạn mùa thu đông, mùa đông, khi trời bất chợt chuyển từ nóng sang lạnh, cha mẹ cần hết sức lưu ý vì đây là thời điểm trẻ dễ mắc bệnh nhất.
Do đó, cha mẹ luôn phải trang bị cho con thêm trang phục để tránh lạnh vào buổi sáng và buổi tối. Khi ra ngoài, trẻ cần được mặc ấm.
Luôn luôn có thêm áo khoác ngoài để khi thấy lạnh là con có thể tự giác mặc áo, phòng tránh bệnh. Khi ngủ, không được để quạt thẳng mặt con, không nên lạm dụng điều hòa hoặc để điều hòa chiếu thẳng nguyên một bên người của trẻ.
“Căn bệnh này xuất hiện nhiều vào mùa thu đông do sự thay đổi thời tiết đột ngột. Do đó cha mẹ cần hết sức cẩn thận, tránh để con mắc bệnh.
Khi xác định con bị viêm dây thần kinh số 7, cha mẹ cần tìm đến đúng bác sĩ chuyên chữa liệt mặt, châm cứu để bệnh sớm khỏi hoàn toàn, tránh liệt mặt vĩnh viễn”, BS Ngõ cho biết thêm.