Thành lập ngày 9/1/2002, Lữ đoàn tàu mặt nước chiến đấu 162, Vùng 4 Hải quân là binh đoàn chiến thuật, có nhiệm vụ tác chiến độc lập hoặc hiệp đồng lực lượng tiêu diệt tàu mặt nước của địch, bảo vệ vùng biển được phân công….
20 năm can trường bám biển, sức trẻ tuổi 20 của Lữ đoàn thép được thể hiện rõ ở mỗi cán bộ chiến sĩ qua các thế hệ cùng bản lĩnh vững vàng, ý chí quyết tâm cao, vượt qua mọi khó khăn, làm chủ những con tàu hiện đại, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
"Sức trẻ, thể lực và chuyên môn giỏi" là ba yếu tố chính làm nên thành công trong việc làm chủ những con tàu mặt nước hiện đại của Hải quân Việt Nam ở Lữ đoàn 162.
Đó là chia sẻ của Trung tá Phạm Anh Tuấn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 162 khi nói về những thế hệ CBCS đã nỗ lực ngay từ những ngày đầu tiếp nhận nhiều hệ tàu hiện đại như tàu tên lửa tấn công nhanh, tàu tuần tiễu mang tên lửa diệt hạm, tàu hộ vệ tên lửa.
Đặc biệt, các tàu hộ vệ tên lửa được Nhà nước, quân đội, nhân dân cho phép mang tên các vị vua và danh tướng của dân tộc là Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Quang Trung, Trần Hưng Đạo. Đó cũng là động lực để cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn noi gương các vị tiền nhân; kế thừa truyền thống dám đánh, biết đánh, quyết đánh, quyết thắng quân xâm lược.
Đại tá Nguyễn Thiên Quân, nguyên Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn 162, (nay là Phó Tư lệnh vùng 4 Hải quân) cho biết: So với các tàu mặt nước khác thì tàu hộ vệ tên lửa có nhiều vũ khí, trang bị mới hơn, tàu được vận hành bằng kỹ thuật số và công nghệ thông tin.
Việc nắm vững tính năng, kỹ thuật của tàu và thành thục khoa học công nghệ, tin học là điều bắt buộc trong chỉ huy, điều hành gắn với làm chủ, quản lý, khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại.
Vì thế, ngay sau khi tiếp nhận, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn đã tích cực nghiên cứu, học tập, tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của chuyên gia Nga để nhanh chóng nắm vững tính năng kỹ chiến thuật, làm chủ các loại vũ khí trang bị trên tàu.
Để làm chủ những chiến hạm được mệnh danh là "Báo biển", các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đầu tiên của các tàu đã phải nỗ lực ngày đêm, từ việc học tiếng Anh, tiếng Nga đến việc tự dịch tài liệu sang tiếng Việt và nghiên cứu chi tiết để làm cẩm nang huấn luyện cho các kíp tàu sau.
Đại tá Nguyễn Văn Ngân, Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân (nguyên là thuyền trưởng tàu 012 –Lý Thái Tổ) chia sẻ: Bất cứ ai khi được biên chế về khung tàu lúc đó đều thấy được niềm vinh dự, tự hào và trách nhiệm.
Song làm thế nào để khai thác nhanh nhất, hiệu quả nhất núi kiến thức đồ sộ trên lớp tàu Hộ vệ tên lửa hiện đại là câu hỏi lớn, bởi chiến hạm Gepad 3.9 là tổ hợp của những tổ hợp rộng lớn.
Với sức trẻ và niềm tự hào, mỗi cán bộ chiến sĩ tàu đều xây dựng tốt lộ trình kế hoạch tự học, tự nghiên cứu; vừa thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, vừa học tập nghiên cứu nắm bắt chuyên sâu về vũ khí trang bị (VKTB).
Đến thăm "Lữ đoàn thép", điều khiến ai cũng ngạc nhiên bởi làm chủ những con tàu hiện đại đa phần là thế hệ 8x, 9x. Trung tá Vũ Trọng Tân, Thuyền trưởng Tàu 016 – Quang Trung không giấu niềm tự hào khi được làm nhiệm vụ trên con tàu hiện đại.
Anh Tân cho biết: Kế thừa và phát huy thành quả các thế hệ đi trước đã dày công xây dựng, cán bộ, chiến sỹ Tàu 016 xác định rõ phương châm "Có lệnh là lên đường, có lệnh là sẵn sàng chiến đấu".
Toàn tàu đã nghiên cứu và vận dụng sáng tạo vũ khí trang bị kỹ thuật hiện có để đưa ra những tình huống huấn luyện sát, đúng thực tiễn chiến trường. Đây là niềm tin để thế hệ trẻ khẳng định với thủ trưởng các cấp, các thế hệ đi trước về khả năng làm chủ, khai thác rất có hiệu quả vũ khí trang bị hiện đại, vững vàng tiến ra biển lớn.
Minh chứng rõ nét được thể hiện ở những lần diễn tập, bắn đạn thật; đặc biệt là việc dành huy chương Bạc tại đấu trường Army games 2021 với nhiều nội dung xếp trên hoặc đồng vị trí số 1 với nước chủ nhà Liên bang Nga và xếp trên đội tuyển Trung Quốc.
Bên cạnh các yếu tố sức trẻ, thể lực và chuyên môn giỏi, yếu tố chính trị tinh thần đóng vai trò hết sức quan trọng ở "Lữ đoàn thép" 162. Thượng tá Vũ Đức Hậu, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn chia sẻ: Cán bộ tàu là gốc của mọi công việc, Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn luôn xác định đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ chính trị nói riêng là lực lượng nòng cốt, nhân tố có vai trò quyết định trong việc làm chủ những con tàu hộ vệ tên lửa hiện đại.
Các kíp tàu được tuyển chọn từ nhiều vùng của Hải quân, có kinh nghiệm làm việc trên nhiều loại tàu; đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp của Lữ đoàn thực sự là "xương sống" của mỗi con tàu.
Vì thế để làm chủ những con tàu hiện đại, Lữ đoàn chú trọng đến công tác huấn luyện thực hành, gắn với chức trách của từng bộ phận, trong đó tập trung huấn luyện sát với phương án, sát với nhiệm vụ, sát đối tượng tác chiến, sát vũ khí trang bị kỹ thuật hiện có và sát chiến trường...
Đến nay, cán bộ, chiến sĩ đã hoàn toàn làm chủ các con tàu hiện đại được biên chế; cán bộ, chiến sĩ giỏi vị trí của mình và biết vị trí khác.
Theo Chuẩn đô đốc Nguyễn Đình Hùng, Tư lệnh Vùng 4 Hải quân: 20 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Lữ đoàn 162 đã có những bước phát triển vững chắc; đội ngũ cán bộ, chiến sỹ luôn đoàn kết thống nhất, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, luôn nhận thức sâu sắc yêu cầu nhiệm vụ; tích cực, chủ động khắc phục khó khăn; có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao, bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào vẫn luôn là một khối đoàn kết thống nhất, nhận thức đúng chức trách, nhiệm vụ, vượt qua khó khăn, thách thức, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Cũng theo Chuẩn đô đốc Nguyễn Đình Hùng, hiện nay Lữ đoàn 162 được xem là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Hải quân; giữ vững đơn vị huấn luyện giỏi của Vùng 4, Quân chủng Hải quân và Bộ quốc phòng; là điểm sáng trên tất cả các mặt công tác được lựa chọn để các đơn vị trong toàn Quân chủng về học tập và nhân rộng; là đơn vị tiên phong thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng…
Có được điều này chính là sức mạnh đoàn kết, sáng tạo, ý chí quyết tâm, tinh thần vượt khó, gắn bó với con tàu, với đơn vị như ngôi nhà thứ hai của mình, xuất phát từ tình yêu biển, đảo, yêu Tổ quốc của mỗi cán bộ, chiến sỹ.
Trước tình hình trên biển có nhiều diễn biến phức tạp, yêu cầu nhiệm vụ của Hải quân nhân dân Việt Nam ngày càng cao, nặng nề hơn, Trung tá Phạm Anh Tuấn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 162 khẳng định:
Mỗi cán bộ, thủy thủ Lữ đoàn 162 sẽ tiếp tục phấn đấu, dành trọn tâm huyết, trí tuệ, sức lực để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo; vững bước làm chủ vũ khí trang bị, giữ trọn niềm tin mà Quân chủng Hải quân, Quân đội, Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước đã kỳ vọng và giao phó.
Hành trình 20 năm can trường bám biển, Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân luôn đứng vững trên vị thế của một đơn vị tàu chiến đấu mặt nước hiện đại nhất của Quân chủng Hải quân, xây đắp nên truyền thống "Sẵn sàng chiến đấu, chính quy tinh nhuệ, đoàn kết hiệp đồng, quyết chiến quyết thắng". Sức trẻ tuổi 20 là tiền đề quan trọng để Lữ đoàn 162 khẳng định là đơn vị vững mạnh toàn diện, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; tiếp tục xây đắp "ngôi nhà chung – Lữ đoàn thép" vững chắc để luôn vững vàng tiến ra biển lớn.
Là đơn vị tàu chiến đấu mặt nước hiện đại nhất của Quân chủng Hải quân. Lữ đoàn được giao quản lý, khai thác số lượng lớn tàu, vũ khí trang bị kỹ thuật mới, hiện đại...20 năm hình thành và phát triển (09/1/2002- 09/1/2022), năm 2018 Lữ đoàn được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua; liên tục từ năm 2015-2020, Lữ đoàn được tặng cờ "Đơn vị huấn luyện giỏi" cấp Bộ Quốc phòng và Quân chủng, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Đặc biệt, ngày 7-6-2021 Lữ đoàn 162 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì vì đã có thành tích trong công tác huấn luyện, phục vụ chiến đấu, xây dựng lực lượng quân đội nhân dân, củng cố quốc phòng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Kỷ niệm 20 năm, Lữ đoàn 162 vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng Nhì.