"Thiện Nhân và Việt Nam đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi"
Sau 10 năm thành lập, đến nay quỹ Thiện Nhân và những người bạn đã phẫu thuật cho hàng trăm bệnh nhi khuyết tật bộ phận sinh dục trên khắp cả nước. Câu chuyện "vá lỗi tạo hoá" đầy nhân văn này được viết lên bởi trái tim nhân hậu của nhà báo Trần Mai Anh, nghị lực sống kiên cường của cậu bé Thiện Nhân và mối lương duyên đặc biệt của bác sĩ Roberto De Castro với Việt Nam.
"Mẹ ơi! Con là quỷ thật sao? Sao mẹ lại sinh ra một con quỷ trên cõi đời này?"Theo đó, Roberto De Castro (70 tuổi) là một trong những bác sĩ hàng đầu thế giới về chuyên khoa tiết niệu nhi. Trong suốt sự nghiệp của mình, Roberto De Castro đã tham gia nghiên cứu phương pháp chữa trị tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em trên khắp thế giới. Vào năm 2010, cuộc gặp gỡ của vị bác sĩ với cậu bé Thiện Nhân đã tạo mối lương duyên đặc biệt đưa ông đến Việt Nam.
Bác sĩ Roberto De Castro gần 10 năm đã phẫu thuật miễn phí nhằm tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em Việt Nam.
Nhớ lại câu chuyện ấy, Roberto De Castro hào hứng kể: Năm 2010, Thiện Nhân sang Ý và được ông đứng ra tiếp nhận ca phẫu thuật. Hoàn cảnh đặc biệt khi cậu bé vừa chào đời đã bị bỏ giữa rừng, thú ăn mất một chân và bộ phận sinh dục đã khiến ông không khỏi xúc động.
"Tôi nghĩ tình mẹ lớn lao của Trần Mai Anh đã tạo nên sự kiên cường cho Thiện Nhân. Lúc đó, dù trải qua ca đại phẫu thuật, cả tháng phải sống ở bệnh viện nước ngoài, song Thiện Nhân lúc nào cũng vui vẻ, mỉm cười với tất cả mọi người. Chính sự lạc quan và tình cảm đặc biệt của 2 mẹ con họ đã thôi thúc tôi muốn đến Việt Nam để hiểu hơn con người nơi đây" - Roberto chia sẻ.
Chính cuộc gặp gỡ với cậu bé Thiện Nhân đã đưa ông sang Việt Nam.
Giờ đây, ông đã trở thành một người bạn của hàng nghìn bệnh nhi Việt Nam.
Không lâu sau đó, Roberto đã sang Việt Nam để thăm khám cho Thiện Nhân. Trong lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam này, ông cũng chữa trị miễn phí cho hơn 100 bệnh nhi tiết niệu khác.
"Tôi đã dành cả cuộc đời để đi khắp thế giới và cứu giúp trẻ em, nhưng khi đến Việt Nam, tôi thật sự bất ngờ khi thấy tỷ lệ trẻ em mắc khiếm khuyết bộ phận sinh dục, rối loạn giới tính, bệnh về đường tiết niệu lại cao đến như vậy. Lúc đó, trước đề nghị giúp đỡ trẻ em Việt Nam của Trần Mai Anh, tôi đã đồng ý ngay".
Để tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất cho các bệnh nhi, bác sĩ Roberto De Castro đã mất nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu. Sự thực, mỗi ca tiết niệu có thể mất nhiều năm với hàng chục ca phẫu thuật lớn nhỏ nên đòi hỏi sự gắn bó lâu dài giữa bác sĩ với trẻ em. Đồng thời, trong những chuyến sang Việt Nam, ông luôn mang theo các thiết bị chuyên biệt, thuốc đặc trị riêng từ nước ngoài với mong muốn có phương pháp chữa trị tốt nhất.
Mỗi năm, ông dành nhiều tháng trời để chữa trị cho bệnh nhi khắp cả nước.
Song, tại Việt Nam, điều khiến Roberto đau đáu hơn cả không chỉ là vấn đề bệnh lý mà còn là ảnh hưởng tâm lý nặng nề của cộng đồng lên các bệnh nhân. Trẻ em Việt Nam luôn sống khép kín, sợ sệt, chúng hay chọn cách giấu bệnh hoặc chịu sự kỳ thị từ những người sống xung quanh.
"Ở Việt Nam, tôi vừa chữa trị bệnh lý vừa xoa dịu vết thương tinh thần nữa. Nhưng trái lại, người Việt Nam lại vô cùng lạc quan. Tôi đã chứng kiến cảnh mẹ con ôm nhau ngủ trong khi chờ tôi khám, nụ cười tươi tắn của họ ngay cả trong hoàn cảnh bệnh tật rất nặng. Trước đây, tôi cứ nghĩ rằng việc gặp tôi đối với Thiện Nhân và trẻ em Việt Nam, đó là một điều quan trọng với chúng. Nhưng giờ điều đó lại hoàn toàn ngược lại. Thiện Nhân và Việt Nam thực sự đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi." - vị bác sĩ nói.
Với trẻ em Việt Nam, sự khuyết thiếu bộ phận sinh dục không chỉ là bệnh lý mà còn nỗi đau về mặt tinh thần.
"Một ngày nào đó, tôi già đi, tôi mong có nhiều bác sĩ trẻ hơn có thể thay tôi tiếp tục giúp đỡ trẻ em Việt Nam"
10 năm gắn bó với Việt Nam, bác sĩ Roberto De Castro không chỉ tham gia phẫu thuật cho bệnh nhi, mà ông còn đứng ra kêu gọi các tổ chức từ thiện, bác sĩ tiết niệu nhi hàng đầu thế giới đến Việt Nam để giúp đỡ. Ông luôn xem Việt Nam là ngôi nhà thứ 2 của mình.
"Việt Nam là một đất nước hạnh phúc nhất mà tôi từng biết. Ở đây, tôi có một tình bạn keo sơn với mọi người. Tôi biết lo lắng, đau đớn trước mỗi bệnh nhi. Tôi luôn cảm giác mình là người nhà của bệnh nhân vậy" - ông cười.
Không chỉ tham gia phẫu thuật cho bệnh nhi, Roberto De Castro còn đứng ra kêu gọi các tổ chức từ thiện, bác sĩ tiết niệu nhi hàng đầu thế giới đến Việt Nam để giúp đỡ.
Hiện nay, bên cạnh việc khám chữa bệnh cho trẻ em Việt Nam, Roberto De Castro tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp điều trị cho các bác sĩ tiết niệu nhi trong và ngoài nước. Trong tương lai, ông mong muốn sẽ tiếp tục có một thế hệ bác sĩ trẻ giúp ông thực hiện ước mơ "vá lỗi tạo hoá" này tại Việt Nam.
"Tôi luôn sẵn sàng quay trở lại Việt Nam bất cứ lúc nào, ngay cả khi tôi đã già. Nhưng tôi đã nghĩ đến chuyện nếu bản thân không còn đủ sức khỏe thì vẫn có các bác sĩ trẻ hơn thay tôi làm điều này. Và một ngày nào đó, các bác sĩ Việt Nam cũng có thể tự hào nói với tôi rằng họ đã có thể thực hiện những ca phẫu thuật lớn cho bệnh nhi tiết niệu tại đất nước của họ" - vị bác sĩ nói.
Trong tương lai, ông mong muốn sẽ có một thế hệ bác sĩ trẻ tuổi giúp ông tiếp tục câu chuyện nhân văn này.
Nhắc về vị bác sĩ đáng kính này, nhà báo Trần Mai Anh (người sáng lập quỹ Thiện Nhân và những người bạn) chia sẻ: "Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng từ cái ngày Thiện Nhân sang Ý phẫu thuật đến nay, tôi và Roberto De Castro đã cùng cùng nhau 10 năm giúp đỡ trẻ em Việt Nam. Bác ấy không còn là 1 bác sĩ, một nhà nghiên cứu hay người ngoại quốc nữa, Roberto với trẻ em Việt Nam là một thành viên gia đình tuyệt vời. Tôi tin rằng, ước mơ vì trẻ em Việt Nam của tôi và bác ấy sẽ có thể nối dài 20 năm, 30 năm nữa,… và nhiều đứa trẻ thiếu may mắn như Thiện Nhân sẽ tìm lại được niềm vui cuộc sống…"