"Khi nào thì đẻ?"
Chị Nguyễn Thị Yến (33 tuổi) kết hôn cuối năm 2013. Ngay sau lễ cưới, chồng chị - anh Hoàng Văn Dũng, công tác tại Bộ Tham mưu, Quân chủng Hải Quân - đã nhận lệnh vào Khánh Hòa đóng quân làm nhiệm vụ, chị Yến ở lại quê nhà.
Thời gian chồng đi làm nhiệm vụ, chị Yến ở nhà đã chịu không ít áp lực từ bạn bè, hàng xóm. Ai gặp chị cũng đều hỏi: "Không đẻ à Yến?", "Khi nào thì đẻ?"… Những câu hỏi "mượn chuyện làm quà" của mọi người khiến cho chị Yến cảm thấy rất buồn.
Chị Yến cũng không khỏi tủi thân khi thấy bạn bè cưới sau mình nhưng đã có con. Muốn sớm có con, chị Yến đã bỏ công việc là giáo viên mầm non để theo chồng vào Khánh Hòa. Thế nhưng, tin vui mãi chưa đến với cặp vợ chồng trẻ.
Sau 3 năm kết hôn, cả hai mới có điều kiện đi khám. Các bác sĩ chẩn đoán chị bị tắc một bên vòi trứng nên việc có con khó khăn hơn.
"Sau đó, tôi làm thụ tinh nhân tạo 4 lần nhưng đều thất bại. Lúc ấy, kinh tế gia đình gần như đã kiệt quệ. Đến năm 2018, chồng tôi lại chuyển công tác về Hải Phòng. Hai vợ chồng tính toán sẽ vay mượn để tiếp tục hành trình tìm con", chị Yến nói.
Chị Yến tâm sự nhiều lúc chị đã muốn bỏ cuộc, nhưng chồng chị luôn ở bên cạnh động viên. Chị còn nhớ mãi câu nói của anh: "Làm vợ thiệt thòi nhiều, đến với nhau là cái duyên, vợ chồng mình đi qua giông bão, cố thêm một chút rồi sẽ đến đích". Nghe những lời động viên của chồng, chị Yến đã bật khóc và quyết định sẽ không bao giờ buông tay anh.
May mắn, anh chị nhận được hỗ trợ thụ tinh nhân tạo. Giờ đây, bế con yêu chưa tròn 1 tuổi trên tay, chị Yến vẫn không thể tin được hành trình 10 năm đã hái được "quả ngọt".
Gia đình anh Tuấn Anh và chị Lan (Ảnh: PV)
Cũng tương tự gia đình chị Yến, anh Phan Tuấn Anh (27 tuổi, công tác tại Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật) cũng có lần muốn "giải thoát" cho vợ.
Vợ chồng anh Tuấn Anh kết hôn từ năm 2018, sau hai năm chưa thấy tin vui mới đi khám. Kết quả nguyên nhân hiếm muộn là do anh.
Anh Tuấn Anh còn nói với vợ: "Hay em đi lấy chồng khác để có đứa con, anh không trách móc gì cả".
Tuy nhiên, chưa một lần chị Lan (vợ anh Tuấn Anh) buông tay chồng. Cả hai đều quyết tâm cùng nhau trong hành trình tìm con yêu. May mắn, vào năm 2022, anh chị nhận được hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí.
Ngay trong lần chuyển phôi đầu tiên, chị Lan đã đậu thai. Tháng 11 vừa qua, gia đình đã đón được con yêu. Anh Tuấn Anh xúc động nói: "Làm vợ bộ đội đã là vất vả, với những cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn còn vất vả hơn".
3.000 quân nhân hiếm muộn
Đại tá Hoàng Gia Khánh, phó giám đốc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội chia sẻ theo thống kê, có khoảng hơn 3.000 quân nhân hiếm muộn đang công tác tại các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.
"Với đặc thù thường xuyên phải công tác xa gia đình, thực hiện nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi biên cương, hải đảo…, đứa con chính là sợi dây gắn kết giữa những người lính nơi tiền tuyến xa xôi với hậu phương nơi quê nhà. Thế nhưng, nhiều cặp vợ chồng không có được niềm vui trọn vẹn ấy.
Nhiều cặp đôi không có đủ kinh tế để theo đuổi đến cùng hành trình ấy. Sự hỗ trợ của cộng đồng sẽ thắp lên hy vọng cho các cặp vợ chồng là quân nhân hiếm muộn", đại tá Khánh nói.
Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, chia sẻ chính vì đặc thù công việc mà nhiều cặp vợ chồng quân nhân chưa thể có con, có con muộn. Mong muốn chia sẻ với các gia đình trong hành trình tìm con, bắt đầu từ năm 2021, bệnh viện tổ chức chương trình "Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn - yêu thương lan tỏa". Đến nay, chương trình đã đón 17 em bé chào đời.
Ngày 15/12, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm Phát thanh truyền hình Quân đội tổ chức lễ công bố và trao quyết định hỗ trợ 100% chi phí thụ tinh trong ống nghiệm cho 10 cặp quân nhân hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn năm 2023.